Nhiều vụ nổ lốp xe khi đang bơm gây nguy hiểm cho thợ và những người xung quanh. Không nên chủ quan những công đoạn dù là nhỏ nhất để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Theo giảng viên Trịnh Đình Chung, Trưởng khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, việc lốp ô tô bị nổ khi bơm có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chính vẫn là bơm quá áp suất.
“Tùy từng loại xe sẽ có quy định về áp suất khác nhau nếu bơm quá áp suất thì lốp xe sẽ nổ. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa đó là lốp xe kém chất lượng cũng rất dễ gây nổ khi bơm”, ông Trịnh Đình Chung cho biết.
Những lưu ý đảm bảo khi bơm hơi xe
Không bơm lốp quá căng hoặc quá non: Vào những ngày nắng nóng, không nên bơm lốp quá căng khi di chuyển vì có thể gây ảnh hưởng xấu đến lốp xe. Nhiệt độ đường quá lớn và lực ma sát lớn sẽ làm lốp nóng lên nhanh. Việc này tạo áp suất lớn hơn ảnh hưởng trực tiếp lên lốp. Nếu lốp còn mới, xe có thể di chuyển bình thường. Nhưng nếu lốp cũ, lốp xe có thể bị nổ.
Trong khi đó, lốp quá non cũng ảnh hưởng không tốt khi làm tăng bề mặt tiếp xúc với mặt đường và tăng độ ma sát. Động cơ xe phải hoạt động nhiều hơn làm hao tốn nhiên liệu và gây biến dạng lốp.
Kiểm tra áp suất lốp thường xuyên: Hầu hết người dùng thường bỏ qua bước kiểm tra áp suất lốp xe khi tiến hành bảo dưỡng. Tuy nhiên, công đoạn này rất quan trọng bởi nó đảm bảo việc lưu thông an toàn và tiết kiệm nhiên liệu tối ưu. Theo chuyên gia, nên kiểm tra áp suất lốp xe 1 lần/tháng và tăng tần suất lên thường xuyên nếu xe di chuyển hành trình dài.
Thông qua phần giấy hướng dẫn dán trên phần khung cửa ở ghế lái, người điều khiển có thể biết được thông số áp suất lốp tiêu chuẩn.
Một chiếc lốp thông thường có áp suất nằm trong khoảng từ 20 – 40 Psi mà phổ biến nhất là khoảng 30 Psi. Ngoài ra, một đơn vị khác cũng được sử dụng để đo áp suất lốp là Bar – đây là áp suất khí quyển ở mực nước biển. Áp suất thông thường của lốp xe là 2,1 Bar (tương đương 30 Psi).
Sử dụng đồng hồ đo áp suất lốp chuẩn: Sử dụng đồng hồ áp suất lốp không chuẩn sẽ dẫn đến kết quả đo áp suất lốp sai lệch. Đây là nguyên nhân dẫn đến những tình huống nguy hiểm. Vì vậy, việc trang bị một chiếc đồng hồ áp suất chất lượng cao rất cần thiết.
Trên thực tế, rất ít người sử dụng dụng cụ này. Thay vào đó, nhiều người dùng tay để cảm nhận thêm độ mềm và quyết định khi nào cần bơm lốp xe. Việc này hoàn toàn không tốt. Bởi sử dụng tay để cảm nhận được độ non của lốp là khi lốp đã thực sự quá mềm hơn mức quy định mới cảm nhận được.
Chú ý thời gian bơm hơi xe: “Bao lâu nên bơm lốp xe hơi?” là một câu hỏi được nhiều người quan tâm. Các tài xế có nhiều kinh nghiệm cho biết, thời gian bơm lốp xe hơi chỉ nên khoảng 4 tháng/lần nếu lốp mới và 2 tháng/lần nếu đó là lốp cũ. Ở tần suất bơm lốp này, bạn sẽ không phải lo lắng về việc lốp bị non.
Với lốp xe ô tô được bơm chuẩn, bề mặt tiếp xúc giữa lốp xe và mặt đường sẽ đồng đều, giúp tiết kiệm tối đa nhiên liệu mà xe cần tiêu thụ. Không những vậy, việc bơm lốp xe đúng quy chuẩn giúp người lái xe có thể ôm cua ổn định hơn, quãng đường phanh xe cũng được giảm xuống mức thấp nhất có thể.
Các bước bơm xe đúng cách tại nhà
Bước 1: Đặt phụ kiện bơm xe ở một vị trí thông thoáng và cố định. Người bơm xe cần phải đứng thẳng hàng với mặt lốp và cách một khoảng 3m để tránh những rủi ro không may xảy ra.
Bước 2: Bơm tới áp suất 1,5 kgf/cm2 rồi tiến hành kiểm tra tổng quát lốp xe. Nếu như có chỗ bị rách, biến dạng hoặc nghi ngờ hỏng, người bơm xe cần tháo lốp và mang đến gara/trung tâm bảo dưỡng để kiểm tra.
Bước 3: Để biết bơm lốp xe ô tô bao nhiêu là đủ, người dùng hãy nhìn vào áp suất khuyến cáo được ghi trên lốp xe của nhà sản xuất để tiếp tục bơm tới mức đó. Người bơm có thể sử dụng máy bơm ô tô mini có đồng hồ để theo dõi và duy trì áp suất trong lốp.
Ngoài ra ở trên mỗi lốp xe đều ghi các thông số tiêu chuẩn được nhà cung cấp khuyến cáo. Hiểu rõ các cách đọc thông số lốp xe ô tô giúp chủ phương tiện biết được mức độ bơm xe an toàn.
Trong đó
P: là ký hiệu dành cho các loại xe chở khách như xe 5 chỗ và xe 7 chỗ. Ngoài ra còn có LT là lốp xe bán tải và T là lốp thay thế tạm thời.
215: chiều rộng của lốp xe, cũng chính là mặt tiếp xúc của lốp xe với mặt đường.
55: đại diện cho tỷ lệ độ dày thành lốp và độ rộng bề mặt lốp
R: Thể hiện cấu trúc Radial của lốp xe. Ngoài ra, còn có những loại cấu trúc hiếm trên thị trường như B, D, hoặc E.
17: Đây là đại diện cho đường kính lazang.
93V: Số hiệu tải trọng và tốc độ tối đa cho phép, nếu chạy vượt ngưỡng thì hoàn toàn có thể xảy ra nổ lốp.
M + S: có nghĩa là lốp xe đạt yêu cầu tối thiểu khi đi trên mặt đường lầy lội hoặc phủ tuyết.
Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/nhung-luu-y-khi-bom-lop-xe-o-to-tranh-xay-ra-nhung-tai-nan-dang-tiec-d215763.html