21 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 19, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngTự ngâm rượu với rễ cây, củ và quả để chữa bệnh...

    Tự ngâm rượu với rễ cây, củ và quả để chữa bệnh hiểm họa khó lường

    Date:

    Related stories

    Hiện nay có rất nhiều người dùng rễ cây, củ, quả để ngâm rượu nhưng lại không biết trước được những hiểm họa từ loại rượu này mang lại.

    Theo ghi nhận tại các bệnh viện trên cả nước vào tháng 5/2022 đã cấp cứu không ít trường hợp nhập viện do ngộ độc sau khi uống rượu ngâm với rễ cây, củ, quả để chữa bệnh. Dù đã được cảnh báo rất nhiều lần, nhưng tình trạng nhiều người dân ngâm rượu với nhiều loại rễ, củ cây rừng vẫn diễn ra phổ biến và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.

    Liên tiếp trường hợp nguy kịch, thậm chí tử vong do uống rượu ngâm rễ cây, củ, quả rừng

    Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân trong cùng một gia đình nhập viện trong tình trạng da đỏ, kích thích vật vã, tim đập nhanh. Theo bệnh nhân chia sẻ, vào tối 16/5, khi đang ăn cơm cùng gia đình, các bệnh nhân có uống 3 chén rượu ngâm củ ấu tàu. Sau một giờ, bệnh nhân nôn nhiều, tê lưỡi, khó chịu và được đưa đến bệnh viện. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, hai bệnh nhân này bị ngộ độc aconitin do uống rượu ngâm củ ấu tàu. Các bệnh nhân được bác sĩ chỉ định điều trị thải độc, sử dụng thuốc chống loạn nhịp.


    Cần tránh ngâm rượu bằng củ ấu tàu vì dễ gây ngộ độc. Ảnh minh họa

    Theo đông y, củ ấu tàu thường được dùng làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi. Tuy nhiên, trong thành phần của nó chứa aconitin là một chất rất độc. Chất độc này có trong rễ và củ ấu tàu. Nếu chẳng may nuốt phải aconitin, các triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện sớm, người bệnh có cảm giác tê bì quanh miệng, môi, lưỡi, đầu chi, nôn. Nặng hơn là các rối loạn tim mạch, thần kinh, như: Rối loạn nhịp tim, co giật, tụt huyết áp… Nếu nạn nhân không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong nhanh chóng.

    Trước đó, vào đầu tháng 5, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận hai người đàn ông bị ngộ độc sau khi uống rượu ngâm rễ cây rừng. Hai bệnh nhân này đều sinh sống ở tỉnh Nghệ An và có tiền sử uống rượu thường xuyên. Sau khi được một người dân tộc mách uống rượu ngâm rễ cây rừng để chữa bệnh đau xương khớp, họ đã làm theo. Kết quả, hai người được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, khó thở, huyết áp tăng cao…

    Tại Trung tâm Chống độc, kết quả xét nghiệm mẫu rượu mà bệnh nhân mang đến và xét nghiệm máu của bệnh nhân phát hiện thành phần salicylate có nguồn gốc từ rễ cây.

    Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đây là một loại thuốc giảm đau có trong nhiều loại cây cỏ tự nhiên, có thể được dùng để điều trị giảm đau. Tuy nhiên, salicylate có độc tính nhất định, nếu việc sử dụng không bảo đảm về liều lượng, cách dùng. Do đó, khi người dân uống các loại rượu ngâm rễ cây có chứa salicylate một cách “thoải mái”, thì rất dễ bị ngộ độc.

    “Ngộ độc salicylate có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Bệnh nhân xuất hiện biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, hôn mê, tụt huyết áp, có tổn thương não và tổn thương thận, rất dễ bị tử vong”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý.

    Trước đó, tại Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu (Nghệ An) tiếp nhận anh Vi Văn D. 32 tuổi trú xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu, trong tình trạng toàn thân thâm tím, huyết áp không thể đo, tim ngừng đập, đồng tử hai bên giãn. Bác sĩ ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, 30 phút sau xác định bệnh nhân đã tử vong trước lúc tới viện.

    Anh Vi Văn Sơn 33 tuổi, hàng xóm của anh D đã cùng nhau uống rượu cũng nhập viện trong tình trạng chóng mặt, đau đầu, kích thích vật vã. Sau khi sơ cứu, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên, hiện đã qua nguy kịch.

    Gia đình cho biết tối hôm ấy anh D. mời anh Sơn qua nhà ăn cơm uống chai rượu ngâm rễ cây rừng. 40 phút sau khi uống rượu, hai người bắt đầu thấy chóng mặt, đau đầu, rồi lịm dần. Mâm cơm lúc đó còn có một phụ nữ và đứa trẻ 9 tuổi nhưng hai người này chỉ ăn thức ăn.

    Ông Đặng Tân Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu cho biết, bước đầu xác định bệnh nhân trúng độc từ rễ cây ngâm rượu.

    Tuyệt đối không nên sử dụng rễ cây, củ, quả ngâm rượu nếu không biết rõ nguồn gốc

    Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%; rượu ngâm cây “thuốc” chiếm khoảng 36%; rượu ngâm động vật và phủ tạng, như: Ong đất, tắc kè, mật động vật các loại… khoảng 10%… Đó là những hồi chuông cảnh tỉnh cho những người có sở thích uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc.

    Trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi có kiến thức chuyên môn và sử dụng đúng liều lượng, đúng cách. Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng, người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu uống, hoặc chế biến làm thực phẩm. Vì nhiều loại rễ, củ cây rừng chứa độc tính cao, có thể dẫn đến chết người.

    Hiện tại, việc ngâm rượu để xoa bóp và uống tại nhà rất phổ biến, để bảo đảm an toàn khi sử dụng, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, dù là thảo dược, nhưng cũng là thuốc bởi trong đó có chứa nhiều hoạt chất khác nhau mà con người không thể biết hết được. Do đó, việc ngâm các loại rễ, củ cây với hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng cần có sự tư vấn của bác sĩ. Nếu người dân cứ sử dụng một cách “thoải mái” thì rất dễ gây ra ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chính mình và người thân.

    Nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng, việc ngâm rượu từ thực vật cũng như động vật cũng phải có sự chỉ định của các bác sĩ đông y. Rượu thuốc phải uống như thuốc, uống theo chỉ định và với liều lượng nhất định. Với các loài cây, con vật, côn trùng, nếu dùng đúng sẽ là vị thuốc hay. Ngược lại, nếu dùng bừa bãi không đúng cách thì sẽ gây độc, nhất là với loài cây, cỏ hoang dã thường có chứa độc tố tác hại lên thần kinh, tim mạch, hô hấp…, thậm chí dẫn đến tử vong.

    Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, rượu ngâm an toàn cần tuân thủ 2 yếu tố. Đó là rượu phải rõ nguồn gốc, đúng độ và nguyên liệu ngâm rượu phải rõ ràng, đúng tên, đúng loại, có nguồn gốc, không chứa độc tố. Với rượu ngâm động vật phải có độ cồn 45-55 độ. Còn rượu ngâm dược liệu có độ cồn thấp hơn.

    Tuyệt đối không được dùng rượu chứa cồn công nghiệp (methanol) không rõ nguồn gốc để ngâm. Khi có biểu hiện ngộ độc rượu ngâm với rễ hay củ cây rừng, cần nhanh chóng gây nôn cho bệnh nhân, sau đó khẩn trương đưa tới bệnh viện cấp cứu. Tuyệt đối không để người bị ngộ độc ở nhà để tự theo dõi và điều trị. Nếu làm như vậy, người bệnh có thể nhanh chóng bị suy hô hấp, loạn nhịp tim dẫn đến tử vong.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/tu-ngam-ruou-tu-re-cay-qua-de-chua-benh-hiem-hoa-kho-luong-d200798.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img