Thiết bị công nghệ ngày nay mang lại nhiều tiện ích cho con người, tuy nhiên chúng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Sự phát triển của những công nghệ như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… mang lại cho chúng ta rất nhiều tiện ích. Nhưng mặt khác, sử dụng công nghệ vào mục đích tiêu cực hoặc thiếu hiểu biết đầy đủ khi dùng đều có thể khiến cuộc sống trở nên phức tạp, mất an toàn và khó kiểm soát hơn. Công nghệ cũng tiềm ẩn những rủi ro mà phổ biến và nghiêm trọng hơn cả là nguy cơ lộ lọt thông tin.
Điện thoại, máy tính, đồng hồ thông minh… là những thứ có thể nói là bất ly thân đối với nhiều người trong cuộc sống hiện đại. Nhưng các trợ thủ đắc lực này hoàn toàn có thể trở thành phương tiện gây rò rỉ thông tin của chính bạn.
Tháng 10/2022, Meta đã thông báo cho 1 triệu người dùng Facebook rằng, tên người dùng và mật khẩu của họ có thể đã bị xâm phạm bởi các ứng dụng độc hại. Nhiều ứng dụng giả mạo núp bóng dưới dạng phần mềm chỉnh sửa ảnh trong khi những ứng dụng khác được ngụy trang thành trò chơi, ứng dụng theo dõi sức khỏe, công cụ hỗ trợ đèn pin, VPN, ứng dụng kinh doanh…
Các thiết bị công nghệ cũng có nguy cơ rỏ rỉ dữ liệu thông tin hoặc bị theo dõi. Ảnh minh họa
Tiến hành khảo sát trên 1.250 doanh nghiệp tại Mỹ do Digita.com thực hiện cho thấy, 60% công ty có sử dụng phần mềm theo dõi. Công nghệ theo dõi có thể ghi lại những ký tự gõ từ bàn phím, chụp màn hình, ghi lại chuyển động của chuột, kích hoạt webcam và microphone. Đồng thời, nó còn có khả năng chụp ảnh mà nhân viên không hề hay biết.
Đồng hồ thông minh đã dần trở thành phụ kiện quen thuộc hàng ngày với nhiều người khi liên tục theo dõi những thành phần trong cơ thể và các chỉ số hoạt động như nhiệt độ, nhịp tim, giấc ngủ… hay sử dụng dữ liệu GPS để tạo bản đồ lộ trình tập luyện ngoài trời, lộ trình đi làm của người dùng. Những dữ liệu này sau đó sẽ được đồng bộ hóa với các thiết bị của người dùng và máy chủ của công ty. Các phần mềm gián điệp hoàn toàn có thể âm thầm truyền dữ liệu ra bên ngoài.
Đó mới chỉ là 3 vật dụng quen thuộc. Các chuyên gia công nghệ còn cảnh báo, người dùng còn có thể bị theo dõi trong những ngôi nhà thông minh hay thông qua ti vi thông minh.
Skyworth, thương hiệu TV lớn thứ ba tại Trung Quốc trước đó đã thừa nhận ứng dụng Gozen Service được cài đặt trên smart TV của hãng thu thập nhiều dữ liệu nhạy cảm hơn mức cần thiết.
Chen Zhengxuan, Phó chủ tịch Gozen Data còn tiết lộ, thông tin mà Gozen thu thập cụ thể tới mức như: những gì được phát trên TV, ai đang xem chương trình nào và những thiết bị nào đang được sử dụng trước màn hình TV, kết nối chung với hệ thống mạng Internet… Những thông tin này được sử dụng để phân tích, sự quan tâm tìm kiếm của người dùng, từ đó kích hoạt quảng cáo hướng đến đúng đối tượng khách hàng.
Ngoài những nhà sản xuất smart TV, các bên đối tác thứ 3, những nhà phát triển ứng dụng cho smart TV cũng âm thầm thu thập thông tin của người dùng.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Chuyên gia an ninh mạng và Nhà sáng lập CyRadar, tình trạng này còn nguy hiểm hơn ở chỗ không chỉ khai thác thông tin người dùng mà tội phạm mạng có thể dùng smart TV làm bàn đạp để tấn công sang các thiết bị khác trong nhà. Lỗ hổng smart TV cũng như máy tính hoặc smartphone. Tất nhiên, cũng có lỗ hổng và việc bị hacker khai thác trục lợi, kiểm soát là điều khó tránh khỏi. Chẳng hạn, dùng camera của TV để quay lén các hoạt động trong phòng.
Tổ chức Consumer Reports chuyên đánh giá sản phẩm của Mỹ cũng phân tích năm thương hiệu smart TV lớn bao gồm Samsung, LG, Sony, TCL, Vizio và phát hiện một số vấn đề nghiêm trọng. Tin tặc có thể kiểm soát từ xa các mẫu TV này, bao gồm thay đổi kênh, tăng âm lượng, cài đặt ứng dụng mới và phát nội dung có chủ đích từ YouTube.
Lỗ hổng phát sinh trong trường hợp người dùng điện thoại (cũng đồng thời sử dụng smart TV trên cùng mạng Wi-Fi) nhấp vào đường link độc hại cho phép tin tặc thâm nhập vào mạng sau đó tiếp cận giao diện điều khiển của TV.
Người dùng thường có thói quen cho phép các dịch vụ truyền hình trực tuyến như Netflix, YouTube và Hulu theo dõi mọi thứ xem trên dịch vụ này. Do đó không ngạc nhiên nếu các kênh truyền hình có được thông tin này qua nhà sản xuất TV hoặc bên cung cấp phần mềm. Trước những phản đối của người dùng, Gozen Data cam kết cải thiện hình ảnh của công ty và tôn trọng chính sách bảo mật người dùng.
Trong khi đó, Skyworth hủy bỏ ứng dụng Gozen trên TV của mình và đổ lỗi cho ứng dụng của bên thứ ba. Skyworth cũng cam kết sẽ đánh giá nghiêm ngặt hơn về hành vi của các đối tác, nhà cung cấp dịch vụ nhằm bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu, quyền và lợi ích của người dùng.
Để bảo vệ bản thân và gia đình chống lại sự xâm nhập thông tin bất hợp pháp này, nhiều chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người dùng smart TV nên tự học về cài đặt bảo mật của thiết bị, thay đổi mật khẩu mạng Wi-Fi mặc định do nhà sản xuất đặt và hiểu cách bật và tắt micro và máy ảnh. Đồng thời thường xuyên cài đặt các bản cập nhật phần mềm mới do các nhà sản xuất smart TV công bố.
Hơn ai hết, trong thời đại công nghệ phát triển, mỗi người cần có ý thức bảo vệ thông tin bí mật của cá nhân. Không truy cập vào các đường link lạ, đường link không rõ ràng hoặc nghi ngờ. Trong trường hợp khách quan (thông tin bị lộ do mua bán dữ liệu trái phép, bị đánh cắp) thì cần có vai trò của quản lý Nhà nước trong việc ban hành và thực thi các chính sách bảo mật thông tin cá nhân hiệu quả hơn trên thực tế.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/rui-ro-nghiem-trong-tu-cac-thiet-bi-cong-nghe-d207143.html