Những sản phẩm tẩy rửa bồn cầu chứa nhiều hóa chất nhằm loại bỏ hầu hết các virus, vi khuẩn, mảng bám giúp bồn cầu luôn sạch sẽ và giảm đáng kể nguy cơ lây lan mầm bệnh. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách thì các hóa chất trong sản phẩm tẩy rửa này có thể gây hại sức khỏe người dùng.
Theo thống kê của Tổ chức bảo vệ môi trường thế giới, trong số 85.000 chất hóa học đang được sử dụng thường ngày thì chỉ có khoảng 7% sản phẩm là an toàn với sức khỏe con người. Tuy nhiên, với tâm lí chủ quan cho rằng được phép lưu hành thì đã đạt độ an toàn rồi nên không có nhiều người quan tâm và đề trường trước độ nguy hại của chúng.
Những tác hại của các chất tẩy rửa bồn cầu đối với sức khỏe
Gây ra các căn bệnh về phổi
Theo các chuyên gia, các loại hóa chất tẩy rửa bồn cầu chứa nhiều chất kích thích có thể tác động trực tiếp vào đường hô hấp, từ đó chuyển đến và tích tụ tại phổi. Nguy hiểm hơn, các loại thuốc tẩy và amoniac trong hóa chất tẩy rửa nếu sử dụng lâu dài có thể gây ra “xơ hóa” mô phổi và bệnh phổi sẽ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Trong chất cọ rửa toilet hay lau rửa kính, một số loại còn dùng tới các chất tiêu diệt nấm độc, sản sinh ra các loại khí clo. Khí clo gây khó chịu cho mắt và đường hô hấp, thậm chí có thể gây khó thở, phù phổi và đe dọa tính mạng. Do đó, khi sử dụng nên đeo găng tay và đảm bảo không gian phải được thông gió tốt khi xịt rửa vệ sinh
Tổn thương da và các chức năng miễn dịch
Chắc chắn rất nhiều người cũng gặp tình trạng da nhăn nheo, thậm chí là ngứa ngáy khi tiếp xúc với các chất tẩy rửa bồn cầu. Điều này là do các chất tẩy rửa gia dụng phổ biến trong gia đình đều chứa hóa chất, chất tạo bọt, chất loại bỏ dầu mỡ, các chất hữu cơ khác. Chính các chất này là nguyên nhân gây ra tổn thương da, gây ngứa da, sưng phồng, nổi bọng nước và lột bong da cùng các triệu chứng khác. Chất tẩy rửa chứa chất hoạt động bề mặt anion, cation và các chất hoạt động bề mặt khác, có thể loại bỏ lớp bảo vệ da nhờn và ăn mòn da. Một số chất huỳnh quang, chất làm trắng sáng có trong chất tẩy trắng, chất tẩy rửa và dung dịch vệ sinh không thể phân hủy được dễ dàng như các thành phần hóa học thông thường, chúng thâm nhập và tích tụ trong cơ thể con người, làm giảm khả năng miễn dịch của con người.
Gây ung thư
Một số chất tẩy rửa có thể chứa formaldehyde gây ung thư, có thể gây ra dị ứng và hen suyễn chỉ trong một thời gian sử dụng ngắn hạn. Ngoài ra còn có các chất làm mát không khí thường được sử dụng trong các hộ gia đình, ví dụ, các chất làm tươi không khí như nến thơm có chứa chất gây ung thư benzen và các hóa chất thơm gây béo phì, dễ gây nghiện.
Nếu không sử dụng đúng cách thì các hóa chất trong sản phẩm tẩy rửa bồn cầu có thể gây hại sức khỏe người dùng. Ảnh minh họa
Tổn thương hệ thống mạch máu, cơ quan sinh sản và hệ thần kinh
Những chất tẩy rửa mà chỉ cần vài giọt là có thể làm sạch dầu mỡ hay tẩy trắng gỉ sét … thì hẳn bạn cũng sẽ đoán được hoạt tính hóa học của nó mạnh đến mức nào. Đa số các loại hóa chất này đều chứa dung môi ethylene glycol monobutyl ether, chúng là những chất sẽ phá hủy các tế bào hồng cầu thông qua da, từ đó làm tổn thương mạch máu, làm xáo trộn hệ thống mạch máu.
Nhiều chất tẩy rửa và chất khử vi khuẩn có chứa clorua. Khi bạn sử dụng quá mức trong dài hạn chất clorua có thể làm phá hỏng chức năng hoạt động bình thường của hệ thống sinh sản của phụ nữ. Bên cạnh đó, một số chất tạo mùi thơm tổng hợp có trong chất tẩy rửa và chất lọc, làm mát không khí có thể gây nhiễm độc mãn tính cho hệ thần kinh, dẫn đến chóng mặt, buồn nôn, nôn và chán ăn.
Những lưu ý cần tránh khi sử dụng chất tẩy rửa bồn cầu đảm bảo an toàn cho sức khỏe
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các chất tẩy rửa gia dụng khi pha loãng với nước có thể tiêu diệt hiệu quả các chất ô nhiễm và mầm bệnh trong bồn cầu. Thời gian đạt hiệu quả chỉ cần vài phút hoặc tối đa là 1 giờ. Tuy nhiên, một chất tẩy rửa có thể gây nguy hiểm nếu người dùng trộn chung với các chất tẩy rửa khác. Điều quan trọng cần nhớ là không kết hợp thuốc tẩy trắng bồn cầu với amoniac, giấm và các sản phẩm tẩy rửa bồn cầu khác. Việc kết hợp thuốc tẩy trắng và các sản phẩm tẩy bồn cầu khác nghe có vẻ hợp lý nhưng hành động này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe. Lý do là 2 sản phẩm này đều có tính chất a xít. Khi kết hợp với nhau, chúng sẽ phát tán nhiều khí clo ra không khí. Người hít phải sẽ xuất hiện các triệu chứng như ho, gặp vấn đề hô hấp, kích ứng mắt, mũi hoặc cổ họng, thậm chí nôn mửa, tức ngực. Những trường hợp hít phải quá nhiều khí clo có thể gây tử vong.
Tương tự, kết hợp thuốc tẩy bồn cầu với amoniac sẽ giải phóng chất chloramines. Chloramines có thể gây ra tác động tương tự với cơ thể như khí clo. Ngoài ra, kết hợp thuốc tẩy bồn cầu với giấm cũng làm sản sinh khí clo. Đặc biệt, khi trộn thuốc tẩy trắng bồn cầu với cồn tẩy rửa sẽ tạo ra axit clohydric, chloroacetone và chloroform. Dù tiếp xúc chỉ một lượng nhỏ các chất này nhưng cũng gây ra các triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt. Nếu tiếp xúc lượng lớn có thể dẫn đến tổn thương thận, mắt, phổi, da, gan và hệ thần kinh.
Theo chuyên trang sức khỏe Heathline của Mỹ, trong trường hợp lỡ pha chất tẩy trắng với các hóa chất trên để tẩy rửa bồn cầu thì điều đầu tiên là phải rời toilet ngay lập tức. Đợi đến khi khí độc hại thoát ra ngoài thì hãy xả thật nhiều nước để rửa trôi chất tẩy rửa. Một điều mọi người cần nhớ là thứ duy nhất có thể trộn với thuốc tẩy trắng bồn cầu là nước. Trên thực tế, chỉ cần pha trung bình 1 muỗng thuốc tẩy với 4 lít nước là đủ.
Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/nhung-luu-y-can-tranh-khi-su-dung-thuoc-tay-rua-bon-cau-dam-bao-an-toan-cho-suc-khoe-d213623.html