Chất phụ gia là một loại “gia vị” không thể thiếu trong mỗi cốc nước ép, sinh tố tại các cửa hàng nước giải khát, tuy nhiên, nếu không cẩn thận, chất phụ gia này có thể gây hại đến sức khỏe người dùng.

Không khó để nhận ra một điều, nước ép, sinh tố ngoài hàng dù xay cùng đá nhưng vẫn giữ được độ sánh mịn, thơm ngon, đẹp mắt, không có tình trạng bị tách nước phân tầng cho dù có để nhiều giờ đồng hồ. Trong khi đó, một cốc nước ép tự làm tại nhà luôn trong tình trạng bị tách nước sau khi để trong một thời gian ngắn.

Sau tìm hiểu, PV đã tìm ra “chìa khóa” để giúp các loại đồ uống này luôn giữ được độ sánh mịn, không bị tách nước chính là phụ gia “bột chống tách nước” có nhiều loại gồm: bột Frappe, bột Mix, bột mềm. Các chất phụ gia chống tách nước này hạn chế việc phân tầng hay tách lớp nước ép, sinh tố, giảm thiểu tối đa quá trình làm tan đá của thức uống, giúp thức uống lâu bị loãng, giữ được hương vị lâu hơn, tiết kiệm được nguyên liệu hoa quả và thời gian pha chế.


Để có được cốc sinh tố, nước ép sánh mịn, đẹp mắt cần thêm chất phụ gia

Được biết, bột chống tách nước có thành phần chính là Vegatable Gums – một loại chất tạo đặc có thể tạo nên một dung dịch có độ nhớt đáng kể, tạo liên kết giả giữa các dụng dịch khó hòa quện với nhau. Việc tạo liên kết đó giúp cho đồ uống không bị phân tầng, làm giảm thẩm mỹ và chất lượng đồ uống.

Không khó để có thể tìm mua các loại phụ gia trên các trang mạng điện tử, thậm chí, trên con phố Hàng Buồm, rất nhiều cửa hàng bán sản phẩm này, đủ chủng loại, với đa dạng mức giá, phù hợp với yêu cầu sử dụng của người mua. Tuy nhiên, một đặc điểm chung của các loại phụ gia này, đều khó tìm được nguồn gốc xuất xứ, hay định lượng thành phần cụ thể tạo nên loại phụ gia này.

Theo quy định của Bộ Y tế, Cục An toàn Thực phẩm, các chất phụ gia khi đưa vào sử dụng trong chế biến thực phẩm phải tuân thủ theo đăng ký về công thức sản phẩm, quy trình sản xuất, công dụng, liều dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có tình trạng chất phụ gia chưa qua kiểm định vẫn được bày bán.

Theo ThS.BS Đoàn Ngọc Hà – Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, bột chống tách nước có thành phần cơ bản là các chất điều vị hoặc các chất chống oxy hóa, chất ổn định giúp cho các thành phần kết dính với nhau tốt hơn. Các bột chống tách nước nếu không được các cơ quan chức năng kiểm định có thể sẽ không đảm bảo chất lượng trong thành phần, vượt quá quy định tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế. Hơn nữa, cần cảnh giác với việc trong thành phần các chất phụ gia này có thể có các chất cấm, không được Bộ Y tế cho phép gây ra các tác hại với sức khỏe.

Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, các sản phẩm bột phụ gia chống tách nước trôi nổi có thể lẫn các tạp chất, kim loại nặng, asen, chì, thủy ngân, vi sinh vật vượt quá mức độ cho phép gây ra những rối loại về đường tiêu hóa.

Để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, người kinh doanh cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật về xuất xứ, chất lượng mặt hàng, không vì chạy theo lợi nhuận mà buôn bán các sản phẩm trôi nổi, nhập lậu, không được kiểm định chất lượng.

Theo mục 2, điều 7, chương III của Thông tư số 24/2019/TT-BYT Quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm nêu rõ:

Chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm nếu việc sử dụng này đạt được hiệu quả mong muốn nhưng không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không lừa dối người tiêu dùng và chỉ để đáp ứng một hoặc nhiều chức năng của phụ gia thực phẩm theo các yêu cầu dưới đây trong trường hợp các yêu cầu này không thể đạt được:

a) Duy trì giá trị dinh dưỡng của thực phẩm. Đối với sản phẩm được sử dụng với mục đích đặc biệt mà phụ gia thực phẩm như một thành phần thực phẩm (ví dụ đường ăn kiêng) thì không phải kiểm soát theo các quy định tại Thông tư này;

b) Tăng cường việc duy trì chất lượng hoặc tính ổn định của thực phẩm hoặc để cải thiện cảm quan nhưng không làm thay đổi bản chất hoặc chất lượng của thực phẩm nhằm lừa dối người tiêu dùng;

c) Hỗ trợ trong sản xuất, vận chuyển nhưng không nhằm che giấu ảnh hưởng do việc sử dụng các nguyên liệu kém chất lượng hoặc thực hành sản xuất, kỹ thuật không phù hợp bằng các cách khác có hiệu quả hơn về kinh tế và công nghệ.

Bảo Linh (t/h)
https://vietq.vn/can-trong-chat-phu-gia-co-trong-nuoc-ep-sinh-to-anh-huong-den-suc-khoe-d201930.html