16.6 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng Một 17, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngTìm thấy hạt vi nhựa ở nơi không thể ngờ tới và...

    Tìm thấy hạt vi nhựa ở nơi không thể ngờ tới và những tác hại nghiêm trọng

    Date:

    Related stories

    Theo cảnh báo của các nhà khoa học, hạt vi nhựa có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi ngay cả chính trong cơ thể con người.

    Trong khi con người đang loay hoay với bài toán xử lý rác thải nhựa thì những hạt vi nhựa đã âm thầm len lỏi ở hầu hết các môi trường đất và nước, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái và thậm chí chúng còn len lỏi khắp cơ thể con người gây ra những hệ lụy lâu dài.

    Theo nhà nghiên cứu Jean-Francois Ghiglione tại Phòng thí nghiệm Hải dương học Vi sinh vật ở Pháp: “Chúng tôi không thể tưởng tượng 10 năm trước đây có thể có nhiều vi nhựa nhỏ, không thể nhìn được bằng mắt thường và ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta. Việc tìm thấy vi nhựa trong cơ thể con người là điều chúng tôi chưa thể hình dung tới”.

    Ngày càng nhiều nghiên cứu khoa học phát hiện ra vi nhựa xuất hiện trong cơ thể con người, từ “phổi, lá lách, thận và thậm chí cả nhau thai. Vì vậy không quá sốc khi chúng ta hít phải những hạt này trong không khí, đặc biệt là từ các sợi nhỏ từ quần áo tổng hợp”, ông Ghiglione nói với AFP.

    Laura Sadofsky, từ Trường Y Hull York ở Anh, cho biết: “Chúng tôi biết rằng có vi nhựa trong không khí và ở khắp xung quanh chúng ta”.

    Nhóm của cô đã tìm thấy nhựa PP (polypropylene) và PET (polyethylene terephthalate) trong mô phổi người, được xác định từ sợi vải tổng hợp.

    “Điều ngạc nhiên là độ sâu của nó và và kích thước của những hạt đó nằm trong phổi”, cô nói với AFP.


    Tìm thấy hạt vi nhựa ở khắp nơi, thậm chí cả trong cơ thể con người. Ảnh minh họa

    Vào tháng 3/2022, một nghiên cứu khác đã chứng minh được những dấu vết đầu tiên của PET trong máu người. Với một số mẫu máu của các tình nguyện viên, các nhà khoa học nói rằng còn quá sớm để đưa ra kết luận, nhưng vẫn lo ngại rằng nếu nhựa có trong máu, chúng có thể được vận chuyển đến tất cả các cơ quan trong cơ thể.

    Vào năm 2021, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy vi nhựa trong mô nhau thai của cả mẹ và thai nhi, bày tỏ sự lo lắng về những hậu quả có thể xảy ra đối với sự phát triển của thai nhi.

    Bart Koelmans, giáo sư về Sinh thái Thủy sinh và Chất lượng Nước tại Đại học Wageningen, Hà Lan, cho biết: “Nếu bạn hỏi một nhà khoa học về ảnh hưởng tiêu cực, họ sẽ nói là không biết. Có khả năng nó là một vấn đề lớn, nhưng chúng tôi không có bằng chứng khoa học để xác nhận những tác động, nếu có”.

    Một giả thuyết cho rằng vi nhựa có thể là nguyên nhân gây ra một số hội chứng làm suy giảm sức khỏe con người. Khi các nhà khoa học đã xác định sự hiện diện của vi nhựa trong cơ thể, thì nhiều khả năng con người đã ăn, uống và hít thở phải nhựa trong nhiều năm liền.

    Vào năm 2019, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF đã công bố một báo cáo gây sốc, ước tính rằng con người đang ăn và hít phải 5 g nhựa/tuần, một lượng nhựa đủ để làm nên chiếc thẻ tín dụng.

    Trong khi các nghiên cứu về sức khỏe con người vẫn còn đang được thực hiện, tác hại của vi nhựa lên một số loài động vật gây quan ngại.

    Ghiglione cho biết: “Những hạt vi nhựa siêu nhỏ có hại đến tất cả các loài động vật mà chúng tôi đã nghiên cứu trong môi trường biển hoặc trên đất liền”.

    Ông nói thêm rằng loạt hóa chất được tìm thấy trong nhiều nguyên vật liệu: thuốc nhuộm, chất ổn định, chất chống cháy, và có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, trao đổi chất, lượng đường trong máu, huyết áp và thậm chí cả sinh sản.

    Ông cho biết cần phải có cách xử lý, khuyến khích người tiêu dùng giảm lượng sản phẩm nhựa, đặc biệt là các loại chai lọ.

    Đầu năm nay, Liên Hợp Quốc đã bắt đầu phát triển một hiệp ước ràng buộc quốc tế nhằm giải quyết nạn ô nhiễm nhựa toàn cầu. Họ cảnh báo rằng thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng ô nhiễm để phù hợp với cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học và khủng hoảng khí hậu.

    Trong khi các tác động sức khỏe từ nhựa chưa được xác định, thì theo chuyên gia từ Ủy ban Lancet về ô nhiễm và sức khỏe ước tính ô nhiễm môi trường đã khiến 6,7 triệu người chết sớm vào năm 2019.

    Khoảng 460 triệu tấn nhựa đã được sử dụng vào năm 2019, nhiều gấp đôi so với 20 năm trước đó. Ít hơn 10% trong số đó được tái chế.

    Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết sản lượng hàng năm của nhựa làm từ nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt mức cao nhất 1,2 tỷ tấn vào năm 2060, với lượng chất thải sẽ vượt quá 1 tỷ tấn.

    Koelmans nói: “Mọi người không thể ngừng thở, vì vậy ngay cả khi bạn thay đổi thói quen ăn uống, bạn vẫn sẽ hít phải chúng vì chúng ở khắp nơi”.

    Tại Việt Nam, nghiên cứu về ô nhiễm vi nhựa trong sinh vật thủy sinh đã được thực hiện trên loài vẹm xanh châu Á ở vùng nước lợ tỉnh Thanh Hóa và các loài cá, tôm tự nhiên trên sông Lòng Tàu (hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai). Kết quả của nghiên cứu đã cho thấy mức độ ô nhiễm vi nhựa trong sinh vật thủy sinh ở Việt Nam tương đối cao so với các sinh vật hai mảnh vỏ ở châu Âu, hay một số loài cá ở vùng biển Địa Trung Hải.

    Theo nghiên cứu Đánh giá nồng độ vi nhựa trong các môi trường nước ngọt và biển ở Việt Nam của TS. Emilie Strady – Chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực khoa học môi trường thuộc Viện Nghiên cứu về Phát triển bền vững Pháp (IRD), phạm vi ô nhiễm vi nhựa liên quan đến các nguồn vi nhựa thải ra môi trường, bao gồm các hoạt động nhân sinh như nuôi trồng thủy sản, nghề cá, hộ gia đình, bãi chôn lấp và việc thải trực tiếp nước thải đã qua xử lý hoặc chưa qua xử lý. Bên cạnh đó, phạm vi nồng độ nhựa thấp hơn được quan sát thấy ở các vịnh, trong khi phạm vi nồng độ nhựa cao hơn được ghi nhận tại các con sông.

    Sự có mặt của một lượng lớn vi nhựa trong các hệ sinh thái thủy sinh có tác động tiêu cực đến sức khỏe sinh vật thủy sinh, động vật phù du hoặc động vật ở các bậc dinh dưỡng thấp. Bởi vì chúng có thể lầm tưởng vi nhựa với thức ăn và vô tình ăn phải. Sự tích lũy vi nhựa trong cơ thể động vật có thể gây ra các nguy cơ đối với sức khỏe của chúng như làm tắc khí quản gây ngạt thở, hoặc tác động xấu tới hệ tiêu hóa, là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài động vật.

    Trong diễn biến liên quan, mới đây, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã đưa ra một nghiên cứu cho thấy, trung bình, mỗi tuần, mỗi người trên thế giới có thể ăn phải ít nhất 5g hạt vi nhựa, tương đương với khối lượng của một chiếc thẻ tín dụng hoặc một chiếc thẻ ATM.

    Hiện nay, chưa có nhiều công bố khoa học về tác hại của hạt vi nhựa với sức khỏe con người. Tuy vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, cần tìm hiểu thêm về tác động của hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người vì chúng có mặt ở khắp mọi nơi – kể cả trong nước uống của chúng ta.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/tim-thay-hat-vi-nhua-o-noi-khong-the-ngo-toi-d201843.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img