16.6 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng Một 18, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngQuy định mới về kiểm tra thiết bị giám sát hành trình...

    Quy định mới về kiểm tra thiết bị giám sát hành trình đối với xe cơ giới khi đăng kiểm

    Date:

    Related stories

    Theo Thông tư 30/2024 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định về kiểm định xe cơ giới có hiệu lực từ 1/10, có nhiều thay đổi liên quan đến việc kiểm tra thiết bị giám sát hành trình.

    Theo lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, theo quy định tại Nghị định 10/2020 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014) của Chính phủ về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và việc cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, loại xe phải lắp thiết bị giám sát hành trình bao gồm: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách; xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa; xe trung chuyển.

    Ngoài ra, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Từ đó, kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát người lái xe trên xe kinh doanh vận tải cũng trở thành hạng mục bắt buộc trong đăng kiểm xe cơ giới.

    Đăng kiểm viên sẽ sử dụng tên đăng nhập và mật khẩu để truy cập vào trang thông tin điện tử quản lý quản lý thiết bị giám sát hành trình do chủ xe hoặc Cục Đường bộ Việt Nam cung cấp để kiểm tra sự hoạt động của thiết bị này. Tuy nhiên, nếu như trước đây, trường hợp thiết bị giám sát hành trình trên xe vận tải không truy cập được, hoặc hiển thị sai thông tin của xe cơ giới trên trang thông tin điện tử; không hiển thị hình ảnh quan sát (nếu loại thiết bị có tích hợp hiển thị hình ảnh camera); ô tô sẽ bị trượt đăng kiểm do được xếp vào loại hư hỏng, khiếm khuyết quan trọng (MaD).


    Kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát người lái xe trên xe kinh doanh vận tải cũng trở thành hạng mục bắt buộc trong đăng kiểm xe cơ giới. Ảnh minh họa

    Theo quy định hiện hành tại Thông tư 30/2024, các lỗi trên được xếp vào loại hư hỏng, khiếm khuyết không quan trọng (MiD), do đó vẫn đạt hạng mục kiểm tra thiết bị giám sát hành trình. Nếu tất cả các hạng mục kiểm tra còn lại đều đạt, ô tô sẽ đạt đăng kiểm, được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định.

    Tuy nhiên, đại diện trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cũng cho biết, tuy là lỗi khiếm khuyết không quan trọng khi đăng kiểm ô tô, nhưng lái xe, chủ doanh nghiệp cần khắc phục ngay để phục vụ trong quản lý phương tiện, người lái xe khi tham gia giao thông; cũng như phục vụ cơ quan quản lý Nhà nước khi cần trích xuất.

    Mặt khác, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) cũng quy định, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hành khách không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định hoặc có gắn thiết bị giám sát hành trình của xe nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định; hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô.

    Ngoài bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

    Liên quan tới những quy định về các thiết bị giám sát hành trình đối với các phương tiện giao thông, Quy định thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô kinh doanh vận tải, tại Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 47/2022/NĐ-CP và Nghị định 41/2024/NĐ-CP) quy định về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

    Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông (hiện tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô là QCVN 31:2014/BGTVT được ban hành tại Thông tư 73/2014/TT-BGTVT).

    Quy định việc lắp đặt, quản lý, khai thác thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe, theo Khoản 1 Điều 15 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải được hợp quy, đảm bảo ghi nhận, truyền dẫn đầy đủ, liên tục về máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải chủ quản hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình các thông tin bắt buộc gồm: hành trình, tốc độ, thời gian người lái xe liên tục.

    Đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện trách nhiệm của mình theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này, bao gồm những trách nhiệm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện của đơn vị theo quy định; Duy trì tình trạng kỹ thuật tốt, đảm bảo truyền dẫn và cung cấp đầy đủ, chính xác, liên tục các thông tin bắt buộc theo quy định từ thiết bị giám sát hành trình trong suốt quá trình phương tiện tham gia giao thông; Cung cấp tên đăng nhập và mật khẩu truy cập vào phần mềm xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của các xe thuộc đơn vị cho Sở Giao thông vận tải nơi cấp phù hiệu, biển hiệu.

    Bố trí cán bộ thực hiện theo dõi, giám sát hoạt động của phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh vận tải của phương tiện; thực hiện cảnh báo, xử lý người lái xe khi có vi phạm theo nội quy, quy chế của đơn vị. Cập nhật, lưu trữ có hệ thống các thông tin bắt buộc tối thiểu 01 năm.

    QCVN 105:2020/BGTVT về thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe

    Quy chuẩn này do Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu đối với thiết bị giám sát thời gian và quãng đường được lắp đặt trên các xe ô tô tập. Quy chuẩn này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, thử nghiệm, chứng nhận chất lượng, quản lý và khai thác sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường lắp trên các xe ô tô tập lái dạy thực hành lái xe tại các cơ sở đào tạo lái xe.

    Thiết bị giám sát phải có các chức năng tối thiểu đó là hiển thị thông tin và thông báo trạng thái hoạt động. Người dạy thực hành và học viên sử dụng thẻ hoặc vân tay chạm vào đầu đọc thẻ hoặc đầu đọc vân tay của thiết bị để đăng nhập hoặc đăng xuất hệ thống.

    Thiết bị phải ghi lại được thời điểm, tọa độ đăng nhập, đăng xuất của người dạy thực hành và học viên, đồng thời phải có báo hiệu để nhận biết các sự thay đổi này. Việc đăng nhập, đăng xuất chỉ thực hiện được khi xe dừng hoặc đỗ lái để dạy thực hành lái xe trên đường tại các cơ sở đào tạo lái xe ô tô.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/quy-dinh-moi-ve-kiem-tra-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-khi-dang-kiem-d226167.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img