Bình giữ nhiệt là sản phẩm tiện lợi được nhiều người tin dùng để giữ ấm thực phẩm, đồ uống… nhất là trong mùa lạnh, tuy nhiên nếu không sử dụng đúng cách sẽ nguy hại cho sức khỏe.

Thế nào là sử dụng bình đúng cách?

Với bình giữ nhiệt sử dụng lần đầu, trước khi dùng nên dùng nước rửa chén hoặc bột baking soda, giấm để rửa sạch cũng như khử mùi sản phẩm mới trong bình. Như thế, khi dùng bình trữ nước sẽ không ảnh hưởng đến mùi vị và chất lượng nước sử dụng.

Không đựng nước có tính axit trong bình giữ nhiệt. Một số loại nước có tính chua như nước cam, nước táo mèo, nước sấu ngâm hay dưa muối, cà muối không nên tích vào bình giữ nhiệt. Bởi axit trong các loại nước này sẽ làm tan nhanh và mạnh các kim loại nặng còn tồn dư trong bình, đặc biệt là asen, đồng, chì, thủy ngân đều là các chất có hại cho cơ thể.

Nếu sử dụng bình kém chất lượng được tạo ra từ inox mà trong thành phần có chứa nhiều kim loại, khi đựng các loại nước trên, tính axit trong món ăn thức uống này sẽ kích thích quá trình giải phóng kim loại nặng trong inox và gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.


Sử dụng bình giữ nhiệt không đúng có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Ngoài ra, cần chú ý tránh trữ nước quá nóng có thể gây hư hỏng bình hoặc gây phản ứng với chất liệu bề mặt bình sản sinh chất gây hại.

Không nên đổ nước hay thức uống đầy sát miệng bình, dễ gây trào khi đóng nắp và không đạt hiệu quả giữ nhiệt tốt nhất. Nên để 1 khoảng trống không khí trên mặt bình sẽ cho hiệu quả giữ nhiệt lâu hơn. Không dùng bình giữ nhiệt trong lò vi sóng, vì bình giữ nhiệt làm bằng kim loại dễ gây cháy nổ. Nếu muốn làm nóng đồ uống thì hãy đổ nước ra một vật dụng khác để làm nóng sau đó cho lại vào bình.

Trong quá trình sử dụng và cất giữ, tránh va đập hay lực tác động quá mạnh lên bình sẽ làm móp méo bình, khiến 2 lớp kim loại va chạm vào nhau, làm giảm khoảng không giữa 2 lớp kim loại dẫn đến khả năng giữ nhiệt giảm sút.

Các chuyên gia cho rằng nước quả nên đựng trong bình nhựa, bình giữ nhiệt chỉ nên dùng giữ nhiệt nước đun sôi hoặc bảo quản đá lạnh trong thời gian không dài (đi học, đi dã ngoại).

Với nước đun sôi hay đá lạnh trong bình không nên thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại. Điều này sẽ khiến bình bị co giãn, tuổi thọ cũng sẽ giảm theo. Muốn chuyển đổi, hãy để cho bình được trong trạng thái “tĩnh” 10-15 phút rồi mới đổ nước nóng/đá lạnh vào.

Khi sử dụng bình cần thường xuyên làm sạch và phơi khô để bình được bền. Ngoài ra, cần kiểm tra bình nước, thay bình nếu xuất hiện dấu hiệu bị hư hoặc có mùi nấm mốc.

Ngoài ra, khi sử dụng bình giữ nhiệt tuyệt đối không tự ý đập bỏ bình hay tháo rời bình giữ nhiệt. Điều này có thể làm phát tán amiăng ra bên ngoài vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

Cách vệ sinh bình giữ nhiệt

Trước hết, cần lưu ý, tuyệt đối không dùng các chất tẩy rửa mạnh, dung dịch gây ăn mòn (thuốc tẩy, axeton…) để vệ sinh bình giữ nhiệt.

Khi đựng nước lọc thông thường, bình chỉ cần dùng nước rửa chén rửa sạch và lau khô hoặc để khô tự nhiên là có thể sử dụng. Sau khi trữ các thức uống giữ mùi, giữ cặn khác, bình cần được làm sạch kỹ lưỡng hơn để không ẩm mốc, sinh khuẩn và ảnh hưởng đến lần sử dụng sau.

Lưu ý khi chọn mua bình giữ nhiệt

Trên thị trường có rất nhiều chỗ bày bán bình giữ nhiệt, từ 200 nghìn đồng đến 1-2 triệu đồng, tuy nhiên, người tiêu dùng nên lựa chọn mua loại bình giữ nhiệt có thương hiệu để đảm bảo sức khỏe cũng như có điều kiện bảo hành để đảm bảo cho quyền lợi người tiêu dùng của bản thân. Không cần phải mua bình quá mắc tiền nhưng cũng đừng vì ham rẻ mà mua loại bình không bảo đảm chất lượng.

Cũng theo các chuyên gia, chú ý khi mua bình giữ nhiệt, người tiêu dùng cần kiểm tra xem bình có vết xước không, đặc biệt là các vết xước bên trong bình, vì nếu không chính người dùng sẽ bị nhiễm độc. Đồng thời, sát trùng qua bình nước bằng nước nóng trước khi sử dụng.

Bảo Linh (t/h)
https://vietq.vn/su-dung-binh-giu-nhiet-an-toan-nguoi-tieu-dung-da-biet-cach-d193457.html