Hiện tại việc đề xuất các biện pháp quản lý, thậm chí ngăn chặn sử dụng thuốc lá thế hệ mới (trong đó có thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử) vẫn là vấn đề gây nhiều tranh luận.

Những ý nghĩ sai lệch về thuốc lá điện tử

Theo ThS. Trần Thị Trang, quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), hiện nay dư luận đang có 3 ngộ nhận sai về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Cụ thể, nó an toàn hơn thuốc lá điếu truyền thống, giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống, là sản phẩm dành cho người trưởng thành đang hút thuốc nhằm mục tiêu bỏ thuốc và không nhắm tới giới trẻ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào cho thấy thuốc lá điện tử an toàn hơn thuốc lá điếu thông thường đang được chấp nhận kinh doanh và sử dụng hiện nay.

Theo bà Trang, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ gây bệnh mãn tính giống như thuốc lá thông thường. Thậm chí, thuốc lá điện tử còn có nhiều tác hại cấp tính với sức khỏe, có thể gây tử vong. Hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử đã được ghi nhận rất nhiều, đặc biệt ở Mỹ.

Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc lá mới còn làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá điếu ở giới trẻ, cản trở nỗ lực giảm sử dụng thuốc lá. Các sản phẩm này tiếp cận chủ yếu đến người trẻ, chưa sử dụng thuốc lá bao giờ. Trên thị trường còn rất nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử thiết kế nhỏ gọn, bắt mắt, đóng gói như sữa, kẹo, đồ chơi, USB, thỏi son, nhiều hương vị (1.800 hương vị) có thể gây nghiện và giá rẻ.

Hiện đã có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử rất chặt chẽ và 16 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. 5/10 quốc gia trong khu vực ASEAN đã cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. “Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Chúng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ và trẻ em gái; đồng thời gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên”, bà Trang nhấn mạnh.

Trong các năm 2020-2022, Bộ Y tế đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấm hoàn toàn đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao, tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện.

“Không cần thiết và không nên ban hành chính sách thí điểm đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đây là sản phẩm có hại chứ không có lợi ích cho Nhà nước, xã hội và người dân trong việc thí điểm”, bà Trang nêu quan điểm.

Theo bà, việc thí điểm một sản phẩm gây nghiện và có hại sức khỏe sẽ gây ra nhiều hệ lụy, sau đó lại phải mất thêm nhiều nguồn lực để giải quyết hậu quả của việc thí điểm. Xu hướng hiện nay là các nước đã cho phép sau thời gian lại phải cấm trở lại do những hệ lụy của việc cho phép mang lại.

Ví dụ, Mỹ đã phải cấm sản phẩm thuốc lá điện tử có hương vị… Cục Quản lý Dược phẩm và thực phẩm nước này khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ tỷ lệ sử dụng tất cả sản phẩm thuốc lá điện tử và thực hiện các quy định bổ sung khác để giải quyết tình trạng gia tăng sử dụng của giới trẻ.


Ảnh minh hoạ

Đề xuất thí điểm thuốc lá làm nóng

Trong hội thảo “Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm” vừa qua, đại diện Bộ Công thương đề xuất thí điểm thuốc lá làm nóng trong 5 năm thay vì 2 năm như trước đây. Đây là đề xuất tiệm cận nhất với quan điểm thận trọng của Bộ Y tế. Đồng thời đại diện Bộ này cho biết, đối với thuốc lá điện tử sẽ theo đề nghị của Bộ Y tế là tiếp tục nghiên cứu trước khi quyết định chính sách.

Đánh giá về đề xuất của Bộ Công thương, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, không cần thiết phải thí điểm vì các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã phù hợp với luật hiện hành. Theo ông Hải, Điều 2 Khoản 1 định nghĩa thuốc lá có “các dạng khác”, là đã đủ cơ sở để quản lý bằng cách sửa Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá. Ông Hải giải thích thêm, “các dạng khác” trong thời điểm này là thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử… nhưng tương lai sẽ còn có thêm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới khác nữa.

Nói về đề xuất thí điểm kinh doanh trong 5 năm đối với thuốc lá làm nóng của Bộ Công thương, ông Trần Thành Trung, đại diện Phòng Công nghiệp thực phẩm (Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2022 và 2023, Bộ Công thương và Bộ Y tế đã tiến hành 2 cuộc họp chính thức để hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá. Mặc dù có một số khác biệt, nhưng cả hai Bộ đều hướng tới thỏa thuận điều chỉnh chương trình mục tiêu quốc gia. Điều này phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư và các yêu cầu khác để đảm bảo tuân thủ chiến lược quốc gia về giảm tác hại của thuốc lá, an toàn cho người sử dụng, cân bằng quyền lợi của các bên liên quan và các thực hành, hướng dẫn quốc tế. Trong giai đoạn thí điểm này, Bộ Công Thương sẽ tiến hành đánh giá tác động của sản phẩm này trước khi đề xuất với Chính phủ kế hoạch quản lý tiếp theo cho thuốc lá làm nóng”.

Ông Trần Thành Trung khẳng định, thuốc lá làm nóng phù hợp với định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Do đó, việc thí điểm kinh doanh sản phẩm này sẽ giúp tránh thất thu thuế, đảm bảo sức khỏe người dân khi họ được tiếp cận những sản phẩm chính ngạch, có cơ quan chịu trách nhiệm nếu xảy ra vấn đề. Tiếp theo là có biện pháp xử lý đối với hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo chất lượng. Các doanh nghiệp thuốc lá có thể kinh doanh sản phẩm này và lợi nhuận mang về cũng sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/thuoc-la-the-he-moi-nen-quan-hay-nen-cam-d214495.html