27 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngChuyên gia chỉ ra mối hiểm họa khi lắp bình nóng lạnh...

    Chuyên gia chỉ ra mối hiểm họa khi lắp bình nóng lạnh sai cách

    Date:

    Related stories

    Theo các chuyên gia về điện máy, hiện nay có không ít người chủ quan trong cách lắp đặt bình nóng lạnh làm tăng nguy cơ rò rỉ, giật điện, cháy, nổ khi sử dụng.

    Sử dụng bình nóng lạnh để tắm là thói quen của hầu hết các gia đình. Mỗi bình nóng lạnh đều được trang bị rơle tự ngắt, với nhiệm vụ tự động cấp điện để điều chỉnh nhiệt độ nước trong bình. Rơle tự ngắt khi nước đủ nóng và bật khi nước nguội đến một mức nhiệt nhất định, rơ le không có tác dụng ngăn chặn dòng điện truyền vào nước khi tắm.

    Có rất nhiều nguyên nhân khiến bình nóng lạnh hư hỏng, rò điện. Bình nóng lạnh sau một thời gian dài sử dụng, các thiết bị trong bình có thể bị hỏng hóc dẫn đến việc điện bị rò rỉ như thanh cấp điện sau thời gian dài sử dụng bị bám cặn, hao mòn sẽ gây rò điện vào nước. Ngoài ra dây điện lắp chung với ống dẫn nước dùng lâu có thể han gỉ, giòn cũng gây rò điện; gioăng cao su cách điện nối với dây mayso, vỏ bình, dây dẫn bị nứt sẽ dẫn điện. Một trong những nguyên nhân dẫn tới bình nóng lạnh bị rò rỉ điện nữa đó là do quá trình lắp đặt sai cách.

    Trước đó anh Lê Tân (thành phố Hồ Chí Minh) quyết định mua một bình nước nóng để gia đình sử dụng. Nhà có con nhỏ nhưng anh không để ý kỹ về độ cao an toàn khi lắp máy (máy nhà anh lắp cách mặt đất chỉ khoảng 1,5 m). Sau đó đứa con trai 8 tuổi của anh trong lúc tắm đã sờ vào máy nước nóng và bị giật điện. Cũng may là bé chỉ hoảng sợ chứ không sao. Theo anh, nguyên nhân là lúc lắp đặt, người thợ đã quên bắt dây nối đất nên khi máy bị rò điện đã gây ra giật.


    Lắp đặt bình nóng lạnh sai cách gây nhiều nguy hiểm. Ảnh minh họa

    Huỳnh My (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) sử dụng dạng bình nước nóng trực tiếp do chung cư cô ở lắp đặt. My cho biết máy lắp không có dây nối đất, lại ít được bảo trì, kiểm tra, nước trong máy chảy khá yếu, có lần máy còn bốc mùi khét. Thỉnh thoảng khi chạm tay vào thành máy, My bị giật điện tê tê.

    “Rút kinh nghiệm từ mấy vụ giật điện, cháy nổ, tôi gọi thợ đến kiểm tra bắt thêm dây nối đất, đồng thời bảo trì thường xuyên hơn. Nhưng khi đi du lịch ở các homestay, tâm lý sợ máy trục trặc vẫn ám ảnh nên tôi không dám sử dụng”, My chia sẻ.

    Uyên Phương, quận 7 cũng cho biết có lên một hội nhóm thanh lý nội thất và tìm mua bình nước nóng cũ với giá 500.000 đồng, để lắp ở phòng trọ. Do nghĩ rằng chỉ lắp dùng ngắn hạn ở phòng trọ nên Phương để mặc cho thợ “lắp sao cũng được” và không chú ý kỹ đến tính thẩm mỹ cũng như an toàn hệ thống điện – nước. Do đó, phòng tắm của Phương sau khi lắp máy, dây điện lòng thòng, máy thì cồng kềnh chiếm hết diện tích.

    Sau một thời gian sử dụng, Phương còn phát hiện nước chảy ra từ bình tắm có màu nâu và mùi hôi, khi máy hoạt động thường phát ra âm thanh “tít, tít”. Một lần khi Phương đang tắm, máy nổ bụp một tiếng và không lên đèn nữa nguyên nhân là do điện trở bị rò điện.

    Về vấn đề này ông Trần Mạnh, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ – Kỹ thuật Thợ Việt, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng máy nước nóng của các hộ gia đình tăng cao, dẫn đến số khách hàng gặp trục trặc và yêu cầu sửa chữa máy cũng tăng. Vấn đề các chủ nhà gặp phải thường là thiếu dây nối đất, rò rỉ điện, hư thanh đốt nóng, thủng bồn chứa nước, nước không nóng,…

    Theo ông Trần Minh Triết, Phó phòng Kỹ thuật Trung tâm sửa chữa Điện lạnh – Điện tử Limosa, nguyên nhân chủ yếu gây giật điện là do người lắp thực hiện sai quy trình như lắp quá thấp so với mặt đất, bỏ qua các bước quy định của nhà sản xuất (thiếu dây nối đất…). Ngoài ra, nhiều gia đình chủ quan, ít bảo trì, sửa chữa máy định kỳ, dẫn đến các dấu hiệu cho thấy máy đang trục trặc bị bỏ qua, đến khi xảy ra sự cố thì quá muộn.

    Để lắp đặt máy nước nóng vừa thẩm mỹ lại an toàn, kiến trúc sư Phạm Quốc Anh (Công ty thiết kế Minimal Đà Nẵng) cho rằng chủ nhà phải đảm bảo các nguyên tắc: Khi thiết kế phòng tắm, chủ nhà cần lưu ý kỹ hệ thống điện – nước để đảm bảo an toàn. Về hệ thống điện, có thể đi dây âm tường, sử dụng ống gen bảo vệ để bảo đảm an toàn và thẩm mỹ.

    Chuyên gia này lưu ý thêm về hệ thống đường ống để việc sử dụng thêm tiện lợi. Theo đó, chủ nhà nên lắp đặt van xả khẩn cấp cho các thiết bị sử dụng nước, lắp thêm van khóa cho từng khu vực để dễ sửa chữa. Các mối nối, khu vực tiếp giáp giữa các thiết bị điện và tường cũng cần xử lý chống thấm.

    Riêng về máy nước nóng, kiến trúc sư Quốc Anh cho rằng vị trí lắp đặt cần cách xa các thiết bị điện khác tối thiểu 30 cm, chừa khoảng trống an toàn xung quanh máy để thuận tiện sửa chữa, bảo trì. Chiều cao tối thiểu để lắp đặt bình nóng lạnh là 1,8 m so với mặt đất. Nơi lắp đặt máy phải khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và nguồn nhiệt khác.

    Khi lắp máy, gia chủ nên sử dụng dây điện và ổ cắm chuyên dụng, lắp đặt van an toàn, van xả cặn cho máy để hạn chế tối đa khả năng rò rỉ điện, ông Quốc Anh khuyên.

    Ông Trần Minh Triết chia sẻ thêm, chủ nhà cần đấu dây nối đất cho máy nước nóng để chống giật. Trong thiết kế, phần dây điện của máy nước nóng chia làm dây nóng, nguội và tiếp điện (dây nối đất). Nhiệm vụ của dây này là triệt tiêu và chuyển tiếp dòng điện, giúp chống giật, bảo vệ mạch điện khi xảy ra rò rỉ. Tuy nhiên, nhiều gia chủ khi lắp đặt máy nước nóng thường bỏ quên dây nối đất. Nếu không đấu dây nối đất, gia chủ có thể đóng 1 thanh kim loại vào tường để làm dây tiếp điện tạm thời.

    Bên cạnh đó, ông nói chủ nhà có thể lắp thêm một aptomat để gia tăng hiệu quả chống giật. Hiện các loại máy nước nóng đều tích hợp một aptomat đi kèm với máy, nhưng nên lắp thêm một aptomat độc lập bên ngoài để khi sự cố điện xảy ra, hiệu quả ngăn điện tiếp xúc với người dùng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, aptomat này chỉ hoạt động khi có dây tiếp điện, nếu không, dòng điện vẫn sẽ truyền đến người trước tiên.

    Ngoài ra nên thường xuyên kiểm tra, quan sát máy nước nóng. Nếu máy hoạt động chập chờn, có mùi hôi, khét trong không khí khi mở, phát ra âm thanh to, ra nước quá nóng hoặc quá yếu, nước từ máy bị dơ, đục… thì không tiếp tục sử dụng vì máy đang có nguy cơ rò rỉ điện. Định kỳ 3 tháng một lần, người dùng nên tiến hành kiểm tra tổng quát máy để kiểm soát độ ăn mòn và dơ của điện trở đốt nóng bên trong bầu, vệ sinh bầu đốt.

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7898:2018 về bình đun nước nóng có dự trữ dùng cho mục đích gia dụng- hiệu suất năng lượng

    Bộ Khoa học và Công nghệ công bố áp dụng cho bình đun nước nóng bằng điện có dự trữ (sau đây gọi tắt là bình đun nước nóng) dùng trong gia đình và các mục đích tương tự có dung tích đến 50 lít.

    Bình đun nước nóng phải đảm bảo an toàn theo TCVN 5699-2-21:2013 (IEC 60335-2-21:2012). Hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) của bình đun nước nóng được xác định theo dung tích thực tế của bình đun nước nóng theo quy định.

    Bình đun nước nóng được lắp đặt theo quy định trong Điều 9 của TCVN 11326 (IEC 60379). Chế độ đặt bộ điều nhiệt phải theo quy định trong Điều 11 của TCVN 11326 (IEC 60379).

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/chuyen-gia-chi-ra-moi-hiem-hoa-khi-lap-binh-nong-lanh-sai-cach-d226437.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img