24 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng mười một 17, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngRác thải nhựa đổ ra đại dương gia tăng gây thêm áp...

    Rác thải nhựa đổ ra đại dương gia tăng gây thêm áp lực toàn cầu

    Date:

    Related stories

    Trên tạp chí PNAS của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm tăng tỉ lệ rác thải nhựa đổ ra đại dương gây mất kiểm soát trên toàn cầu.

    Gia tăng rác thải nhựa từ khi có đại dịch Covid-19

    Trên tạp chí PNAS của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, một nghiên cứu công bố mới đây cho thấy: “Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu về nhựa dùng một lần tăng cao, gây thêm áp lực đối với vấn đề rác thải nhựa vốn đã mất kiểm soát trên toàn cầu. Có khoảng 25.900 tấn rác thải nhựa từ đại dịch Covid-19 – tương đương hơn 2.000 chiếc xe buýt hai tầng – đã bị đổ ra các đại dương”.

    Hai tác giả Yiming Peng và Peipei Wu (Đại học Nam Kinh, Trung Quốc) nhấn mạnh với quy trình quản lý chưa phù hợp, lượng rác thải nhựa (trong đó có đồ bảo hộ y tế, khẩu trang và găng tay) đã vượt quá khả năng xử lý của các quốc gia.

    Từ khi đại dịch bắt đầu, 193 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tạo ra khoảng 8,4 triệu tấn rác thải nhựa, các tác giả cho biết.

    “Rác thải nhựa, vốn dễ dàng trôi trong một phạm vi rộng lớn ở các đại dương, có khả năng gây thương tích hoặc thậm chí khiến sinh vật biển tử vong”, nhóm nghiên khẳng định.


    Rác thải nhựa ngày càng gia tăng. Ảnh: Alamy/Thanh Niên

    Nghiên cứu cho thấy 46% lượng rác thải nhựa xuất phát từ châu Á (do hoạt động sử dụng khẩu trang của cư dân), tiếp theo là châu Âu (24%), châu Mỹ (22%) và châu Phi (8%).

    Theo các nhà khoa học, hầu hết rác thải nhựa từ đại dịch sẽ xuất hiện tại các bãi biển hoặc chìm xuống đáy đại dương vào cuối thế kỷ này.

    Hai tác giả Peng và Wu cho biết 87,4% lượng rải thải là từ các bệnh viện, thay vì nhu cầu dùng đồ bảo hộ cá nhân (PPE) – vốn chỉ chiếm 7,6%. Bao bì và bộ dụng cụ xét nghiệm chiếm khoảng 5%.

    Cho đến tháng 8, hàng nghìn tấn khẩu trang, găng tay, bộ dụng cụ xét nghiệm đã theo dòng chảy của 369 con sông lớn trôi ra các đại dương. Trong đó, sông Shatt al-Arab mang theo 5.200 tấn rác thải PPE, sông Indus vận chuyển 4.000 tấn, còn con số của sông Dương Tử (Trung Quốc) là 3.700 tấn.

    “Phát hiện nói trên làm nổi bật các sông và một số lưu vực cần được chú ý đặc biệt trong việc quản lý chất thải nhựa”, nhóm nghiên cứu cho biết.

    Hệ lụy lâu dài từ rác thải nhựa

    Nói tới rác thải nhựa, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, rác thải nhựa gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường sống xung quanh chúng ta. Sau khi bị vứt ra ngoài tự nhiên, phải mất hàng trăm năm để rác thải nhựa phân hủy hoàn toàn, với túi nhựa cần ít nhất là 100 năm và chai nhựa cần ít nhất là 200 năm. Như vậy trong hàng trăm năm đó, rác thải nhựa không mất đi và hệ lụy đối với sức khỏe và môi trường là rất lớn.

    Các sản phẩm từ nhựa không hề tiêu biến hết mà sẽ bị phân rã thành các mảnh vi nhựa với kích cỡ siêu nhỏ là mối đe dọa tiềm tàng đến các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Những hạt nhựa siêu vi đó có thể ngấm vào đất, đi vào các mạch nước ngầm, lẫn vào nước, ngăn chặn khí oxy làm cho các sinh vật dưới nước không thể hô hấp được, gây phá hủy hoặc suy giảm đa dạng sinh học.

    Nguy hiểm hơn, hạt nhựa siêu vi do rác thải nhựa phân hủy có thể xâm nhập và phá hủy tế bào trong cơ thể của các loài sinh vật biển và gián tiếp gây nguy hại tới sức khoẻ con người khi ăn phải cá và các loại sinh vật biển bị nhiễm độc đó. Mặt khác, nếu rác thải nhựa không được xử lý hoặc tái chế đúng cách thì khi phân hủy trong tự nhiên, các loại nhựa được dùng trong những vật dụng thường ngày, từ chai nước cho đến bao bì, sẽ sản sinh ra khí gây hiệu ứng nhà kính – một trong những nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu khiến Trái đất ngày càng nóng lên.

    Hiện nay có rất nhiều người đang hàng ngày đưa vào cơ thể những chất độc hại bằng việc sử dụng đồ nhựa. Hơn 50 % lượng nhựa được tiêu thụ mỗi ngày nằm trong những sản phẩm nhựa dùng một lần, có nghĩa là hơn nửa trong số hàng triệu tấn nhựa sản xuất ra mỗi năm chỉ đem lại cho con người cảm giác tiện ích trong vài phút như: cốc nhựa, chai nhựa, ống hút, túi ni lông,… và sau đó bị vứt ra ngoài môi trường trở thành đồ vô dụng, nhưng những thứ vô dụng ấy tồn tại trong môi trường tự nhiên lại vô cùng nguy hại với sức khoẻ con người.

    Nhựa dễ dàng tan chảy trong khoảng nhiệt độ từ 70 – 800oC và các hoá chất độc hại có trong nhựa sẽ hòa vào thực phẩm, đi vào cơ thể con người, những chất độc đó tích lũy lâu ngày sẽ gây ra các bệnh vô cùng nguy hiểm như rối loạn thần kinh, ung thư, rối loạn chức năng tuyến giáp, dị dạng sinh dục và nhiều bệnh khác. Đặc biệt, trong nhựa có chứa một chất độc hại là DEHP, chất độc này có thể gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng giới tính và sinh lý ở trẻ.

    Để nâng cao nhận thức của toàn dân trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, các chiến dịch kêu gọi người dân chuyển đổi từ những sản phẩm nhựa dùng 01 lần sang dùng những sản phẩm có thể tái sử dụng cũng được tổ chức môi trường Liên Hợp Quốc phát động.

    Không chỉ trên Thế giới mà ngay cả Việt Nam, từ năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc, huy động sự tham gia của tất cả các Bộ, Ngành, địa phương, tổ chức chính trị – xã hội và đặc biệt là toàn thể cộng đồng có các hành động thiết thực nhằm giảm thiểu tiến tới chấm dứt thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 01 lần và túi ni lông khó phân huỷ.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/rac-thai-nhua-do-ra-dai-duong-gia-tang-gay-ap-luc-toan-cau-d193635.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img