Những thói quen xấu tưởng chừng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe lại có thể dẫn đến nguy cơ suy thận.

Trung tâm Thận quốc gia Mỹ cho rằng: Nếu thận không thể loại bỏ các chất thải trong máu, sự tích tụ độc tố có thể gây phát ban, ngứa và nhiều hệ quả trầm trọng như: Đi tiểu nhiều về đêm, sưng phù hoặc tăng cân, rối loạn nhịp tim, huyết áp cao, đau thắt lưng và mạn sườn,…

Ngoài chức năng đào thải độc tố và lọc máu thì thận còn giữ chức năng điều hòa hormone sinh dục. Vì thế, thận yếu có thể khiến sức khỏe suy giảm và ảnh hưởng đến chức năng sinh lý. So với nữ thì tác hại của thận yếu đến chức năng sinh lý nam sẽ nặng nề hơn.

Nhiều người không biết rằng nguyên nhân gây ra căn bệnh này có thể đến từ những thói quen xấu tưởng chừng đơn giản. Tuy nhiên, về lâu dài chúng sẽ khiến thận yếu, suy giảm chức năng.

Uống ít nước


Uống đủ nước mỗi ngày để thận khỏe mạnh. Ảnh minh họa

Chức năng chính của thận là loại bỏ chất thải từ quá trình trao đổi chất khỏi cơ thể và điều chỉnh việc sản xuất các tế bào hồng cầu. Để làm điều này, thận cần nước và đúng hơn là cần một lượng nước nhất định. Khi không uống đủ nước, máu sẽ bị cô đặc và lưu lượng máu đến thận ít hơn. Do đó, việc này cản trở thận loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, dẫn đến rất nhiều vấn đề không tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, hãy nhớ rằng uống quá nhiều nước cũng không tốt cho thận. Do đó, nên tránh uống quá nhiều nước. Sự cân bằng lượng nước cung cấp cho cơ thể là chìa khóa để bảo vệ thận.

Nhịn tiểu

Nhiều người thường có thói quen nhịn đi tiểu vì quá bận rộn hoặc muốn tránh sử dụng phòng vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, nhịn tiểu thường xuyên có thể làm thận bị hư hại vì sẽ làm tăng áp lực nước tiểu trong thận, dẫn đến xuất hiện các biến chứng ở đường tiết niệu, suy thận hoặc sỏi thận.

Ăn mặn hoặc ăn uống nhiều đồ ngọt

Ăn thức ăn chứa nhiều muối sẽ khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Nếu đã bị bệnh thận mà bệnh nhân vẫn sử dụng đồ ăn mặn bệnh sẽ ngày càng nặng. Ngược lại, nếu giảm lượng muối thì chức năng thận sẽ được cải thiện tốt hơn. Ngoài ra, muối cũng là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh như sỏi thận, thận nhiễm mỡ,…

Đường là tác nhân gây béo phì, làm tăng nguy cơ phát triển huyết áp cao và tiểu đường – là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thận.

Lạm dụng thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau được sử dụng để giúp giải quyết rất nhiều vấn đề nhưng uống quá nhiều có thể làm hỏng thận. Các loại thuốc như Aspirin làm giảm lưu lượng máu đến thận. Những loại thuốc này cũng độc hại trực tiếp đến mô thận, làm hỏng chức năng của nó. Mỗi năm, 3-5% trường hợp suy thận mới là do sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau này.

Hút thuốc lá

Thuốc lá không chỉ gây ra các bệnh về đường hô hấp, tăng nguy cơ mắc ung thư, mà còn ảnh hưởng đến mạch máu và cản trở sự lưu thông máu đến các cơ quan khác. Khi sự lưu thông máu đến thận bị ảnh hưởng, chức năng của thận có xu hướng bị ảnh hưởng.

Thu Phương (T/h)
https://vietq.vn/nhung-thoi-quen-xau-co-the-gay-ra-suy-than-d197322.html