Nhiều người nghĩ rằng sử dụng điều hòa ô tô đơn giản chỉ là bật và tắt nhưng sự thực nếu sử dụng không đúng cách nó còn ảnh hưởng tới sức khỏe.
Dùng điều hòa ô tô thế nào để tránh bị bệnh?
Theo nghiên cứu mới đây của nhà sản xuất ô tô SEAT – công ty con của Volkswagen, nhiều tài xế hiện nay đang sử dụng điều hoà sai cách mà không hề hay biết. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của người lái mà tuổi thọ của xe cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Điều hòa ô tô khá tiện lợi nhưng cũng “gây họa” nếu dùng sai cách
Bật điều hòa ở nhiệt độ tối đa ngay khi bước lên xe
Sai lầm phổ biến nhất mà tài xế hay mắc phải khi sử dụng điều hoà là điều chỉnh nhiệt độ tối đa ngay khi bước lên xe. Chế độ tuần hoàn gió sẽ khiến người dùng cảm thấy được sự mát mẻ ngay nhưng nếu chỉ liên tục chọn chế độ này, nó có thể khiến cửa kính xe bị mờ sương, gây cản trở tầm nhìn. Vậy nên, hãy chọn chế độ “Auto” để điều hoà có thể điều chỉnh nhiệt độ phù hợp cho hành khách trong xe cũng như ngăn chặn việc tạo sương khi lái.
Bật điều hòa nhưng chĩa thẳng hướng gió về phía mình
Để nhanh chóng mát mẻ, không ít tài xế và hành khách trên xe thường chĩa thẳng hướng gió của điều hoà về phía mình. Tuy nhiên, điều này thực tế chỉ gây phản tác dụng và khiến xe không thể phân bổ đều luồng gió. Tốt nhất là hãy chĩa hướng cửa gió của điều hoà lên trên, điều này sẽ khiến khí mát tỏa ra khắp xe một cách hiệu quả hơn cũng như cho phép luồng gió phân bổ đều tới mọi người ngồi xe. Nếu cứ chĩa thẳng hướng gió của điều hòa vào mặt sẽ gây khô da, khô họng dễ gặp cảm nếu bước ra ngoài trời nắng.
Không bảo dưỡng điều hòa định kỳ gây hỏng hóc, giảm độ lạnh của điều hòa
Theo SEAT, cứ mỗi quãng đường từ 15.000 – 23.000 km, người lái nên mang xe của mình đi kiểm tra, bảo dưỡng và lau chùi lại điều hòa một lần. Bởi vì bộ lọc gió của điều này lúc này có thể bám đầy bụi bẩn, khiến cho thiết bị hoạt động kém hiệu quả. Chưa kể, việc vận hành liên tục thiết bị ở mức độ cao có thể khiến thiết bị nhanh chóng hỏng hóc và cần được bảo dưỡng nhanh chóng.
Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, kể cả khi không có bộ phận nào bị mọt, thủng, ga lạnh vẫn có khả năng thẩm thấu qua các đầu nối và một số chi tiết bằng nhựa hoặc cao su, dẫn đến hiện tượng thiếu ga và làm giảm công suất lạnh. Việc hoạt động ở điều kiện thiếu ga lạnh dễ làm cho máy nén nhanh bị hỏng, đặc biệt là loại máy nén có khả năng thay đổi được hành trình piston/ dung tích công tác.
Theo An Dương/vietq.vn (27/8/2018)