19 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngPhế liệu nhập khẩu: Nguyên liệu hay rác thải

    Phế liệu nhập khẩu: Nguyên liệu hay rác thải

    Date:

    Related stories

    Thu hồi và tái chế rác thải sẽ mang lại những cơ hội thực sự để tạo thêm nhiều việc làm cũng như những lợi ích kinh tế to lớn. Sử dụng nguyên liệu phế liệu để tái chế với công nghệ cao sẽ giúp tiết kiệm chi phí và BVMT là điều mà quốc gia nào cũng đang hướng đến.

    Tuy nhiên việc quản lý và thu hồi rác thải không hiệu quả luôn tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe và an toàn cho công nhân tái chế phế liệu, cũng như nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng sức khỏe toàn cộng đồng nếu không có biện pháp phòng ngừa thích hợp.

    Để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Việt Nam đã đưa ra chủ trương cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. Nhưng khi thực hiện đã có không ít tổ chức, cá nhân không tuân thủ các quy định về BVMT, nhất là lợi dụng nhập khẩu phế liệu (NKPL) để đưa rác thải vào nước ta. Từ đó đã có cảnh báo Việt Nam là một trong những nước NKPL nhiều nhất thế giới, đặc biệt sau khi Trung Quốc ngừng hầu hết các hoạt động NKPL đã qua sử dụng.

    Một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Năm 2016, khối lượng sắt thép phế liệu nhập khẩu là 2,7 triệu tấn thì năm 2017 là 5,2 triệu tấn; giấy phế liệu từ 338 nghìn tấn lên 1,3 triệu tấn; nhựa phế liệu từ 18 nghìn tấn lên 90 nghìn tấn. Đầu năm 2018 tình trạng nhập khẩu phế liệu ồ ạt đang tạo áp lực đến kho bãi các cảng do lượng lớn hàng tồn kho tại các cảng, chủ yếu là phế liệu nhựa và giấy.

    Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam trong nhiều năm qua ngành giấy Việt Nam nhập khẩu giấy phế liệu từ nước ngoài với tỉ lệ bình quân từ 30 -45% tổng khối lượng giấy phế liệu dùng để sản xuất bột giấy. Mặt khác, nguồn giấy phế liệu ở trong nước chưa được thu hồi hết và phải tốn nhiều chi phí xử lý rác thải hàng năm. Thực tế trên cho thấy, thị trường giấy phế liệu nội địa còn rất nhiều tiềm năng nhưng lại chưa được khai thác hợp lý.

    Thu gom, phân loại và tái chế nguyên liệu giấy đã qua sử dụng tại làng nghề.

    Giấy phế liệu chứa nhiều thành phần khác không phải là xơ sợi, trong đó phải kể đến mực in, vật liệu tráng phủ làm bóng, keo dính (để ghép các trang vào với nhau). Đây là những hóa chất cần phải loại bỏ trước khi tái chế. Thêm nữa, nếu cần sản xuất giấy trắng thì bột sẽ phải được tẩy trắng với hydrogen peroxide, chlorine dioxide hay oxygen. Vì thế nước thải từ sản xuất giấy với nguyên liệu giấy phế liệu chứa nhiều hóa chất độc hại không kém sử dụng nguyên liệu sợi cellulose, thậm chí có thể còn độc hại hơn tùy thuộc nguồn giấy phế liệu.

    Quá trình tái chế thực sự chỉ sử dụng được nhiều nhất là 80% lượng giấy phế liệu. Phần chất thải còn lại phải được chở tới các cơ sở xử lý chất thải để quản lý và xử lý tùy theo tính chất nguy hại của chất thải. Chìa khóa giúp gia tăng tỷ lệ sử dụng giấy phế liệu cũng như kiểm soát chất thải nguy hại nằm ở chất lượng giấy thu hồi. Các nước trên thế giới đã có cảnh báo về số lượng các vấn đề khó khăn phát sinh từ sự ô nhiễm giấy phế liệu ngày càng gia tăng.

    Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt về phế liệu nhập khẩu sẽ được áp dụng từ 1/3/2018, theo đó tỷ lệ tạp chất trong giấy phế liệu, nhựa phế liệu và sắt phế liệu không được vượt quá 0,5%. Trong thực tế, giấy phế liệu nhập khẩu vào Trung Quốc trong những năm gần đây thường có tỉ lệ tạp chất 1% – 5%. Các công ty Trung Quốc thậm chí vẫn chấp nhận tỉ lệ tạp chất trong giấy phế liệu nhập khẩu 5%, và cao hơn 5%. Trong khi đó, Việt Nam quy định tổng lượng các loại tạp chất được phép còn lẫn trong phế liệu giấy nhập khẩu không vượt quá 2% khối lượng của khối hàng (QCVN 33:2010/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường đối với phế liệu giấy nhập khẩu).

    Vừa qua Hải Phòng đã có thông báo từ chối Tập đoàn Giấy Cửu Long (Trung Quốc) đầu tư Dự án Nhà máy giấy tại KCN Nam Đình Vũ vì nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đây là Dự án sản xuất bột giấy và giấy từ nguyên liệu giấy phế liệu nhập khẩu với nguồn vốn 800 triệu đô la, công suất dự kiến 1 triệu tấn. Quyết định của Hải Phòng thể hiện sự đúng đắn và hợp lòng dân, cần được trở thành chủ trương chung của quốc gia về kiểm soát nghiêm ngặt và ngăn chặn kịp thời các dự án đầu tư không thân thiện môi trường.

    Cùng với đó, Chính phủ cần ban hành những chính sách hỗ trợ hợp lý khuyến khích các doanh nghiệp thu gom và tái chế nguyên liệu giấy đã qua sử dụng nguồn gốc trong nước. Ngăn chặn nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài, tăng cường thu gom và sử dụng nguồn phế liệu trong nước là phù hợp với định hướng phát triển bền vững, vừa giúp đất nước tiết kiệm chi phí nhập khẩu nguyên liệu và xử lý rác thải, vừa ngăn ngừa nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới.

    Theo TS. Lê Hoàng Lan – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

    (Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2018)

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img