Ngày nay, lò vi sóng dường như đã trở thành thiết bị nhà bếp không thể thiếu. Tuy nhiên khi sử dụng sản phẩm này cần lưu ý tới tiêu chuẩn an toàn để tránh rủi ro.

Lò vi sóng là thiết bị hiện đại nên nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ra những tai nạn đáng tiếc. Sau đây là những lưu ý an toàn khi sử dụng lò vi sóng.

Cửa lò phải được đóng kín khi sử dụng

Cửa lò phải được đảm bảo đóng kín, không bị kẹt vật gì ngay cửa để hơi nóng không bị thoát ra ngoài. Nếu không có hiểu biết nhiều về kỹ thuật lò vi sóng thì không nên tự ý tháo cửa lò, bảng điều khiển hoặc tự ý sửa chữa thiết bị. Khi lắp đặt lò vi sóng phải tuân theo trình tự của phiếu hướng dẫn sử dụng đi kèm.

Nên sử dụng các chất tẩy rửa tự nhiên hoặc nước để vệ sinh lò. Việc sử dụng hóa chất có thể khiến lò vi sóng bị ăn mòn, lâu dần gây hỏng thiết bị. Chỉ sử dụng lò vi sóng cho việc nấu ăn trong gia đình, không nên sử dụng cho các mục đích khác như sấy khăn vải…Không để lò hoạt động khi trong lò không có thức ăn. Lò vi sóng cần được đặt ở nơi khô thoáng, tránh nước. Ngoài ra, trong quá trình nấu cũng cần tránh xa tầm tay trẻ em.


Dùng lò vi sóng cần lưu ý để đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa

Các vật dụng nấu sử dụng với lò vi sóng

Khi nấu ăn bằng lò vi sóng có thể sử dụng các vật đựng thức ăn bằng sứ và thủy tinh chịu nhiệt. Không nên sử dụng các vật nhựa hoặc kim loại vì chúng sẽ hấp thụ các chất không tốt cho thức ăn và thậm chí gây cháy nổ trong lò. Cũng không nên sử dụng các vật đựng plastic để đựng các thức ăn có hàm lượng đường và mỡ cao vì nó có thể khiến plastic bị tan chảy. Khi sử dụng các vật dụng ở miệng hẹp như chai, lọ cần cẩn thận khi mở nắp nếu không muốn hơi nóng làm bỏng mặt.

Có một cách có thể giúp kiểm tra vật đựng có phù hợp với lò vi sóng không đó là: Cho vật dụng đó vào cùng với một cốc nước. Sau đó bật lò hoạt động ở công suất 750W trong 1 phút. Nếu thấy vật dụng đó bị nóng thì không nên sử dụng chúng khi nấu thức ăn.

Lưu ý khi nướng với lò vi sóng

Trong quá trình nướng tuyệt đối không được cố mở cửa lò vì có thể sẽ bị dầu nóng bắn vào người, cũng không được chạm tay vào cửa kính của lò vì nhiệt độ của nó lúc này đang rất cao. Khi thức ăn chín cũng phải dùng găng tay lấy thức ăn ra nếu không sẽ dễ bị bỏng. Sau khi nướng xong cũng không được lấy đĩa quay của lò đem ngâm nước lạnh để nhanh nguội. Trong quá trình nướng với nhiệt độ cao không nên để các vật dụng trên nóc lò vì nhiệt độ cao có thể khiến các vật dụng đó bị cháy hay hỏng.

Đảm bảo an toàn cho thực phẩm khi nấu trong lò vi sóng

Không nên để thực phẩm trong hộp và cho vào lò vi sóng để nấu vì chúng sẽ gây ra những chất không có lợi cho sức khỏe. Tốt nhất nên bỏ chúng ra dĩa. Không nên rán những món ăn nhiều mỡ trong lò để đảm bảo độ an toàn cho lò vi sóng. Đối với những thức ăn kín hoặc có vỏ bọc nên cắt chúng ra hoặc dùng tăm đâm những lỗ nhỏ vào thức ăn để chúng không bị nổ trong quá trình chế biến. Không nên để thức ăn nguyên gói rồi cho vào lò.

Không sử dụng đồ kim loại và giấy

Không sử dụng bất kỳ đồ đựng/đồ dùng bằng kim loại nào hoặc bất kỳ dụng cụ nấu nướng nào có tay cầm hoặc viền kim loại với lò vi sóng vì sẽ có hai trường hợp xảy ra:

Nếu để thực phẩm bên trong đồ dùng kim loại dày thì thực phẩm sẽ không được làm nóng. Các vật dụng kim loại dày sẽ như một tấm gương phản xạ lại sóng viba của lò chính vì vậy thức ăn bên trong sẽ không được làm nóng như bạn mong muốn. Nguy hiểm hơn nữa nếu bên trong lò là kim loại mỏng, khi hoạt động bên trong khoang lò tạo ra một dòng điện dẫn trong kim loại và chúng có thể bị áp đảo bởi dòng điện dẫn bên trong và bị nóng lên đột ngột, khả năng gây cháy rất cao. Tuyệt đối không sử dụng lò để làm nóng các món ăn đựng bên trong cốc giấy hoặc đồ dùng bằng giấy dùng một lần.

Lò vi sóng là một sản phẩm nằm trong danh mục các thiết bị điện và điện tử phải bảo đảm yêu cầu về an toàn theo QCVN 4:2009/BKHCN cho nên việc Công bố chứng nhận hợp quy lò vi sóng là việc làm mang tính chất bắt buộc. Theo quy định thực hiện chứng nhận hợp quy thiết bị điện – điện tử thì việc Công bố chứng nhận hợp quy lò vi sóng cần thực hiện như sau:

Về yêu cầu an toàn: Lò vi sóng phải phù hợp với quy định tại TCVN 5699-2-25:2007 (IEC 60335-2-25: 2005) Thiết bị điện gia dụng và thiết bị điện tương tự. An toàn. Phần 2-25: Yêu cầu cụ thể đối với lò vi sóng, lò vi sóng kết hợp.

Đơn vị sẽ tiến hành thử nghiệm mẫu và đánh giá hợp quy theo phương thức 5 đối với hàng sản xuất (chứng nhận có hiệu lực 3 năm) và theo phương thức 7 đối với hàng nhập khẩu (chứng nhận có hiệu lực với lô hàng).

Không dùng với thức ăn dễ cháy

Không hâm nóng hoặc nấu bất kỳ đồ ăn và đồ uống nào có bản chất dễ cháy như các loại hạt, chà bông, pho mát, đồ chiên,…. Làm nóng các thực phẩm như vậy có thể gây cháy hoặc nổ bên trong lò vi sóng.

Không đậy kín thức ăn và đồ uống

Không hâm nóng các loại thực phẩm được đóng gói kín, làm nóng những vật dụng như vậy có thể dẫn đến nổ bên trong lò vi sóng. Với những thực phẩm này trước tiên bạn cần lấy thực phẩm ra khỏi gói kín và sau đó hâm nóng trong đĩa hoặc dụng cụ có thể sử dụng trong lò vi ba.

Đặt lò vi sóng cách xa các nguồn nhiệt trong nhà bếp

Toàn bộ lò vi sóng đều được làm từ lá kim loại có khả năng hấp thụ nhiệt tốt chính vì thế bạn nên để lò ở nơi thoáng mát, không để gần nguồn nhiệt như bếp, máy sưởi.

Không che lỗ thông hơi lò vi sóng

Rất nhiều người dùng có thói quen trải khăn, đặt các vật dụng khác bên trên lò vi sóng. Tuy nhiên rất nhiều lò vi sóng được trang bị lỗ thông hơi ở các vị trí này để thiết bị tỏa nhiệt tốt hơn khi hoạt động. Vậy nên nếu đang có thói quen này thì hãy loại bỏ ngay các vật dụng che, chặn lỗ thông hơi của lò vi sóng.

Ngắt nguồn điện khi có sự cố

Nếu thực phẩm hoặc vật liệu bên trong lò bắt lửa, hãy tắt nguồn điện ngay lập tức rồi rút ​​phích cắm của thiết bị và đóng cửa lò rồi mới dập lửa. Tuyệt đối không được dập lửa khi lò còn kết nối với nguồn điện, đây là việc làm nguy hiểm tới tính mạng của người dùng.

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/nhung-luu-y-an-toan-khi-su-dung-lo-vi-song-d216553.html