Nghiên cứu cho thấy ô nhiễm ánh sáng đã gia tăng trên toàn thế giới do sự xuất hiện của các loại đèn LED siêu tiết kiệm điện.
Nhưng vấn đề lại không nằm ở những chiếc đèn LED. Trên thực tế, thế giới đang ngày một sáng hơn nhờ hệ thống đèn LED chiếu sáng ở những nơi mà trước đó chưa có ánh sáng.
Ô nhiễm ánh sáng là gì?
Ô nhiễm ánh sáng (light pollution, photopollution) là sử dụng không đúng hoặc quá mức ánh sáng nhân tạo (anthropogenic light) đặc biệt về đêm. Do đó, ô nhiễm ánh sáng thường là hệ quả của lối sống văn minh, nền công nghiệp hiện đại, quá trình đô thị hóa ào ạt….
Có nhiều loại ánh sáng gây ô nhiễm như: (1) Chói sáng, độ sáng quá mức gây khó chịu thị giác; (2) Quầng sáng (skyglow) vùng sáng của bầu trời đêm trên khu vực có người ở; (3) Tia sáng (light trespas) ánh sáng xuyên vào không chủ định, không cần thiết; và (4) Cụm sáng là các nhóm ánh sáng sáng không có ích.
Ánh sáng nhân tạo xuất hiện ngày một nhiều
Thế giới đang bị ô nhiễm ánh sáng là bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances cho biết ánh sáng nhân tạo đã tăng trưởng với tốc độ 2,2% mỗi năm tính từ năm 2012 đến 2016 – Theo Viettimes.
“Mặc dù có một vài ngoại lệ, nhưng tốc độ tăng trưởng ánh sáng đã diễn ra ở khắp Nam Mỹ, châu Phi và châu Á”. Nghiên cứu của các nhà khoa học đã được thực hiện thông qua các thiết bị đo đặc biệt được gắn trên vệ tinh.
“Ánh sáng đã xuất hiện nhiều hơn, từ những con đường để đạp xe qua công viên, đến những cung đường ngoại vi mà trước đó chưa bao giờ được chiếu sáng”, nhà vật lý và tác giả chính của nghiên cứu, ông Chris Kyba cho biết.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận một vài sự sụt giảm ánh sáng hiếm hoi ở các vùng chiến sự như Syria và Yemen, trong khi Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ là những khu vực sáng nhất thế giới.
Việc ánh sáng nhân tạo xuất hiện ngày một nhiều sẽ tác động xấu đến môi trường. Ánh sáng đèn LED ảnh hưởng đến động vật, thực vật và vi sinh vật vào ban đêm, và nó cũng bị nghi ngờ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Nghiên cứu trên cho biết: “Ánh sáng ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của chúng ta, ảnh hưởng tới giấc ngủ. Sự thiếu ngủ sẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, cao huyết áp và trầm cảm”.
Ông Franz Holker, đồng tác giả của nghiên cứu nói rằng rất nhiều người đã sử dụng ánh sáng vào ban đêm mà không biết được tác động xấu của nó. Holker nói rằng nghiên cứu nói trên đã giúp ông thay đổi cách sử dụng ánh sáng vào ban đêm.
Phá vỡ hệ sinh thái
Nhịp sinh học bình thường được hình thành qua sự phối hợp với chu kỳ sáng-tối tự nhiên, do đó sự phá vỡ mô hình này ảnh hưởng đến động sinh thái (ecological dynamics). Do đó, ánh sáng nhân tạo, được dùng để chiếu sáng ban đêm, cũng là nguyên nhân quan trọng gây xáo trộn hệ sinh thái.
Ô nhiễm ánh sáng, sinh thái bị ô nhiễm ánh sáng, gây nhiều rối loạn như các động vật hoang dã về đêm di chuyển nhầm lẫn, khó kiếm được mồi, kiếm bạn tình…; vì sự quá sáng sẽ ức chế phát triển sinh vật phù du ăn tảo bề mặt, tảo sẽ phát triển quá mức gây hiện tượng “tảo nở hoa” giết chết các loài thực vật khác; nhiều loại cây như lúa sẽ không ra hoa trổ hạt vì ánh đèn điện cao áp; các loại hoa ban đêm khó được sâu bướm thụ phấn….
Theo moitruong.com.vn