Mật ong là sản phẩm rất tốt cho sức khỏe tuy nhiên nếu chế biến mật ong cùng với nước quá nóng sẽ làm mất đi dinh dưỡng vốn có, thậm chí còn có thể gây hại.

Mật ong vốn là một trong những thực phẩm quen thuộc được nhiều người sử dụng. Mật ong chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như vitamin, khoáng chất, axit amin, chất chống oxy hóa,… có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Lâu nay mật ong thường được mệnh danh là “vàng lỏng” vì vô số lợi ích cho sức khỏe, làn da và mái tóc. Đó là lý do tại sao nó được sử dụng rộng rãi trong các gia đình.

Với tầm quan trọng không thể thiếu của mật ong đối với cuộc sống, có thể dễ dàng đoán được rằng hầu hết mọi người đều được khuyên nên uống mật ong với nước nóng vào buổi sáng khi bụng đói. Người ta tin rằng làm như vậy sẽ loại bỏ tất cả các chất độc trong cơ thể và giữ cho bạn luôn khỏe mạnh.

Nhưng một nghiên cứu đăng trên tạp chí AYU của Ấn Độ cho thấy ở nhiệt độ 140 độ, mật ong trở nên độc hại. Chẳng hạn, khi trộn mật ong vào sữa hoặc nước nóng, mật ong sẽ bị biến chất và có thể gây bất lợi cho cơ thể.


Không nên cho nước quá nóng vào mật ong vì có thể làm mất đi nhiều dinh dưỡng vốn có. Ảnh minh họa

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tuyên bố rằng mật ong có chứa đường tự nhiên. Vấn đề là đun nóng bất cứ thứ gì có chứa đường đều có thể giải phóng 5-hydroxymethylfurfural hoặc HMF, chất được cho là có bản chất gây ung thư.

Đối với việc đun nóng mật ong, theo Ayurveda- phương pháp y học cổ truyền Ấn Độ, đun nóng mật ong làm mất đi các enzym và chất dinh dưỡng thiết yếu. Đồng thời, việc này tạo ra các phân tử độc hại dính vào màng nhầy của hệ tiêu hóa, từ đó chuyển hóa thành chất độc tên là Ama gây đau bụng, ảnh hưởng đến hô hấp. Đồng quan điểm, Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia Mỹ chống chỉ định tác động nhiệt cao cho chế phẩm này vì gây nhiều tác dụng phụ, có thể tạo ra hiệu ứng mê sảng.

Trên trang Healthshots.com của Mỹ cũng đưa tin, có thể uống một thìa mật ong nguyên chất vào mỗi buổi sáng. Nhưng tránh đun nóng nước hoặc sữa khi thêm mật ong. Nhìn chung, mật ong mang lại tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe nhưng phải tiêu thụ nó đúng cách.

Liên quan đến thông tin thêm mật ong vào nước nóng Tiến sĩ Saurabh Sethi, bác sĩ tiêu hóa tại California, Mỹ cũng chia sẻ trên kênh TikTok @doctorsethimd của mình, vị chuyên gia giải thích: “Việc thêm mật ong vào nước nóng hoặc đồ uống nóng như trà, cà phê sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của mật ong. Điều này là do nhiệt độ của nước nóng có thể phá hủy các enzyme, vitamin, khoáng chất có lợi có trong mật ong”.

Chuyên gia Sethi khuyên: “Mọi người không nên sử dụng nước sôi hoặc trà quá nóng để pha cùng mật ong. Thay vào đó nên đợi nước hoặc trà nguội bớt rồi mới thêm mật ong vào. Việc pha mật ong với nước ấm sẽ giúp giữ được tối đa các chất dinh dưỡng có trong mật ong và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn”.

Các chuyên gia khuyến cáo tốt nhất nên sử dụng mật ong ở dạng nguyên bản để đảm bảo chúng không làm hại đến sức khỏe. Trường hợp vẫn muốn nướng hoặc nấu bất kỳ món ăn nào bằng mật ong, cần đảm bảo không làm nóng chế phẩm quá 40 độ. Lý do là càng đun nhiều, mật ong sẽ gây ra biến đổi hóa học tiêu cực khiến chúng có vị đắng. Ngoài ra, nhiều cá nhân có thói quen pha nước chanh mật ong uống vào mỗi sáng giúp thanh lọc cơ thể, giảm cân cũng nên lưu ý chỉ nên dùng nước ấm để bảo toàn trọn vẹn dưỡng chất của mật ong.

Những điều cần lưu ý khi pha và sử dụng mật ong

Cần sử dụng nước ấm: Sau khi pha mật ong vào nước ấm, hãy để đồ uống nguội đến nhiệt độ an toàn để uống. Điều này đảm bảo có thể thưởng thức nó mà không bị bỏng miệng hoặc cổ họng.

Chọn mật ong thô một cách cẩn thận: Nếu đang sử dụng mật ong thô và muốn bảo quản chất lượng nguyên thủy của nó, hãy sử dụng nước ấm vừa đủ nhưng không quá nóng. Những người đam mê mật ong nguyên chất thích tránh nhiệt độ cao để giữ lại càng nhiều enzym tự nhiên và chất chống oxy hóa của mật ong càng tốt.

Điều độ: Tránh sử dụng quá nhiều mật ong, đặc biệt nếu lo lắng về lượng đường trong máu hoặc lượng calo nạp vào.

Bảo quản: Để bảo quản chất lượng mật ong nên để ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và nhiệt độ dao động quá cao. Bảo quản mật ong ở nhiệt độ từ 50°F đến 70°F (10°C đến 21°C) là lý tưởng để làm chậm quá trình kết tinh.

An toàn cho trẻ sơ sinh: Không bao giờ cho trẻ sơ sinh dưới một tuổi uống mật ong, dù ở dạng nước nóng hay bất kỳ hình thức nào khác. Mật ong đôi khi có thể chứa bào tử Clostridium botulinum, có thể gây hại cho trẻ sơ sinh có hệ tiêu hóa chưa trưởng thành.

Không nên uống mật ong khi ngủ: Thói quen này sẽ không tốt, đặc biệt là với những người cao tuổi. Trong mật ong có đến 81,3% lượng đường nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tim mạch và huyết áp. Uống mật ong trước khi đi ngủ sẽ làm tăng lượng đường huyết một cách đột ngột, gây mệt mỏi, ủ rũ vào sáng hôm sau. Những người bị tiểu đường còn rất có khả năng bị đột quỵ, tử vong nếu lượng đường trong máu quá cao.

Uống mật ong đã nổi bọt khí: Vì lượng đường trong mật ong khá cao, lại thêm tính hút ẩm cao của đường sẽ khiến mật ong nguyên chất tích thêm một lượng lớn nước nếu không được bảo quản đúng cách. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm hình thành và phát triển trong chính môi trường mật ong vốn đã rất giàu chất dinh dưỡng. Các vi khuẩn này sẽ làm mật ong bị biến chất, thậm chí là nhiễm trực khuẩn và sinh ra nhiều độc tố gây hại cho sức khỏe.

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/tranh-pha-mat-ong-vao-nuoc-qua-nong-vi-co-the-lam-mat-gia-tri-dinh-duong-san-sinh-chat-co-hai-d219441.html