21 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng Một 22, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngTiêu chuẩn Quốc gia về sản phẩm hữu cơ: "Tín hiệu vui"...

    Tiêu chuẩn Quốc gia về sản phẩm hữu cơ: “Tín hiệu vui” cho doanh nghiệp và người tiêu dùng

    Date:

    Related stories

    Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, thời gian tới, cơ quan này cùng với Bộ NN&PTNT sẽ có kế hoạch tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn về thủy sản hữu cơ.

    Sự ra đời TCVN 11041:2017 là tín hiệu đáng mừng

    Trao đổi bên lề Hội thảo “Tiêu chuẩn hóa thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững” do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức, ông Nguyễn Kim Tuấn, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn NTea Việt Nam cho biết, việc TCVN 11041:2017 về nông nghiệp hữu cơ ra đời là một tín hiệu vui đối với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam

    “Tôi cảm thấy đây là một sự vui mừng lớn không chỉ riêng doanh nghiệp của chúng tôi mà còn nhiều doanh nghiệp khác, trong bối cảnh mà tất cả đều đang cần có một bộ tiêu chuẩn để làm căn cứ, cơ sở cho hoạt động kinh doanh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

    Thay vì việc từ xưa đến nay chúng ta vẫn phải áp dụng các tiêu chuẩn lấy từ nước ngoài một cách thụ động thì đến nay chúng ta đã có cho riêng mình một bộ tiêu chuẩn riêng để chủ động kiểm soát chất lượng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ”, ông Tuấn nói.


    Ông Nguyễn Kim Tuấn cho rằng việc ra đời bộ TCVN 11041:2017 là tin vui cho nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Hán Hiển

    Ông Nguyễn Kim Tuấn chia sẻ thêm, từ những năm 2012, NTea Việt Nam đã quyết tâm đi theo con đường nông nghiệp hữu cơ. Khi đó, doanh nghiệp này rất muốn có một bộ tiêu chuẩn làm cơ sở, căn cứ để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Tuy nhiên, khi đo, do điều kiện chưa đủ, Việt Nam chưa thể có một Tiêu chuẩn chính thức cho nông nghiệp hữu cơ.

    “Mãi đến năm 2015 mới có TCVN 1041 nhưng đó chưa phải là tiêu chuẩn hoàn thiện mà mới chỉ ở dạng hướng dẫn đơn giản. Tuy nhiên, lúc đó chúng tôi cũng đã tham khảo, áp dụng phần nào tiêu chuẩn này. Như vậy, có thể thấy, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2015 (khi có TCVN 1041), chúng tôi luôn trăn trở một điều rằng không biết mình làm nông nghiệp hữu cơ sẽ bám vào đâu, dựa vào cơ sở nào?

    Tình thế đó bắt buộc chúng tôi phải tìm mọi cách để có thể tìm ra một hướng đi, một tiêu chuẩn mà mình có khả năng đáp ứng được từ nước ngoài. Chúng tôi đã tham khảo những tiêu chuẩn từ Mỹ, EU, Nhật Bản nhưng khó khăn lại đến khi xét theo các tiêu chuẩn ngoại, một số yếu tố về cơ sở hạ tầng, công nghệ trong nước lại chưa thực sự phát triển và có thể đáp ứng được.

    Cũng trong quá trình đi tham khảo mô hình sản xuất ở một số nước, trong đó có Israel, chúng tôi băn khoăn là tại sao với 2/3 diện tích đất nước là sa mạc mà quốc gia này lại có nền nông nghiệp phát triển đến vậy. Lúc ấy, chúng tôi mới thấu thế nào là nông nghiệp hữu cơ, và nông nghiệp hữu cơ của họ phải tuân thủ quy trình phát triển tự nhiên với sự kiểm soát chặt chẽ của con người”, ông Tuấn nói thêm.

    Đại diện NTea Việt Nam nhấn mạnh, hiện thị trường đang đòi hỏi một tiêu chuẩn thực sự về nông nghiệp hữu cơ và sự ra đời của bộ tiêu chuẩn mới đây do Bộ KH&CN công bố là “cứu cánh” cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

    “Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu tiêu chuẩn đó để tiến tới có thể áp dụng nhiều hơn nữa vào quá trình sản xuất, kinh doanh của công ty. Đồng thời cũng mong muốn bà con nông dân sẽ tiếp cận được tiêu chuẩn này.

    Theo tôi, đây là sản phẩm trí tuệ của người Việt nên chúng ta không chỉ bảo vệ mà còn phải phát triển nó. Bộ tiêu chuẩn mới ra đời đã tạo ra điểm chung kết nối niềm tin giữa người tiêu dùng – người sản xuất, phân phối với cơ quan quản lý nhà nước – nơi đề ra tiêu chuẩn. Đến thời điểm này người dân đã rõ hơn rất nhiều về định nghĩa thế nào là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, và làm hữu cơ ra sao để đạt chuẩn”, ông Nguyễn Kim Tuấn khẳng định.

    Cần có thêm nhiều chuẩn cho nông nghiệp hữu cơ

    TS Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Nhà nước cũng đã có những chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ như một số chương trình hỗ trợ tín dụng, đất đai, chứng nhận lần đầu. Tuy nhiên, so với thực tế mà nền nông nghiệp hữu cơ cần thì những sự hỗ trợ, điều kiện trên là chưa đủ.

    Ông Mịch lấy ví dụ về việc thanh tra giám sát, cấp giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ, cần có văn bản hướng dẫn người dân, doanh nghiệp phải làm sao để để đạt được hiệu quả thanh tra và kết quả là đạt một giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn.

    Khi nói tới khó khăn về việc “thiếu chuẩn” cho các sản phẩm NNHC, ông Hà Phúc Mịch cho rằng hệ thống Tiêu chuẩn quốc gia hiện mới có về chăn nuôi, trồng trọt và thiếu chuẩn về thủy sản. Và kể cả trong trồng trọt, chăn nuôi thì những tiêu chuẩn, quy chuẩn về nuôi ong, trồng một số cây đặc sản khác còn thiếu khá nhiều.

    “Ở một số nước trên thế giới thậm chí họ đã hoàn thành việc ban hành các tiêu chuẩn hữu cơ cho từng ngành, từng sản phẩm cụ thể. Theo tôi, việc thiếu đi tiêu chuẩn, quy chuẩn sẽ tạo ra rất nhiều khó khăn.

    Thực trạng này nếu kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thiệt thòi bởi có nhiều sản phẩm ‘tự phong’ là hữu cơ nhưng thực chất không đảm bảo an toàn. Hơn nữa, nếu không có chuẩn, người tiêu dùng cũng không biết dựa vào đâu để lựa chọn sản phẩm”, ông Mịch nhấn mạnh.


    Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, sắp tới sẽ có tiêu chuẩn riêng cho thủy sản hữu cơ. Ảnh: TTTT

    Liên quan tới vấn đề trên, ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết: “Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng có trách nhiệm quan trọng trong việc hình thành đầy đủ bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ.

    Hiện nay, 4 tiêu chuẩn đầu tiên chỉ là những tiêu chuẩn ban đầu. Chúng tôi đã có kế hoạch tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn về thủy sản hữu cơ. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan hữu quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xác định ra một số sản phẩm chủ lực có tiềm năng để phát triển hữu cơ. Lúc đó có lẽ chúng ta cần phải xây dựng các Tiêu chuẩn quốc gia cho từng sản phẩm cụ thể”.

    Ông Nguyễn Nam Hải cho rằng, bên cạnh việc quy hoạch đất đai, nguồn nước, việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy người dân tham gia sản xuất hữu cơ.

    Cuối năm 2017, Bộ KH&CN đã công bố bộ Tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ TCVN 11041:2017 quy định cụ thể về: sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; hướng dẫn chi tiết trong trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ; yêu cầu với các tổ chức đánh giá, chứng nhận.

    Các tiêu chuẩn này khi được phổ biến và đưa vào triển khai rộng rãi trong sản xuất, kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và hoạt động sản xuất hữu cơ nói riêng, hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện Nghị định về nông nghiệp hữu cơ số 109/2018/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 29/8/2018, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước và xuất khẩu.

    Theo Hán Hiển/Vietq.vn (20/9/2018)

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img