Điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật ĐMTAM, ảnh hưởng đến việc vận hành hệ thống lưới điện. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Võ Quang Lâm – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – về vấn đề này.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, nước ta đang có nguy cơ thiếu điện. Ông có nhận xét gì về ý kiến đó?


Ông Võ Quang Lâm

Ông Võ Quang Lâm: Nhiều dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đang bị chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ, dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ bị thiếu điện trong tương lai gần. Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực mới đây cho thấy, trong số 62 dự án nguồn điện công suất lớn từ 200 MW trở lên trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chỉ có 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ.

Chính vì vậy, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ, đẩy mạnh tiết kiệm điện, thì việc thúc đẩy phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời là cần thiết và cấp bách. Thực tế, nguồn năng lượng tái tạo đang chiếm khoảng 10% tổng công suất toàn hệ thống, nhưng sản lượng điện tạo ra chỉ chiếm dưới 3% tổng sản lượng điện sản xuất.

PV: Thời gian qua, Việt Nam đã có những chính sách thúc đẩy sự phát triển ĐMTAM. Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của nguồn năng lượng này?

Ông Võ Quang Lâm: Tính đến 31-5-2020, cả nước đã có khoảng 37.000 khách hàng lắp đặt ĐMTAM với tổng công suất 653 MW. Đây là mô hình mang lại rất nhiều lợi ích cho chủ đầu tư. Với hộ gia đình, ĐMTAM sẽ góp phần giảm số điện sử dụng ở bậc thang giá cao. Với doanh nghiệp, ĐMTAM góp phần giảm số điện phải sử dụng trong giờ cao điểm, tiết giảm chi phí tiền điện hằng tháng. Ngoài ra, phần sản lượng điện mặt trời dư thừa, chủ đầu tư có thể bán lại cho ngành điện. Chúng tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm 500-1.000 MW ĐMTAM được lắp đặt.

Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật ĐMTAM. Đây là vấn đề cần được quan tâm, vì ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống lưới điện trung, hạ áp trong thời gian tới. Hiện nay, EVN đang phối hợp với Bộ Công Thương và Tổ chức GIZ để xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho ĐMTAM.

PV: Theo ông, cần có cơ chế chính sách gì để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư và sử dụng ĐMTAM?

Ông Võ Quang Lâm: Ngay sau khi Thủ tưởng Chính phủ ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, trong đó có ĐMTAM, EVN đã báo cáo Bộ Công Thương cho phép tạm thời áp dụng Thông tư 05 để EVN có thể ký được các hợp đồng mua bán điện với người dân và doanh nghiệp đã lắp ĐMTAM, thanh toán được ngay với người dân và doanh nghiệp. Từ ngày 22-5-2020, EVN đã thực hiện thanh toán cho người dân và doanh nghiệp đã lắp ĐMTAM từ 1-7-2019 đến nay với số tiền gần 300 tỉ đồng.

Việc phát triển ĐMTAM là cơ hội rất tốt để người dân, doanh nghiệp giảm chi phí mua điện từ EVN. Do tính chất của điện mặt trời, sản xuất vào đúng giờ cao điểm của các doanh nghiệp nên doanh nghiệp sẽ giảm bớt giá điện bậc thang vào giờ cao điểm. Hiện nay, giá điện bậc thang tùy vào cấp điện áp, nếu điện áp dưới 6 kW thì khoảng 3.000 đồng/kWh, còn điện áp trên 6 kW thì cao hơn 50% so với giá điện bán cho EVN. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã lắp tấm pin điện mặt trời trên mái công xưởng để giảm bớt điện tiêu thụ vào giờ cao điểm.

Từ ngày 22-5-2020, EVN đã thực hiện thanh toán cho người dân và doanh nghiệp đã lắp ĐMTAM từ 1-7-2019 đến nay với số tiền gần 300 tỉ đồng.

Vì những lợi ích to lớn đó nên EVN đã tạo mọi cơ chế khuyến khích doanh nghiệp lắp ĐMTAM. Một mặt, EVN yêu cầu các tổng công ty điện lực, khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu lắp đặt ĐMTAM, trong vòng hai ngày kể từ khi có thông tin phải trang bị công tơ hai chiều miễn phí cho người dân, doanh nghiệp và ký các hợp đồng mua bán điện điện tử.

Ngoài ra, EVN đang thúc đẩy xây dựng nền tảng, tạm gọi là EVN Solar, trên nền tảng đó, EVN cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến vấn đề pháp lý, thông tin nhà thầu, để các nhà đầu tư, các nhà bán thiết bị, các nhà quản lý có thể gặp nhau nhằm phát triển ĐMTAM ở Việt Nam. EVN đã báo cáo Bộ Công Thương để sớm triển khai hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với nhau không qua lưới của EVN để tận dụng được nguồn năng lượng quý giá này.

PV: Đối với những khó khăn về giải tỏa công suất cho ĐMTAM, EVN đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Võ Quang Lâm: Đối với các dự án nối lưới, EVN đang thực hiện theo các quy định, tiến độ cam kết với các nhà đầu tư. Đặc biệt, đối với các dự án truyền tải lớn, chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư. Chúng tôi cũng nhìn thấy một số khó khăn có thể có trong việc giải tỏa công suất của ĐMTAM, chủ yếu liên quan đến các máy biến áp. Chúng tôi đã đưa các thông tin về tiến độ giải tỏa công suất của các máy biến áp lên các website của EVN để người dân và doanh nghiệp có thể theo dõi được những khu vực nào hệ thống điện sẵn sàng cho việc giải tỏa công suất của ĐMTAM.

Xu hướng chung của xã hội là sử dụng nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Đây là một xu hướng rất tốt, giảm được chi phí đầu tư cho ngành điện cũng như tăng nguồn phụ tải cho nguồn điện, bởi hiện nay nguồn điện đang rất khó khăn. Mong Chính phủ và Bộ Công Thương tiếp tục có những cơ chế chính sách tốt hơn để khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Đức Minh
https://petrotimes.vn/thieu-tieu-chuan-ky-thuat-dien-mat-troi-ap-mai-574108.html