Việc thay thế thịt đỏ bằng các loại cá nhỏ như cá trích, cá mòi và cá cơm trong các bữa ăn có thể cứu sống 750.000 người mỗi năm và góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra mối liên hệ giữa tiêu thụ thịt đỏ với nguy cơ cao mắc bệnh ở người cũng như gây ra tác hại to lớn với môi trường tự nhiên. Việc tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến được cho là nguyên nhân dẫn tới khoảng 70% số ca tử vong trên toàn cầu vào năm 2019. Các vấn đề sức khỏe như bệnh tim mạch vành, đột quỵ, tiểu đường và ung thư ruột chiếm gần 50% số trường hợp tử vong này, trong đó bệnh động mạch vành là phổ biến nhất.

Trong khi đó, tiêu thụ các loại cá mồi được xem là sự lựa chọn không chỉ bổ ích cho sức khỏe, mà còn thân thiện với môi trường. Chúng là những loài cá nhỏ hiện diện nhiều nhất trong các đại dương và có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển, là nguồn thức ăn chính cho các loài cá săn mồi lớn hơn, động vật có vú và chim biển. Mặc dù nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích của cá mồi, nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ chúng có thể giảm gánh nặng bệnh tật toàn cầu ở mức độ như thế nào nếu được tiêu thụ thay thế cho thịt đỏ.

Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản và Australia đã tiến hành cuộc phân tích dữ liệu lớn nhất từ trước đến nay, thu thập từ hơn 130 quốc gia và đưa ra kết luận về việc thay thế thịt đỏ bằng các loại cá nhỏ như cá trích, cá mòi và cá cơm trong các bữa ăn có thể cứu sống 750.000 người mỗi năm và góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Báo cáo phân tích đã chỉ ra những lợi ích của các loại cá nhỏ như giá trị dinh dưỡng cao, thân thiện với môi trường với nguồn cung phong phú, trong khi ngày càng có nhiều bằng chứng về mối liên quan giữa tiêu thụ thịt đỏ và nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở người và gây hại tới môi trường.


Ảnh minh họa

Các nhà nghiên cứu đã mô phỏng 4 kịch bản, mỗi kịch bản đại diện cho một mô hình phân bổ cá nhỏ khác nhau trên toàn cầu. Họ sử dụng dữ liệu dự báo tiêu thụ thịt đỏ vào năm 2050 của 137 quốc gia và dữ liệu lịch sử về sản lượng đánh bắt cá nhỏ từ môi trường biển. Theo các nhà khoa học, cách tiếp cận này có thể ngăn ngừa tới 750.000 ca tử vong do bệnh liên quan đến chế độ ăn uống vào năm 2050 và tránh được tới 15 triệu năm sống chung với bệnh tật.

Các nhà nghiên cứu cho biết thêm việc áp dụng chế độ ăn cá thay cho thịt đỏ sẽ đặc biệt hữu ích cho các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi những loại cá này có giá rẻ và phong phú, nhưng tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch nói riêng ở đây rất cao.

Các nhà khoa học khuyến cáo để cải thiện sức khỏe của con người và sức khỏe của hành tinh, con người nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ và chuyển sang các loại thực phẩm vừa tốt cho sức khỏe vừa thân thiện với môi trường.

Các nhà khoa học nhấn mạnh so với thịt đỏ, hải sản không chỉ cung cấp nồng độ cao hơn các chất dinh dưỡng cần thiết mà còn ngăn ngừa các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống (NCDs).

Cá nhỏ giàu axit béo polyinsaturated chuỗi dài omega-3, có thể ngăn ngừa bệnh mạch vành, đồng thời cũng chứa nhiều canxi và vitamin B12. Các nhà nghiên cứu cho biết đây cũng là nguồn thực phẩm từ động vật có dấu chân carbon thấp nhất.

Tuy nhiên, hiện tại 3/4 sản lượng cá nhỏ đánh bắt được xử lý thành bột cá và dầu cá – các sản phẩm chủ yếu được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

Nghiên cứu chỉ ra nhu cầu cần có các hướng dẫn chính sách thực phẩm từ cá và các chính sách nhạy cảm dinh dưỡng để chú ý hơn đến thành phần của lượng cá tiêu thụ trong tương lai và thúc đẩy tiêu thụ cá nhỏ.

Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/thay-the-thit-do-bang-ca-nho-co-the-cuu-song-750000-nguoi-moi-nam-d220425.html