Do tiện lợi, không ít người đã hình thành thói quen không tắt máy tính sau khi sử dụng, đặc biệt là laptop. Tuy nhiên thói quen này có thể dẫn tới tình trạng nhiễm phần mềm độc hại, cạn kiệt bộ nhớ, tài nguyên của thiết bị, tuổi thọ linh kiện giảm và hư hỏng phần cứng.
Vì lý do tiện lợi, không ít người đã hình thành thói quen không tắt máy tính sau khi sử dụng, đặc biệt là laptop. Thay vì chờ vài chục giây để máy khởi động mỗi lần bật lại, khi không tắt, máy tính sẽ luôn ở trạng thái sẵn sàng. Một lý do khác là khả năng truy cập từ xa để người dùng có thể vào lấy dữ liệu từ bất cứ đâu, miễn là thiết bị luôn bật và có kết nối Internet.
Khi không sử dụng trong một thời gian, hệ điều hành sẽ đưa máy tính vào chế độ chờ (Standby) hoặc chế độ ngủ (Sleep). Khi đó, máy tính sẽ chuyển sang trạng thái năng lượng thấp, cho phép máy tiêu thụ ít điện và tỏa ra ít nhiệt hơn. Nếu không tắt máy tính trong một tuần, có thể thấy thiết bị chạy hệ điều hành Windows 10 không gặp sự cố lớn nào về hiệu suất hay có dấu hiệu bị hỏng hóc. Tuy nhiên, máy gặp phải hai vấn đề, thứ nhất là khi mở tệp RAR, ứng dụng giải nén gặp sự cố và phải khởi động lại, thứ hai là các trò chơi yêu cầu tài nguyên máy tính cao có dấu hiệu bị giật lag hơn bình thường.
Trang Hampshire.edu thuộc trường Cao đẳng Hampshire tại Hoa Kỳ đã tiến hành thử nghiệm không tắt máy tính cá nhân và laptop Windows trong 1 tháng. Kết quả cho thấy, máy tính không hoạt động được như bình thường trong khi laptop đã hết pin trước khi thử nghiệm kết thúc.
Khi không tắt máy tính, tiền điện thậm chí có thể tăng do ở chế độ chờ, máy vẫn tiêu thụ từ 40 W đến 100 W. Vấn đề tiếp theo liên quan đến độ bền, khi máy vẫn hoạt động ở mức nhất định sẽ sản sinh ra nhiệt, gây ra trục trặc về hiệu suất, khiến tuổi thọ linh kiện giảm và thậm chí hư hỏng phần cứng. Ngoài ra, khi bật liên tục, máy tính cũng dễ có cơ hội bị hacker xâm nhập hơn. Người dùng có thể bỏ lỡ các bản cập nhật và bản vá quan trọng khi để máy chạy liên tục, khiến hệ thống dễ có khả năng bị nhiễm phần mềm độc hại, virus và các mối đe dọa kỹ thuật số khác.
Trên thực tế, việc chạy nhiều ứng dụng và quy trình cùng lúc mà không có thời gian nghỉ, tắt máy hợp lý có thể dẫn đến tình trạng cạn kiệt bộ nhớ và tài nguyên của thiết bị. Nhiều lỗi nhỏ cũng có thể được khắc phục đơn giản bằng cách khởi động lại máy. Các chuyên gia công nghệ khuyến cáo, người dùng nên tắt máy tính nếu không sử dụng trong một thời gian đủ dài. Tuy nhiên, chế độ chờ có thể là lựa chọn tốt nếu người dùng cần sử dụng lại máy tính trong thời gian ngắn vì có thể đánh thức thiết bị nhanh chóng mà không cần khởi động lại mọi thứ.
Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/thoi-quen-khong-tat-may-tinh-trong-thoi-gian-dai-de-lai-nhieu-he-luy-kho-luong-d226403.html