Trong bối cảnh toàn cầu phải đối mặt với những hậu quả của biến đổi khí hậu, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường… thì việc xây dựng và phát triển những cơ sở giáo dục bền vững cần được đặc biệt quan tâm.
Ai cũng biết, nếu các cơ sở giáo dục như trường đại học, cao đẳng, dạy nghề mà nằm ở trung tâm thành phố thì quả là có nhiều tác động tiêu cực đè nặng lên đô thị. Giáo dục là cần thiết nhưng phải xây dựng những mô hình bền vững để hạn chế tối đa những hệ quả tiêu cực. Trên thế giới, việc xây dựng trường học được gắn với rất nhiều tiêu chí bền vững như: Bảo tồn năng lượng, nước, tài nguyên, sử dụng nguồn năng lượng tái chế, giảm thiểu phát thải khí các bon, đảm bảo tiện nghi vi khí hậu và sức khoẻ cho người sử dụng, đảm bảo cân bằng sinh thái tại địa điểm xây dựng…
Xây dựng các công trình giáo dục như trường đại học ngày nay được đặc biệt chú trọng theo tiêu chí “xanh”, bền vững. Bởi chỉ có như thế mới được xem là nơi lý tưởng cho việc tuyên truyền, giáo dục về phát triển bền vững và nâng cao ý thức xã hội, trách nhiệm môi trường. Thế hệ tương lai từ đó mới có thể nhận thức trọng trách của chính mình. Bên cạnh đó, văn phong kiến trúc trường đại học cũng đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo hiệu quả thẩm mỹ và chất lượng môi trường của cộng đồng.
Mô hình trường đại học xanh ở Áo.
Lợi ích của các trường học mang kiến trúc bền vững thì quá rõ ràng, như sinh viên sẽ được học tập trong môi trường tốt có lợi cho sức khoẻ, đồng thời là công cụ hiệu quả và ví dụ thực tiễn nhất về giáo dục kiến trúc bền vững trong xã hội. Mô hình kiến trúc trường học này trên thế giới được chú trọng ngay từ giai đoạn thiết kế. Họ có các tiêu chí về công trình kiến trúc giáo dục bền vững đã được nghiên cứu và áp dụng. Các tiêu chí này có rất nhiều hệ thống đánh giá đã áp dụng phổ biến trong phạm vi mỗi quốc gia, điển hình là BREAM của Anh, Green Star của Úc, LEED của Mỹ, hệ thống LEED có những tiêu chí riêng cho thể loại trường học.
Thông thường, khi nghĩ đến xây dựng các cơ sở giáo dục thường cho rằng rất tốn kém, đặc biệt các công trình mang tính bền vững, thế nhưng, có một nghiên cứu năm 2006 về các trường học xanh của Mỹ chỉ ra rằng: Kinh phí đầu tư trường học xanh ít hơn 2%, trong khi lợi nhuận về tài chính đem lại lớn gấp 20 lần so với công trình thông thường. Bởi vì, công trình xanh có thể giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên nước, giảm chi phí vận hành và bảo trì. Hơn nữa, các em sinh viên học dưới mái trường xanh và mang tính bền vững thân thiện môi trường như vậy đều rất tích cực vì hiểu hơn và trân trọng hơn những yếu tố môi trường.
Có nhiều trường đại học mới đã áp dụng những tiêu chí bền vững ngay từ giai đoạn phát triển dự án. Những tiêu chí hài hoà giữa kinh tế và lợi ích bền vững như giảm thiểu sử dụng tài nguyên và năng lượng trong xây dựng cũng như vận hành. Họ đã áp dụng lối thiết kế thụ động như thông gió tự nhiên, che nắng, làm mát công trình bằng hệ thống mái che và hiên rộng, cây xanh và mặt nước; tái sử dụng chất thải và giảm thiểu khí thải…
Có thể thấy rõ, xây dựng mô hình trường đại học bền vững là cần thiết, đặc biệt với quốc gia đang phát triển. Vấn đề ở đây là sự nhận thức ở ngay chính những người hoạch định chính sách. Chúng ta cần đặt ra tiêu chí rõ ràng và dũng cảm áp dụng triệt để những tiêu chí ấy mà thôi.
Theo Nam Hưng/baoxaydung.com.vn