Theo một nghiên cứu của Mỹ cho thấy, nếu uống 2-3 tách cà phê mỗi ngày giúp bảo vệ gan, ngăn bệnh viêm gan C tiến triển, giảm nguy cơ mắc bệnh gan và ung thư gan.

Trên thực tế uống cà phê đúng cách thì không những không ảnh hưởng tới gan mà còn có lợi cho bộ phận này. Theo nghiên cứu của Đại học Missouri (Mỹ), uống một lượng cà phê vừa phải mỗi ngày có thể giúp bảo vệ gan. Tiêu thụ cà phê có tác dụng cải thiện tất cả các dạng bệnh gan như viêm gan, xơ hóa, xơ gan, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và ung thư gan.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, người uống một lượng cà phê vừa phải ít nhất hai cốc mỗi ngày có quá trình xơ hóa nhẹ hơn và giảm nguy cơ mắc bệnh xơ gan so với người uống ít cà phê hoặc hoàn toàn không uống cà phê.

Nghiên cứu khác của Đại học Nam California (Mỹ) cho thấy, người uống 2-3 cốc cà phê mỗi ngày có nguy cơ tử vong vì bệnh gan thấp hơn 46% và người uống 4 cốc trở lên mỗi ngày giảm 71% nguy cơ mắc bệnh gan so với người không uống. Các nhà nghiên cứu còn chỉ ra, tiêu thụ cà phê vừa phải có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư gan.


Thường xuyên dùng cà phê đúng cách có thể giúp bảo vệ gan, ung thư gan hiệu quả. Ảnh minh họa

Theo đó, 20.000 người tham gia nghiên cứu này, kết quả cho thấy những người uống 2-3 tách cà phê mỗi ngày giảm 38% nguy cơ ung thư gan. Tác dụng của cà phê trong việc giảm nguy cơ ung thư gan đúng với bất kể tuổi tác, dân tộc hoặc các yếu tố rủi ro khác. Khi lượng cà phê uống tăng lên thì nguy cơ ung thư gan sẽ giảm xuống.

Hiệp hội Nghiên cứu bệnh gan Mỹ phát hiện ra rằng, ở người bị viêm gan C, nguy cơ tiến triển bệnh gan giảm khi tiêu thụ cà phê tăng lên. Cụ thể, bệnh nhân viêm gan C uống 3 tách cà phê trở lên mỗi ngày có nguy cơ bệnh gan tiến triển bằng một nửa so với người không uống cà phê.

Theo Đại học Southampton (Anh), caffeine và các hợp chất tự nhiên trong cà phê là cafetol và kahweol có thể bảo vệ chống lại chất độc, có lợi đối với nguy cơ ung thư gan. Cà phê không chứa caffeine có tác dụng bảo vệ gan tương tự nhưng tác động kém hơn loại có caffeine. Cà phê tốt nhất có lợi cho gan là dạng pha nhỏ giọt (cà phê đen pha phin nguyên chất).

Nếu dùng cà phê như một phương pháp để bảo vệ gan, mọi người không nên thêm kem, đường hay các loại kẹo khác vào cà phê vì sẽ làm tăng lượng calo hàng ngày. Điều này có thể dẫn đến tăng cân, béo phì, càng làm tiến triển bệnh hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh gan.

Bằng chứng về tác dụng có lợi của cà phê đối với gan là khá mạnh mẽ. Tuy nhiên không nên lạm dụng cà phê để bảo vệ gan khỏi tổn thương hoặc trong điều trị bệnh gan. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng cà phê hay bất kỳ phương pháp nào để biết lượng dùng và thời gian phù hợp với tình trạng gan và sức khỏe, tránh dùng sai sẽ gây ra nhiều vấn đề như:

Caffeine có thể gây ra mất ngủ: Caffeine trong cơ thể sẽ kích thích thần kinh làm cho chúng ta cảm giác tỉnh táo, khó ngủ. Cho nên không được uống cà phê trước khi đi ngủ, nhất là những người đã từng bị mất ngủ.

Đau đầu: Nếu như uống một lượng cà phê vừa đủ và thường xuyên thì chất caffeine có thể giúp làm giảm đau đầu. Việc lạm dụng chất này có thể gây ra đau đầu và dẫn đến tình trạng đau nửa đầu.

Dị ứng với chất caffeine: Một số người nhạy cảm với chất caffeine hay các chất khác trong cà phê sẽ gây ra phản ứng dị ứng như phát ban trên da.

Gây đau tức ngực: Sau khi uống nhiều cà phê thì tim co bóp mạnh hơn. Khi tim co bóp mạnh có thể khiến bạn có cảm giác đau ngực, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Rối loạn sự phát triển xương: Chất caffeine cản trở sự phát triển xương và dẫn đến nguy cơ gãy xương. Tác dụng này phụ thuộc liều sử dụng, nếu dùng nhiều cà phê thì nguy cơ càng cao. Đặc biệt, lứa tuổi học sinh việc rối loạn phát triển xương có ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và vóc dáng sau này của trẻ.

Ngoài ra, điều đang lo ngại là chúng ta đang có nguy cơ uống phải những loại cà phê giả, cà phê không đảm bảo. Nếu sử dụng các loại cà phê này không những không giúp bạn nhận được lợi ích từ cà phê mà còn gặp phải những hậu quả do quá trình sản xuất công nghiệp gây ra. Một số thành phần có thể gây hại như chất tạo màu, chất tạo sánh, chất tạo vị đắng, tạo ngọt, tạo bọt…

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/uong-ca-phe-moi-ngay-giup-ngan-ngua-benh-gan-ung-thu-gan-d206346.html