20 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 5, 2024
More
    HomeSản xuất sạch hơnTham gia thị trường tín chỉ carbon: Việt Nam cần làm gì?

    Tham gia thị trường tín chỉ carbon: Việt Nam cần làm gì?

    Date:

    Related stories

    Thị trường tín chỉ carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng hướng đến thực hiện mục tiêu trung hòa carbon trong cam kết của các nền kinh tế tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.

    Nhu cầu tín chỉ carbon trên thế giới trong những năm gần đây đang tăng lên, thúc đẩy sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của thị trường này. Tại Việt Nam, việc phát triển thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp nắm bắt những cơ hội trong lộ trình thực hiện cam kết giảm phát thải carbon. Tuy nhiên, để vận hành thị trường này hiệu quả, không ít vấn đề đặt ra từ việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, các tiêu chuẩn về kỹ thuật và đẩy mạnh công tác truyền thông.

    Thị trường tín chỉ carbon

    Thị trường tín chỉ carbon xuất hiện từ năm 1997, khi Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc được chính thức thông qua. Theo Nghị định này, các nền kinh tế còn dư thừa về quyền phát thải khí nhà kính được phép mua, bán hoặc cho các quốc gia khác quyền này. Đây là cơ sở làm xuất hiện trên thế giới một loại hàng hóa có nhu cầu gia dịch mới trên thị trường là các chứng chỉ liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính. Do CO2 là một loại khí nhà kính nên việc quy đổi tương đương liên quan đến khí nhà kính khác cho các giao dịch về phát thải khí nhà kính được gọi chung là mua/bán, trao đổi chứng chỉ carbon. Từ đó, hình thành nên thị trường giao dịch carbon hay thị trường tín chỉ carbon. Trên thị trường này, việc mua, bán phát thải khí nhà kính hay mua/bán phát thải khí carbon được giao dịch thông quan đơn vị quy đổi là tín chỉ carbon.

    Theo Tạp chí Forbes Việt Nam, tín chỉ carbon là một thuật ngữ đề cập đến một đơn vị tín chỉ giao dịch trong kinh doanh, hay là giấy phép về 1 tấn CO2 hay khối lượng của một loại khí nhà kính khác quy đổi tương đương 1 tấn CO2 (viết tắt là tCO2tđ). Như vậy, tín chỉ carbon là chứng nhận (hay giấy phép) cho phép người sở hữu được quyền phát thải 1 tấn CO2 hoặc một loại khí nhà kính quy đổi khác. Một tín chỉ carbon giới hạn một lượng phát thải là 1 tấn CO2. Mục tiêu ra đời của tín chỉ carbon là để từng bước giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển.

    Trong tiến trình thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính, các nền kinh tế, ngành công nghiệp, hay doanh nghiệp được ấn định một “hạn ngạch” phát thải hàng năm cụ thể hay đưa ra một mức trần về số đơn vị carbon phát thải (còn gọi là Cap). Mức trần này thường sẽ điều chỉnh giảm dần theo hướng giảm phát thải khí nhà kính vào khí quyển. Số tín chỉ carbon mà các bên tham gia được phép giao dịch phải ở trong mức trần quy định đó, nếu vượt qua mức trần sẽ bị phạt. Chính vì vậy, trong trường hợp phát thải vượt trần, để tránh bị phạt, các chủ thể này cần mua thêm “quyền” phát thải từ các chủ thể đang dư thừa trên thị trường. Ngược lại, nếu không dùng hết hạn ngạch của trần phát thải, các chủ thể này có thể chuyển nhượng lại cho các chủ thể có nhu cầu.

    Từ khi Nghị định thư Kyoto có hiệu lực, thị trường giao dịch tín chỉ carbon đã phát triển mạnh mẽ tại các quốc gia phát triển. Hiện có 02 loại thị trường giao dịch chính gồm: (1) Thị trường tín chỉ carbon bắt buộc là thị trường mua/bán carbon thực hiện theo các cam kết cắt giảm khí nhà kính khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu của các quốc gia. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu sử dụng trong các dự án thuộc cơ chế phát triển sạch (Clean Development Mechanism – CDM); cơ chế phát triển bền vững (Sustainable Development Mechanism – SDM) hoặc cơ chế đồng thực hiện (Joint – Implementation – JI); (2) Thị trường giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện -là thị trường dựa trên cơ sở hợp tác giữa các quốc gia, tổ chức hay công ty thông qua các thỏa thuận song phương hoặc đa phương. Trên thị trường này, bên có nhu cầu tín chỉ sẽ tham gia vào các giao dịch mua, bán trên cơ sở tự nguyện nhằm đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị (Environmental – Social – Governance – ESG) trong phát triển hướng tới giảm phát thải khí nhà kính.

    Thị trường giao dịch chứng chỉ carbon tự nguyện là cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp giao dịch với nhau để giảm phát thải khí carbon. Thị trường hoạt động thông qua quy định giới hạn về lượng khí thải được phép phát thải và cho phép các doanh nghiệp tham gia giao dịch lượng khí thải đã giảm đi so với giới hạn cho phép. Thông qua các giao dịch này sẽ hình thành cơ chế tự điều chỉnh, từ đó lập lại sự cân bằng về carbon thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính.


    Tín chỉ carbon – công cụ quan trọng chống biến đổi khí hậu.

    Hiện nay, thị trường tín chỉ carbon là một công cụ quan trọng trong điều tiết khí thải của Liên minh châu Âu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu cũng như thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu theo Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris. Tại châu Âu, thị trường giao dịch tín chỉ carbon đã chiếm xấp xỉ 45% toàn bộ lượng phát thải khí nhà kính trên toàn châu Âu và chiếm xấp xỉ 3/4 thị trường thế giới. Tại châu Á, Trung Quốc là quốc gia đưa nội dung hình thành thị trường tín chỉ carbon vào kế hoạch phát triển giai đoạn 2011-2015 và đang thí điểm thực hiện trên phạm vi rộng tại nhiều khu vực với các mức độ áp dụng đa dạng, linh hoạt. Trung Quốc chính thức đưa thị trường giao dịch tín chỉ carbon vào vận hành từ ngày 16/07/2021, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

    Triển khai tại Việt Nam

    Thực hiện các mục tiêu về phát thải ròng đạt mức không (Net Zero) vào năm 2050, Việt Nam đang thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển thị trường giao dịch tín chỉ carbon trong những năm gần đây.

    Tại Việt Nam, theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, “tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương”. Bên cạnh đó, dự thảo của Đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” xây dựng dựa trên cơ sở Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn (Nghị định số 06/2022/NĐ-CP) đã đưa ra mục tiêu từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ hoàn thiện các quy định trong quản lý tín chỉ carbon, các giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính; quy chế trong vận hành sàn giao dịch; thí điểm cơ chế giao dịch, bù trừ trong các lĩnh vực có tiềm năng; tổ chức hướng dẫn việc thực hiện cơ chế giao dịch trong nước và cả quốc tế, đảm bảo sự phù hợp với các quy định trong các điều ước quốc tế; tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch vào năm 2025.

    Từ 2028, Việt Nam sẽ chính thức sẽ đưa vào vận hành thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Đối với các chủ thể tham gia thị trường, Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định: các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên, hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng mức tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

    Việt Nam hiện có khoảng 1.912 cơ sở đang thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính theo quy định trong Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Đây chính là các khách hàng sẽ tham gia thị trường trong thời gian tới. Về giao dịch, quy trình giao dịch được thực hiện theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/07/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

    Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon. Theo báo cáo tháng 03/2023 của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), tính đến tháng 11/2022, Việt Nam có 276 dự án với khoảng gần 30 triệu tín chỉ carbon đã được chứng nhận từ các dự án tín chỉ carbon theo cơ chế CDM. Bên cạnh đó, Việt Nam đã phát triển nhiều dự án liên quan đến tín chỉ carbon khác với các tiêu chuẩn quốc tế khác nhau.

    Theo Cục Biến đổi Khí hậu, việc mua, bán tín chỉ carbon của Việt Nam với thế giới theo hình thức tự nguyện đã được triển khai từ những năm 2000 bởi các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án CDM. Trên 300 chương trình, dự án tại Việt Nam trong thời gian qua đã đăng ký thực hiện các giao dịch mua/bán, bù trừ tín chỉ carbon. Trong số đó có trên 150 dự án đã được cấp trên 40 triệu tín chỉ carbon và thực hiện giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon thế giới. Việt Nam là 1 trong 04 quốc gia (cùng Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil) có các dự án CDM đăng ký nhiều nhất; đứng thứ 09 trong số 80 nước có nhiều dự án CDM được công nhận và cấp tín chỉ carbon. Việc hình thành và vận hành thị trường tín chỉ carbon sẽ góp phần giúp Việt Nam gia tăng năng lực năng cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường có những yêu cầu cao về bảo vệ môi trường như thị trường châu Âu cũng như tăng cường khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong bối cảnh “xanh hóa” hoạt động đầu tư.


    Hội thảo tham vấn nâng cao năng lực trong đánh giá thực trạng pháp luật hạ tầng và kinh nghiệm quốc tế để thiết kế sàn giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam.

    Mặc dù thị trường tín chỉ carbon được xác định là một trong những giải pháp hữu hiệu để tạo động lực cho doanh nghiệp hành động nhằm góp phần giảm thiểu phát thải, cắt giảm lượng khí thải hoặc hướng tới chuyển đổi sử dụng các công nghệ xanh, sạch, ít thải khí carbon. Tuy nhiên, để thị trường này tại Việt Nam đi vào hoạt động, cần tiếp tục hoàn thiện các quy phạm, quy chuẩn mang tính kỹ thuật liên quan đến cơ chế giao dịch, đảm bảo phù hợp, liên thông với các quy định, quy chuẩn quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Để làm được điều đó, Việt Nam cần triển khai một số giải pháp đồng bộ sau:

    Một là, xây dựng bộ công cụ định giá carbon tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường tín chỉ carbon; các định mức phát thải carbon đối với từng đơn vị, chủng loại sản phẩm cho các loại hình sản xuất, kinh doanh.

    Hai là, xây dựng cơ chế vận hành, quản lý thị trường, bao gồm các sàn giao dịch nhằm thống nhất công tác quản lý của nhà nước. Xây dựng hệ thống đăng ký tầm quốc gia nhằm quản lý lượng tín chỉ carbon, cùng với đó là thực hiện kết nối với các hệ thống, tổ chức tham gia thị trường trên thế giới. Các chủ thể tham gia thị trường sẽ đăng ký cho mình tài khoản giao dịch, cung cấp các thông tin về chủng loại, số lượng hàng hóa có nhu cầu giao dịch khi tham gia thị trường.

    Ba là, hỗ trợ doanh nghiệp và các bên tham gia thị trường cơ hội tiếp cận thông tin, phương thức giao dịch, để chủ động sẵn sàng gia nhập thị trường. Qua đó, gắn hoạt động sản xuất với lượng khí nhà kính quy về chứng chỉ phát thải carbon.

    Để thực hiện các giải pháp này, cần sự phối hợp và hợp tác một cách hiệu quả của các đơn vị nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, hệ thống doanh nghiệp là yếu tố quyết định bởi họ là chủ thể có nhu cầu giao dịch và cũng là chủ thể tham gia, đồng thời chịu tác động trực tiếp của thị trường tín chỉ carbon. Ngoài ra, cần đào tạo nguồn nhân lực tham gia tổ chức vận hành khi thị trường carbon đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức về thị trường mới mẻ này trong cộng đồng doanh nghiệp, các chủ thể liên quan khác chuẩn bị các điều kiện để tham gia thị trường.

    Việt Nam đang hướng tới là nước dẫn đầu khu vực trong hoạt động giao dịch tín chỉ carbon theo thông lệ quốc tế trong Thỏa thuận Paris. Muốn vậy, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các chính sách để phát triển thị trường này, góp phần hướng tới mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050.

    Theo Tạp chí KHCNVN
    https://vietq.vn/tham-gia-thi-truong-tin-chi-carbon-viet-nam-can-lam-gi-d219752.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img