Được triển khai tại Việt Nam từ nhiều năm nay, hoạt động tăng trưởng xanh đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu, nhưng cũng đặt ra một số thách thức trong thực tiễn.

Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững và là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường

Tại Việt Nam, Chương trình tăng trưởng xanh được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Chương trình khẳng định: Tăng trưởng xanh là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững…

Bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh tại Việt Nam vẫn phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức cụ thể: nhận thức của một số bộ, ngành và chính quyền địa phương về Chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng. Theo kết quả khảo soát, đến cuối năm 2018, mới chỉ có 7 bộ, ngành và 34/63 tỉnh, thành ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Điều đó cho thấy, việc cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia chưa phải là một nhiệm vụ bắt buộc cần ưu tiên thực hiện ở bộ, ngành và địa phương.

Để đẩy mạnh thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, thời gian tới cần tập trung các nội dung sau:

Một là, hoàn thiện khung chính sách kế hoạch và đầu tư. Cụ thể, cần hoàn thiện và sớm ban hành bộ chỉ tiêu đo lường tăng trưởng xanh cấp quốc gia của Việt Nam. Theo đó, cần bổ sung một số chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Chuẩn bị sẵn sàng để hoàn thiện và áp dụng bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025).

Hai là, hoàn thiện khung chính sách tài chính tăng trưởng xanh. Xây dựng khung chính sách phân bổ và quản lý ngân sách quốc gia phục vụ thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, hoàn thiện khung chính sách tài chính (bao gồm: Thuế, phí, trợ giá, các quỹ, chế tài, các tiêu chí xanh, phát triển bền vững với doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán) liên quan tới thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; Xây dựng cơ chế hỗ trợ tư nhân chuẩn bị và thực hiện dự án tăng trưởng xanh.

Ba là, nghiên cứu ban hành các định mức, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xanh. Cùng với đó, các ngành và địa phương tiếp tục xây dựng lộ trình cụ thể các hoạt động tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện, nhằm hoàn thành những mục tiêu đề ra vào năm 2020; Nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh cho các cấp lãnh đạo ở các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành, địa phương và khu vực doanh nghiệp.

Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn (14/8/2019)