Theo khuyến cáo của WHO, với chế độ ăn mặn sẽ đối mặt nhiều hệ lụy sức khỏe, tác động cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Theo thống kê của Bộ Y tế, một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ trung bình 9,4 g muối mỗi ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị ít hơn 5 g muối một ngày của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đây là con số đáng báo động khiến nhiều người phải nhìn lại chế độ ăn uống của bản thân.
Cụ thể, khẩu phần ăn nhiều muối có thể gây các bệnh lý trên da như mụn trứng cá, khô môi; các bệnh đường tiêu hóa như đầy hơi, ảnh hưởng vị giác, sức khỏe đường ruột kém, ợ nóng rát, tăng nguy cơ loét dạ dày và tá tràng; các bệnh tác động tổng quát cơ thể như yếu xương, sưng phù… Trí não cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng với tình trạng chóng mặt thường xuất hiện và chức năng nhận thức bị tác động tiêu cực.
Trong đó, hệ lụy nguy hiểm nhất là tăng nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và các bệnh tim mạch có liên quan. Người đang mắc các bệnh về tim mạch có nguy cơ trở nặng. Người bệnh suy tim có thể bị phù cẳng chân, mu bàn chân, thậm chí phù toàn thân.
Chế độ ăn uống mặn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe cần tránh. Ảnh minh họa
Ăn quá mặn sẽ ảnh hưởng tới thận – cơ quan quan trọng quyết định tới sinh lý phái mạnh. Cụ thể, ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Nếu đã bị bệnh thận mà bệnh nhân vẫn sử dụng đồ ăn mặn thì bệnh sẽ ngày càng nặng.
Ngược lại, nếu giảm lượng muối thì chức năng thận sẽ được cải thiện tốt hơn. Ngoài ra, muối cũng là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh như sỏi thận, thận nhiễm mỡ,…
Ăn mặn làm hại xương. Việc ăn quá nhiều muối có thể gây mất canxi từ xương trong khi canxi là yếu tố quan trọng cho xương khỏe mạnh. Khi xương bị mất canxi chúng sẽ trở nên yếu, dễ gãy hơn. Điều này làm tăng nguy cơ loãng xương.
Tuy vậy, người Việt vẫn chủ quan. Đó là lý do năm 2020, Bộ Y tế đưa ra lời kêu gọi mọi người giảm muối trong khẩu phần ăn để phòng chống tăng huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh thận và triển khai kế hoạch Quốc gia chặng I – Giảm lượng muối ăn hàng ngày xuống còn 7 g vào năm 2025.
Để bắt đầu lối sống mới tốt hơn cho sức khỏe, mỗi người cần có ý thức và hành động cụ thể, thực hiện thói quen giảm mặn từ hôm nay. Vậy làm thế nào để vừa giảm ăn mặn giúp bảo vệ sức khỏe và trái tim, vừa tận hưởng bữa ăn đậm đà, ngon miệng?
Trước tiên, cần ưu tiên chọn thực phẩm tươi thay vì các món ăn mặn thường ngày được chế biến sẵn như thịt muối, cá hộp, thịt xông khói, xúc xích, giò chả, dưa muối, cà muối, mì ăn liền, bim bim, hạt điều rang muối,… Nguyên nhân là vì các thực phẩm chế biến sẵn thường được cho thêm nhiều muối để có thể bảo quản lâu. Nếu vẫn muốn ăn các thực phẩm này, người dùng nên chọn sản phẩm có hàm lượng muối thấp hơn.
Nên chế biến món luộc, hấp thay vì món cần nhiều gia vị mặn trong quá trình chế biến như món kho, rim, rang,… để làm giảm lượng muối ăn vào hằng ngày từ các loại đồ ăn mặn. Khi nấu nướng, nếu muốn gia giảm gia vị mặn, người nấu nên nếm thức ăn trước khi thêm gia vị để đảm bảo cho vào lượng vừa đủ, không cho quá nhiều.
Ngoài ra, mì chính là gia vị có vị ngọt nhưng trong thành phần có natri – tương tự thành phần chính của muối ăn nên người nội trợ cũng nên hạn chế dùng mì chính để tăng vị ngọt của món ăn.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/who-khuyen-cao-nen-giam-man-de-bao-ve-suc-khoe-d196275.html