Là người quan tâm đến môi trường, từ lần đầu tiên cả thành phố mờ ảo vì “sát thủ” bụi mịn, tôi đã tự cập nhật những kiến thức về chất lượng không khí để bảo vệ chính mình cùng gia đình.

Chất lượng không khí một số ngày ở mức kém

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), trong tuần, từ ngày 15 đến 21/9, chất lượng không khí ở Hà Nội không có ngày tốt, chủ yếu ở mức kém. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các trạm quan trắc dao động từ 61 đến 157.

Baohanoimoi thông tin: Tại các trạm quan trắc chất lượng không khí nền đô thị: Trung Yên 3, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, số ngày chất lượng không khí ở mức trung bình chiếm đa số.

Cụ thể, tại 4 trạm: Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, AQI ở mức trung bình chiếm 71,4%, số ngày còn lại ở mức kém. Riêng trạm Trung Yên 3, có AQI ở mức kém, chiếm 71,4%, số ngày còn lại ở mức trung bình.

Nhiều người Việt dùng điện thoại thông minh, nhưng mấy ai biết cổng thông tin về chỉ số chất lượng không khí hay cảnh báo mưa lũ.

Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông đặt tại UBND phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) và đường Phạm Văn Đồng, AQI mức kém chiếm 85,7%, số ngày còn lại ở mức trung bình.

Tương tự, tại các điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông nội đô: Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, AQI chủ yếu mức kém. Trạm Hàng Đậu và Thành Công có AQI ở mức kém chiếm 85,7%, còn lại ở mức trung bình. Trạm Hoàn Kiếm chất lượng không khí tốt hơn, AQI ở mức trung bình chiếm 57,2%, còn lại ở mức kém.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, chất lượng không khí kém do sự chênh lệch nhiệt độ ngày – đêm lớn (từ 5 đến 9 độ C) dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ, tạo lớp sương mù tầng thấp ngăn cản không khí thoát lên tầng cao để phát thải…

“Sát thủ” kề bên

Là người quan tâm đến môi trường, từ lần đầu tiên cả thành phố mờ ảo vì “sát thủ” bụi mịn, tôi đã tự cập nhật những kiến thức về chất lượng không khí để bảo vệ chính mình cùng gia đình.

Mỗi lần bật thiết bị đo đạc chỉ số chất lượng không khí (AQI) với ứng dụng Air Visual hay truy cập bản đồ trực quan chỉ số chất lượng không khí theo thời gian thực (http://aqicn.org), tôi không khỏi lo lắng cho mình và cho mọi người sinh sống tại các thành phố lớn.

Tôi tự hỏi: có bao nhiêu người vẫn vô tư nhầm tưởng và vui vẻ tận hưởng vẻ đẹp mờ ảo của màn sương trên bầu trời thành phố? Có bao nhiêu người cho rằng đây là một hiện tượng thời tiết đã dần trở nên bình thường và không mảy may nghi ngờ về mối nguy hại sức khỏe?

Có bao nhiêu người nhận thức đủ về việc trang bị khẩu trang chuyên dụng để lọc bụi mịn, thay vì sử dụng khẩu trang như một thiết bị chống nắng hay khiến mình an tâm với chiếc khẩu trang y tế?

Sau khi trải qua ngày thứ 6 với chỉ số bụi PM2.5 trong không khí chạm đến ngưỡng rất không tốt cho sức khỏe, thông qua báo chí, tôi cũng như người dân thành phố mới tạm nhận diện được nguyên nhân gây ra sương mù. Tại sao không có lời cảnh báo nào được đưa ra trước đó? Vì sao các bản tin thời tiết không có thông tin này?

Thiếu thông tin cảnh báo

Còn nhớ cuối tháng 1/2019, Tết Nguyên đán cận kề, AQI của TP.HCM lên đến 104-123 suốt 2 tuần lễ. Người dân hầu như chẳng nhận được bất cứ cảnh báo mang tính cập nhật nào từ Tổng cục Môi trường hay Trung tâm Quan trắc môi trường.

Kể cả đến thời điểm này, khi nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí tại TP.HCM lên đến hơn 170, gấp 3 lần so với ngưỡng an toàn dưới 50, bản tin thời tiết cũng chỉ có thông tin về nhiệt độ, độ ẩm, sức gió… chưa có thêm những thông tin rất quan trọng này.

Tương tự, ở Hà Nội, khi thủ đô chiếm vị trí số 1 trong bảng danh sách AQI thế giới, phần lớn người dân “mù mịt” thông tin về ô nhiễm.

Tôi được biết có nhiều trạm quan trắc không khí được lắp đặt nhiều nơi tại Việt Nam, ở các thành phố lớn hay tại các vùng, nhưng thử vịn vai một trăm người dân mà hỏi thì chắc chỉ nhận được cái lắc đầu và sự ngạc nhiên về sự hiện diện của chúng.

Theo Tuoitre, bộ ngành liên quan chưa lần nào thực hiện đợt tuyên truyền, phổ biến kiến thức chi tiết cho người dân về việc họ có thể tìm thấy các thông số như hướng gió, tốc độ gió, lượng mưa, bụi, ozon, chất lượng không khí tại đâu.

Người Việt dùng điện thoại thông minh hiện nay rất cao, Internet phủ rộng nhưng mấy ai biết được cổng thông tin về chỉ số chất lượng không khí hay cảnh báo lũ, mưa bão. Phần lớn người dân vẫn ưa chuộng, tin cậy cổng thông tin qua báo đài.

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên thiết lập mạng lưới chia sẻ tin tức cập nhật từng ngày để công tác cảnh báo nguy cơ được diễn ra thường xuyên, hiệu quả hơn chờ đến lúc giải thích trên báo đài.

Theo Khánh Ly/moitruong.com.vn (25/9/2019)