Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, các mảnh vỡ, hạt và sợi nhựa đã được phát hiện trong hơn 90% mẫu nước mưa được lấy từ khắp bang Colorado-Mỹ, bao gồm cả độ cao hơn 3.000 mét ở núi Rocky trong Công viên Quốc gia.

Một nghiên cứu mới nhất cho thấy, những hạt vi nhựa này cũng được tìm thấy ở những vùng xa xôi nhất trên hành tinh của chúng ta. Theo các nhà khoa học, phát hiện này cho thấy nhựa lắng đọng trong nước là hiện tượng rất phổ biến và không chỉ ở vùng đô thị.

Ông Greg Weatherbee, trưởng nhóm nghiên cứu khảo sát địa chất Mỹ, nói với báo The Guardian: “Tôi nghĩ rằng kết quả quan trọng nhất mà chúng tôi có thể chia sẻ với công chúng Mỹ là nhựa có nhiều hơn mắt thường chúng ta trông thấy. Nó lẫn trong mưa, tuyết và là một phần của môi trường chúng ta đang sống”.

Các nhà khoa học – những người đang nghiên cứu ô nhiễm nitơ vào thời điểm đó, đã thu thập các mẫu nước mưa trên khắp Colorado và phân tích chúng bằng kính hiển vi.

Họ tin rằng rác thải ra môi trường là nguồn chính tạo ra các hạt vi nhựa và sợi nhựa từ quần áo thải ra cũng là một nguồn đáng kể.

Vào tháng 4-2019, một nhóm các nhà nghiên cứu khác đã phát hiện ra lượng chất thải nhựa đáng kể trên một lưu vực xa ở vùng núi Pyrenées, Pháp. Họ đã tìm thấy 365 hạt vi nhựa trong mỗi mét vuông – Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience.

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 365 hạt vi nhựa/m2 của vùng núi Pyrénees, Pháp. Ảnh: World Atlas

Nhờ vào khí quyển mô phỏng, họ phát hiện chất thải nhựa vận chuyển trong khí quyển được cách xa ít nhất 100 km. Hạt vi nhựa đã được xem là một mối đe dọa đáng kể đối với sinh vật biển và đã được tìm thấy ở các con sông, đại dương và vùng Bắc Cực.

Vào tháng 6 vừa qua, một nghiên cứu khác nữa lại cho thấy các con sông của Anh bị ô nhiễm chất thải, gần như tất cả các mẫu đều chứa hạt vi nhựa. Nghiên cứu 13 con sông ở Vương quốc Anh của Greenpeace cho thấy tất cả chúng đều có hạt vi nhựa trong đó.

Hơn bốn phần năm số polyme được Greenpeace tìm thấy là polyetylen, polystyren và polypropylen được sử dụng để sản xuất các sản phẩm như bao bì thực phẩm sữa, chai nước và túi đựng đồ.

Sự tăng trưởng ngày càng nhiều của nhựa tiêu dùng sử dụng một lần đã thúc đẩy sự gia tăng ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới. Ước tính hiện có 5,25 nghìn tỉ mảnh vụn nhựa ở đại dương và một báo cáo gần đây ước tính số lượng nhựa trên biển sẽ tăng gấp ba vào năm 2025. Khoảng 40% nhựa được thải ra trong cùng năm chúng được sản xuất.

Theo Nguoilaodong (15/8/2019)