Trên mạng xã hội thời gian gần đây nổi lên các phương pháp thải độc như hút máu đông, thuốc bổ gan, giải độc cho người uống bia rượu, tuy nhiên thực tế những phương pháp này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.

Chị Liên (30 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) bị mụn ở cằm đã dùng nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình trạng này nhưng không có hiệu quả. Nghe lời người quen, chị đến phòng khám tư nhân ở quận Đống Đa và được giải thích “mụn sưng viêm do cơ thể nhiều chất thải, phải chích rạch ra máu đen mới khỏi”. Tuy nhiên vài ngày sau, vùng da nặn có dấu hiệu viêm, chảy nước dịch vàng.


Hút máu đông thải độc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị Liên gọi đến phòng khám nhưng không được giải quyết, nhân viên còn “trách khách hàng vệ sinh không sạch”. Lo sợ nhiễm trùng, chị đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám, được chẩn đoán viêm da, bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh.

Ngoài chích rạch da, nhiều cơ sở còn quảng cáo chích rạch ở tay, chân, bụng để chữa tê bì, đau nhức, đột quỵ. Họ giải thích máu đông là máu bệnh, phải hút ra, bởi càng để lâu bệnh càng nặng.

Nhận định về phương pháp “hút máu đông thải độc”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.Hồ Chí Minh cho biết, đây chỉ là chiêu trò lừa đảo, kiếm tiền dựa trên lòng tin của người dân. Thực chất, máu khi được lấy ra khỏi cơ thể sẽ đông lại và hình ảnh mà các spa quảng cáo không phải “cục máu đông, vốn được coi là nguyên nhân gây đột quỵ”, bác sĩ Khanh cho hay.

Trước đó vào năm 2014, một cơ sở chữa bệnh đông y ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM bị phạt vì thực hiện phương pháp này. Nhân viên dùng vật nhọn rạch vào da nơi bị đau rồi hút máu ra, “tuyên bố chữa lành bách bệnh”. Năm 2020, một cơ sở “chữa bách bệnh” bằng cách chọc kim, nặn lấy máu độc tại xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cũng bị người dân phản ánh.

Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa – Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, khuyến cáo người dân nên cẩn trọng. Máu đông là hiện tượng máu bị vón cục lại và có thể gây tắc nghẽn mạch máu. Nguyên nhân hình thành máu đông có thể do những mảng xơ vữa bị nứt vỡ, tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu…, song phải được kết luận bởi bác sĩ. “Việc tự lấy máu đầu ngón tay hoặc bất kỳ hình thức chích máu nào không được thực hiện tại cơ sở y tế đều là những phương pháp không phù hợp, làm chậm trễ điều trị, gây hại người bệnh”, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa chia sẻ.

“Đôi khi người bệnh không tử vong vì bệnh lý đột quỵ mà lại tử vong vì những bệnh lý nhiễm trùng kèm theo”, ông Nghĩa chia sẻ thêm rằng cơ thể con người đã có cơ chế thải độc qua bài tiết mồ hôi, vệ sinh, hít thở, vận động, không cần các phương pháp thải độc như thông tin lan truyền trên mạng xã hội.

Không chỉ có chiêu trò hút máu đông thải độc, hiện nay nhiều người đua nhau sử dụng thuốc bổ gan, giải độc gan để ngăn ngừa tổn thương gan do uống bia, rượu, ăn thực phẩm không lành mạnh, bệnh lý gan như viêm gan B, C,… mà không biết đó là sai lầm. Theo bác sĩ Nguyễn Thái Anh Tuấn, khoa điều trị gan – mật – tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hiện nhiều người áp dụng các phương pháp thải độc gan như uống các thực phẩm chức năng có tác dụng thanh thải chất độc trong gan; Ăn chế độ ăn kiêng; Sử dụng các loại sinh tố; Làm sạch đại tràng bằng thuốc tẩy…

Thực tế nhiều người phải nhập viện do tự ý sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chức năng để bổ gan, thải độc gan hoặc điều trị bệnh lý gan mật. Bác sĩ Nguyễn Đức Minh, khoa cấp cứu – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cảnh báo, đôi khi uống thuốc bổ gan, thải độc gan… lại khiến gan bị nhiễm độc.


Bệnh nhân nhiễm độc gan được chăm sóc tại bệnh viện. (Ảnh: BVCC)

Các bác sĩ cho biết, có nhiều phương pháp điều trị y tế cho bệnh lý về gan, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy các chương trình giải độc hoặc thuốc bổ gan có thể khắc phục tổn thương gan. Trên thực tế các chất giải độc có thể gây hại cho gan nếu không được sử dụng đúng cách. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tổn thương gan do thực phẩm chức năng và thảo dược đang ngày càng gia tăng. Với những người có bệnh lý gan, chức năng gan yếu, việc sử dụng các loại thuốc, chế phẩm hỗ trợ chức năng gan cần phải có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý dùng thuốc vì hại nhiều hơn lợi.

Để có sức khỏe tốt, mọi người nên hạn chế ăn nhiều đường, bánh kẹo ngọt, thực phẩm chiên rán gây đầy bụng, khó tiêu, tăng đường huyết và rối loạn mỡ máu. Hạn chế đồ uống có nhiều gas, cồn. Giữ tinh thần thoải mái, giảm stress, ngủ đủ giấc để cơ thể khỏe mạnh. Hạn chế chất kích thích, thuốc lá, rượu, bia. Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.

Phương pháp “hút máu đông thải độc” và các biện pháp tự ý thải độc không chỉ không hiệu quả mà còn có thể gây tác động phụ nguy hiểm cho sức khỏe. Người dân cần nhận thức và tiếp cận thông tin y tế một cách có trách nhiệm, và luôn tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia y tế có kinh nghiệm để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho bản thân và gia đình.

Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/bien-chung-vi-su-dung-phuong-phap-thai-doc-phan-khoa-hoc-d219228.html