Một công nghệ mới được phát triển nhằm theo dõi tình trạng hô hấp của phổi, thiết kế được dành cho những bệnh nhân bị ảnh hưởng phổi, khó thở sau khi nhiễm Covid-19.
Thông thường, chức năng phổi của những bệnh nhân có vấn đề về hô hấp được theo dõi qua ống nghe, khi đến phòng khám. Tuy nhiên, các nhà khoa học mới đây đang cho thử nghiệm một chiếc áo có thể thực hiện công việc tương tự suốt cả ngày, cho dù người mặc đi đâu.
Chiếc áo có tên là Pneumo.Vest, thiết bị đeo được đang được phát triển như một phần của dự án M³ Infekt, liên quan đến nhóm nghiên cứu Fraunhofer của Đức. Công nghệ này hiện chủ yếu phục vụ cho những bệnh nhân mắc Covid-19 và hậu Covid-19 trong tình trạng khó thở, phổi có tổn thương, mặc dù áo cũng có thể được áp dụng cho các tình trạng hô hấp khác.
Pneumo.Vest chiếc áo gắn cảm biến có thể theo dõi tình trạng phổi trên cơ thể người
Cả hai mặt trước và sau của áo đều được kết hợp lắp đặt nhiều cảm biến âm thanh piezoceramic, có thể phát hiện riêng lẻ những tiếng động dù là nhỏ nhất do phổi tạo ra hay trong từng nhịp thở. Mỗi cảm biến (liên quan đến phổi) đều được thiết kế, ghi nhận theo dõi cũng như xác định ra từng nhịp đập của phổi.
Phần mềm tùy chỉnh sẽ ghi lại và phân tích tất cả các kết quả đọc của cảm biến, đồng thời tiến hành tạo ra hình ảnh phổi trong đó các khu vực có vấn đề được đánh dấu màu đỏ để báo hiệu cho người bệnh biết vùng bị tổn thương và các bác sĩ có thể theo dõi, xây dựng phác đồ điều trị dễ dàng hơn. Hình ảnh đó có thể được xem trên thiết bị di động được liên kết và thậm chí có thể được truy cập từ xa thông qua một máy chủ bảo mật trên mạng internet. Điều này có nghĩa là bệnh nhân có thể được theo dõi khi ở trong nhà của họ, trong một thời gian dài. Qua đó họ có thể tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại và điều trị bệnh. Chỉ khi xảy ra các biến động bất thường, họ cũng có thể lập tức phản ứng và nhờ sự trợ giúp từ các bác sĩ.
Hình ảnh mô phỏng cảm biến phổi
Giám đốc dự án, ông Ralf Schallert cho biết: “Pneumo.Vest không phải là giải pháp công nghệ hiện đại khiến ống nghe trở thành dụng cụ thừa, không còn hữu dụng và càng không thay thế kỹ năng của các chuyên gia về hình ảnh có kinh nghiệm đọc kết quả chụp X-quang. “Tuy nhiên, việc nghe tim mạch, phổi, hô hấp hoặc thậm chí chụp CT phổi chỉ cho thấy ảnh chụp nhanh tại thời điểm kiểm tra mà chưa thể đáp ứng nhu cầu theo dõi lâu dài, hay bất kì khi nào bệnh nhân muốn biết tình trạng của mình, hay xảy ra bất kì chuyển biến xấu nào. Công nghệ của chúng tôi đáp ứng được nhu cầu này vì nó cho phép theo dõi phổi liên tục.”
Bảo Linh (t/h)
https://vietq.vn/phat-trien-ao-bao-ve-cam-bien-giup-theo-doi-tinh-trang-ho-hap-phoi-d202794.html