Tín chỉ carbon là gì? Thị trường carbon vận hành ra sao và tại Việt Nam khi nào có sàn giao dịch tín chỉ carbon?…. là những câu hỏi sẽ được giải đáp trong bài biết này.

Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.

Thị trường carbon có các hình thức nào?

Tín chỉ carbon được theo dõi và giao dịch giống như các loại hàng hóa, do đó, thị trường trao đổi tín chỉ carbon còn được gọi là thị trường carbon. Thông qua thị trường carbon, các bên tham gia có thể tăng cường giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả và tiết kiệm. Nguyên tắc cơ bản của thị trường carbon là bên mua sẽ trả phí để nhận thêm các tín chỉ, hạn ngạch phát thải nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải với chi phí thấp hơn so với tự thực hiện.

Hiện thị trường carbon trên thế giới tồn tại dưới ba hình thức: (i) thị trường carbon quốc tế trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC); (ii) thị trường carbon quốc tế tự nguyện; (iii) thị trường carbon nội địa.

Thị trường carbon quốc tế

Trong giai đoạn từ 2008-2020, các nước phát triển bắt buộc phải đưa ra cam kết và thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính định lượng theo quy định tại Nghị định thư Kyoto và Bản sửa đổi, bổ sung Doha của Nghị định thư Kyoto. Để giúp các nước phát triển tuân thủ cắt giảm phát thải khí nhà kính định lượng, Nghị định thư Kyoto đưa ra 3 cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon là: Cơ chế đồng thực hiện (JI); Cơ chế mua bán quyền phát thải (ET) và Cơ chế phát triển sạch (CDM) được thực hiện đến năm 2020.

Cơ chế đồng thực hiện (JI) cho phép các Bên nước thuộc Phụ lục I của UNFCCC được thực hiện các dự án giảm phát thải/hấp thụ khí nhà kính tại các Bên nước khác thuộc Phụ lục I. Đơn vị giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận trong cơ chế JI là ERU.

Cơ chế mua bán quyền phát thải (ET) cho phép các Bên nước thuộc Phụ lục I của UNFCCC thu được các đơn vị giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận (AAU) từ các Bên nước khác thuộc Phụ lục I có khả năng giảm phát thải dễ dàng hơn.

Cơ chế phát triển sạch (CDM) cho phép các Bên nước thuộc Phụ lục I của UNFCCC thực hiện các dự án nhằm giảm phát thải/hấp thụ khí nhà kính và phục vụ phát triển bền vững tại các nước đang phát triển (các Bên nước không thuộc Phụ lục I). Đơn vị giảm phát thải khí nhà kính được chứng nhận trong cơ chế CDM là CER.

Thị trường carbon quốc tế tự nguyện

Thị trường carbon quốc tế được thành lập để các quốc gia mua bán tín chỉ carbon với nhau. Thị trường carbon quốc tế tự nguyện hướng đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ carbon để phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và xây dựng hình ảnh trước công chúng. Bên mua thường là các tập đoàn đa quốc gia, nổi tiếng… và nhằm tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường carbon nội địa.

Thị trường carbon quốc tế tự nguyện được điều chỉnh bởi nhiều bộ tiêu chuẩn khác nhau phụ thuộc vào yêu cầu của bên mua. Hiện nay, bộ Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (Verified Carbon Standard – VCS) và Tiêu chuẩn vàng (Gold Standard – GS) được áp dụng phổ biến.

Thị trường carbon nội địa

Ngoài việc mua các tín chỉ carbon từ nước ngoài để bù đắp sự thiếu hụt về cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính, nhiều quốc gia đã thiết lập một hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong nước. Đây là công cụ hướng tới việc đặt mức trần phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp trong nước để đạt được mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp nội địa nghiên cứu, áp dụng các biện pháp và công nghệ giảm phát thải khí nhà kính.

Để thiết lập một hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính trong nước, cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ phân bổ, hoặc giao bán một số lượng hữu hạn các tín chỉ carbon trong một khoảng thời gian. Các doanh nghiệp phát thải nhiều hơn sẽ phải mua tín chỉ từ những bên có nguyện vọng bán lại. Theo đó, bên mua sẽ phải trả các chi phí phát sinh do tăng mức phát thải, ngược lại bên bán sẽ được hưởng lợi từ cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Thị trường carbon quốc gia nào có quy mô lớn nhất?

Thị trường carbon nội địa bắt đầu được một số quốc gia phát triển có lượng phát thải lớn áp dụng từ những năm đầu thế kỷ 21 khi UNFCCC và Nghị định thư Kyoto ra đời.

New Zealand là quốc gia chính thức triển khai thị trường carbon nội địa từ năm 2008 bao gồm hầu hết các lĩnh vực trong nền kinh tế. Hoa Kỳ và Canada cũng sớm áp dụng thị trường carbon nội địa nhưng chỉ trên phạm vi bang chứ không trên phạm vi toàn quốc. Hiện thị trường carbon của Liên minh Châu Âu (EU) là thị trường carbon với quy mô lớn nhất trên thế giới.

Tại các quốc gia đang phát triển, Trung Quốc và Hàn Quốc là những quốc gia đi đầu trong nghiên cứu và áp dụng thị trường carbon nội địa. Trung Quốc đã áp dụng thử nghiệm thị trường carbon nội địa bắt đầu từ năm 2014 tại 5 thành phố và 2 tỉnh, đến năm 2021 đã chính thức áp dụng thị trường carbon nội địa trên toàn quốc. Thị trường carbon nội địa Hàn Quốc ra mắt vào ngày 01/01/2015 đã trở thành thị trường bắt buộc đầu tiên trên toàn quốc của châu Á và là thị trường carbon nội địa lớn thứ hai chỉ sau thị trường carbon của EU.

Khi nào Việt Nam có sàn giao dịch tín chỉ carbon?

Ngày 07/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozôn. Điều 17 của Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Theo đó, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; Xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Giai đoạn từ năm 2028 sẽ: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Theo VNCPC

(https://vncpc.org/thong-tin-tong-hop-ve-tin-chi-carbon-va-thi-truong-carbon/)