24 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng mười một 17, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngThiếu "chuẩn", sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khó cạnh tranh trên...

    Thiếu “chuẩn”, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khó cạnh tranh trên thị trường

    Date:

    Related stories

    Việc thiếu tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng, nguồn gốc khiến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ gặp khó khi ra thị trường.

    Nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế

    Người tiêu dùng tại thị trường trong nước có xu hướng lựa chọn sử dụng thực phẩm sạch, có chất lượng cao mặc dù mức giá cao hơn với các loại thực phẩm thông thường khác.

    Theo một khảo sát của Nielsen, công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu, trong năm 2017, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng và lựa chọn các loại sản phẩm theo các nghiên cứu khoa học mà truyền thông khuyến nghị, đặc biệt là các loại thực phẩm, đồ ăn, uống có chứa các thành phần tốt cho sức khỏe hoặc không chứa các thành phần nhạy cảm. Đây là một nhu cầu tất yếu của người tiêu dùng trong xã hội hiện đại ngày nay, đồng thời chính nhu cầu này cũng mở ra nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất, cung cấp thực phẩm.

    Theo định nghĩa về nông nghiệp hữu cơ của Tổ chức Các phong trào Nông nghiệp Hữu cơ Quốc tế – IFOAM: Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất bền vững cho sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người.

    Hệ thống này dựa vào các quá trình sinh thái, đa dạng sinh thái và các chu kỳ thích nghi với các điều kiện địa phương, thay vì sử dụng các nguyên liệu đầu vào với hậu quả bất lợi. Nó kết hợp truyền thống, sự đổi mới và khoa học để có lợi cho môi trường chung và thúc đẩy mối quan hệ công bằng và chất lượng cuộc sống tốt đẹp cho tất cả những người tham gia.

    Chính vì vậy, tiêu chuẩn hữu cơ được xem là tiêu chuẩn chất lượng cao cấp nhất hiện nay, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn được sản xuất với quy trình nghiêm ngặt. Các loại thực phẩm này có thể đáp ứng đồng thời các nhu cầu vừa tự nhiên, vừa không chứa các thành phần có thể gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

    Nhìn chung, thị trường các sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam còn non trẻ, khả năng nhận biết các loại sản phẩm này còn thấp khiến tỷ lệ sử dụng còn rất giới hạn. Người tiêu dùng còn chưa hiểu rõ và nhầm lẫn giữa các khái niệm: “thực phẩm hữu cơ”, “thực phẩm sạch”, hay “thực phẩm trồng tại nhà”.


    Nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế với các sản phẩm được đông đảo người dùng ủng hộ. Ảnh: VTV

    Vì thế, cần thiết phải có tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng, nguồn gốc và hướng dẫn sử dụng sản phẩm rõ ràng từ các nhà sản xuất, các nhà cung cấp là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp hữu cơ trong nước. Với tổng giá trị thị trường thực phẩm hữu cơ toàn cầu đạt giá trị xấp xỉ 76 tỷ EURO vào năm 2015, trong đó Mỹ là quốc gia có thị trường lớn nhất với giá trị đạt xấp xỉ 36 tỷ EURO.

    Trong giai đoạn từ năm 1999 đến năm 2015, diện tích đất nông nghiệp được sử dụng trên toàn cầu dành cho mục đích canh tác hữu cơ tăng từ 11 triệu ha lên đến hơn 50 triệu ha, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm hơn 10%.Trong đó, Châu Âu và Châu Đại dương là 02 châu lục chiếm đến 70% đất nông nghiệp hữu cơ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất cũng như giá thành sản phẩm cao nên nông nghiệp hữu cơ chủ yếu phát triển tại những nước giàu như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Pháp, Ý.

    Có tín hiệu đáng mừng là không chỉ trên thế giới mà ngay tại Việt Nam, thị trường nông nghiệp hữu cơ đang phát triển khá mạnh theo xu hướng của người tiêu dùng. Chỉ tính riêng 02 thành phố lớn tại Việt Nam là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cũng theo một ước tính của Nielsen, giá trị của thị trường các sản phẩm hữu cơ tại đây ước đạt 400 tỷ VNĐ/ năm trong vài năm sắp tới. Điều đó cho thấy, thị trường dành cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ còn rất nhiều tiềm năng và sẽ có sự phát triển mạnh trong các năm tiếp theo.

    Một điều đáng ghi nhận là, mặc dù tham gia vào quá trình sản xuất, phân phối các sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ là chấp nhận đầu tư lớn, cùng với một số hạn chế còn tồn tại.

    Nhưng tại nước ta, xuất phát từ nhu cầu của thị trường và sự chủ động của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và hội viên Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, trên cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và đã thu được nhiều thành quả như: Tập đoàn TH; Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op); Công ty Viễn Phú; Công ty Organic Đà Lạt … cùng nhiều đơn vị, tổ chức khác.

    Với mức tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trung bình của riêng hệ thống bán lẻ Saigon Co.op đang ở mức khoảng 2750 tấn rau quả, 420 tấn thịt gia cầm, 770 tấn thịt gia súc và 7700 triệu quả trứng an toàn mỗi tháng. Trong đó, các sản lượng các sản phẩm hữu cơ chỉ chiếm khoảng 0.2% và tiềm năng phát triển được đánh giá là còn rất cao.

    Thiếu cơ chế, thiếu chuẩn cho sản phẩm hữu cơ

    Trong quá trình thực hiện các dự án nông nghiệp hữu cơ, các doanh nghiệp, tổ chức tại nước ta vấp phải khá nhiều khó khăn không những đến từ nội tại mà còn có một số yếu tố khách quan khác. Điển hình như việc tìm kiếm các diện tích đất đủ tiêu chuẩn để làm nông nghiệp hữu cơ là cả một quá trình.

    Vì đa số các vùng trồng trọt của nước ta nhiều năm qua đã quá quen với việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật và nhiều loại hóa chất khác nhau. Từ những nền đất như vậy, không thể chuyển ngay lập tức qua sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mà cần phải trải qua một quá trình dài để làm sạch đất, loại bỏ những chất gây hại có trong đất. Quá trình cải tạo đất này kéo dài phải từ 1 năm đến 3 năm, thậm chí là hơn mới có thể đạt yêu cầu.

    Ngoài ra, các sản phẩm tự gọi là “hữu cơ” không có chứng nhận tiêu chuẩn xuất hiện tràn lan trên thị trường, cùng với thói quen và nhận thức của người tiêu dùng còn thấp, nên các sản phẩm hữu cơ từ các nhà sản xuất, cung cấp có uy tín bị ảnh hưởng nặng nề vì khó cạnh tranh được từ giá thành cho đến sản lượng. Cùng với đó, do sản xuất các sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế rất khắt khe nên dẫn tới việc sản lượng không cao, cung không đủ cầu.

    Hiện nay, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước cũng đã kiến nghị với Nhà nước sớm xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuẩn quốc tế; đẩy mạnh bảo hộ tài sản trí tuệ cho nông nghiệp.

    Cần sớm hoàn thiện các tiêu chuẩn cho nông nghiệp hữu cơ để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu dùng hàng sạch của người tiêu dùng. Ảnh: Zing

    Quan tâm nhiều hơn nữa đến việc hướng dẫn, kiểm tra và giám sát quy trình sản xuất của các hộ nông dân, các tổ chức, doanh nghiệp bảo đảm thực hiện đúng quy trình tiêu chuẩn trong việc sản xuất và kinh doanh.

    Tăng cường ứng dụng công nghệ, khoa học. Quy hoạch các vùng sản xuất, định hướng nền sản xuất theo hướng giá trị cao tiến đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng hành lang pháp lý để được công nhận, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Có thêm các chính sách ưu đãi phù hợp cho các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào nông nghiệp.

    Bên cạch đó, các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng cần phải tự nỗ lực vượt qua các khó khăn, rào cản khi hoạt động. Mở rộng các kênh thông tin, mạng lưới và tạo sự gắn kết với những đối tác, tổ chức cả trong lẫn ngoài nước có đủ năng lực để cùng đồng hành tạo ra được chuỗi sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có giá trị cao, bền vững tại Việt Nam.

    Xây dựng các kế hoạch sản xuất dài hạn, ứng dụng công nghệ khoa học trong các quy trình sản xuất, kinh doanh. Tiến tới đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao hoặc các sản phẩm đặc sản, hướng dần đến sản xuất các sản phẩm hữu cơ, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

    Theo Vietq

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img