19 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng Một 3, 2025
More
    HomeCông nghệ sạchPhần Lan hiến kế biến rác thải thành năng lượng sạch cho...

    Phần Lan hiến kế biến rác thải thành năng lượng sạch cho Việt Nam

    Date:

    Related stories

    Theo đánh giá của đại diện đến từ Phần Lan, Việt Nam hoàn toàn có thể biến rác thải, phế liệu thành năng lượng sạch phục vụ cho lưới điện quốc gia, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường và phát triển một cách bền vững.

    Rác thải cũng là tài nguyên quý

    Ngày 16/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phần Lan đã dẫn đầu phái đoàn 20 công ty chia sẻ những kinh nghiệm về công nghệ tái tạo năng lượng từ rác thải cho Việt Nam.

    Ông Mika Lintila – Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phần Lan cho biết, là một trong những quốc gia xanh nhất thế giới với 40% năng lượng được sản xuất từ nhiên liệu tái tạo rác thải, sinh khối, thủy điện… Mục tiêu của Phần Lan đến năm 2030, không sử dụng than đá để sản xuất ra điện mà sử dụng hoàn toàn từ rác thải. Do đó, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, các doanh nghiệp Phần Lan sẽ chia sẻ những bí quyết công nghệ và chuyên môn trong ngành công nghệ năng lượng thông minh và số hóa giúp Việt Nam tìm thấy được các giải pháp để phát triển kinh tế xã hội bền vững.

    Ông Saku Liuksia, Giám đốc Chương trình Xử lý Rác thải thành Năng lượng và Năng lượng Sinh học của Business Filand cho biết, hiện nay, nhu cầu sử dụng năng lượng sạch tại Việt Nam đang tăng cao. Do đó, phương pháp xử lý rác thải từ sinh hoạt, nông nghiệp hay công nghiệp cũng trở nên quan trọng.

    Số liệu thực tế mới nhất cho thấy, Việt Nam có khoảng 93 triệu dân, trong đó trung bình mỗi người thải ra 1,2kg chất thải rắn mỗi ngày và khoảng 16% trong số đó là rác thải nhựa, phần lớn số rác thải này sẽ bị trôi ra sông và biển.

    “Rác thải là các tài nguyên vô cùng quý giá nếu biết tái chế. Tuy nhiên, nó cũng là gánh nặng với môi trường nếu không biết cách xử lý”, ông Saku Liuksia chia sẻ.

    Tại buổi gặp, đại diện các công ty Phần Lan cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm về biến rác thải thành năng lượng sạch cho Việt Nam.

    Bà Minna Vilkuna, đại diện Cty BMH (BMH Technology Oy) cho biết, tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa đang trong giai đoạn phát triển nhanh dẫn đến tình trạng chất thải rắn đô thị gia tăng đáng kể. Theo đó, ước tính có đến 76-82 % chất rắn thải đô thị được thu gom và xử lý tại các bãi rác bằng cách chôn lấp, con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

    Theo ông Juha Soumi, Giám đốc khu vực Châu Á Cty Fortum, việc một số quốc gia đang thắt chặt chính sách nhập khẩu phế liệu, trong đó có Trung Quốc đã vô tình khiến Việt Nam trở thành bãi đáp của hàng nghìn tấn phế liệu.

    “Thay vì chiếm phần lớn không gian tại các cảng biển chính trên cả nước, các loại rác thải này có thể được biến đổi thành điện năng để phục vụ nhu cầu điện của người dân và doanh nghiệp trong nước”.

    Việt Nam có thể biến rác thải, phế liệu thành năng lượng sạch

    Theo đánh giá của đại diện đến từ Phần Lan, Việt Nam hoàn toàn có thể biến rác thải, phế liệu thành năng lượng sạch phục vụ cho lưới điện quốc gia, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường và phát triển một cách bền vững.

    Theo bà Minna Vilkuna , với công nghệ TY-RANNOSAURUS có thể biến chất thải rắn, không nguy hại thành nhiên liệu thu hồi dạng rắn (SRF). Loại nhiên liệu này có thể dùng để thay thế than, dầu dùng trong máy phát điện hơn nước và lò nung xi măng….

    Sản xuất SRF từ rác thải của địa phương và đốt trong lò hơi công nghệ CFB (Circulating Fluidized Bed) hiện đại có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế và môi trường, không còn chất thải đốt, giảm khí CO2, phát điện với lượng khí thải rất thấp với hiệu suất nhiệt và điện cao, thu hồi các kim loại tái chế trước khi đốt, giảm lượng tro bay và tro đáy.

    Ông Juha Soumi cho biết thêm, tại Việt Nam không chỉ chất thải rắn đô thị, mà việc sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp như tre, sắn, dừa, cà phê, gạo, mía, gỗ… cũng đang tạo ra phần lớn các chất thải nguy hại. Tuy nhiên, theo ông Juha, tất cả các loại chất thải này đều có thể tái sử dụng để biến đổi thành năng lượng sạch.

    Dẫn chứng từ các thị trường của công ty Fortum, ông Juha Soumi cho biết, có khoảng 61 % sản lượng điện sản xuất từ rác thải không thải ra CO2. Lĩnh vực này có thể trở thành một ngành kinh tế mới, khi trong năm 2017, doanh thu của Fortum đạt 4,5 tỷ Euro, trong đó lợi nhuận là 0,8 tỷ Euro.

    Trong lĩnh vực lâm nghiệp, ông Jussi Rasinmaki, Giám đốc Simosol Oy cho biết, Việt Nam có thể ứng dụng công nghệ thông tin để lập bản đồ, kế hoạch sử dụng bền vững và theo dõi các thay đổi tài nguyên rừng nhằm tối ưu hóa hoạt động trồng rừng và chuỗi cung ứng gỗ.

    Thực tế, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp của Phần Lan đầu tư, triển khai các dự án trong lĩnh vực này tại Việt Nam và đã có những tiến triển khả quan.

    Đơn cử, dự án lớn nhất với nhà máy xử lý bãi rác trị giá 6 triệu Euro đang được xây dựng ở vùng ngoại thành TP.HCM, với mục tiêu chuyển hóa 35.000 tấn chất thải thành năng lượng.

    Cách đây gần 1 năm, 1 công ty của Phần Lan thực hiện dự án tổng thể biến đổi rác thành năng lượng tại Bình Dương. Theo đó, Dự án này sẽ thu hồi khí từ bãi rác và xử lý cung cấp khí sinh học cho nhà máy điện có công suất 1,6 MW.

    Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp Phần Lan, một thách thức đang đặt ra với rác thải ở Việt Nam là chưa được phân loại khiến việc xử lý rác khó khăn hơn. Bên cạnh đó, tại các thành phố lớn, thường có sự trợ giá về giá điện, kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp thu từ người mang rác thải đến nhà máy xử lý… Do đó, cần nghiên cứu kỹ pháp lý và động lực kinh tế để việc đầu tư công nghệ để biến rác thải thành điện năng không trở nên quá đắt đỏ so với điều kiện Việt Nam.

    Theo Tienphong/moitruong.com.vn (17/10/2018)

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img