Việc người dân tự lắp điện mặt trời để dùng còn dư bán lại cho ngành điện đang dần được nhân rộng.

Tốc độ tiêu thụ tăng

Theo đại diện Công ty Solar Bách Khoa – đơn vị hợp tác với Tổng công ty Điện lực TP.HCM trong việc phân phối, lắp đặt hệ thống điện mặt trời tới người dân, thống kê từ tháng 7 đến nay có gần 200 khách hàng liên hệ lắp đặt hệ thống điện mặt trời gói gia đình.

Theo đánh giá của công ty, tỉ lệ người dân chọn lắp đặt pin mặt trời trong vòng 5 tháng như vậy là rất cao, trước đây phải mất hơn 3 năm số lượng khách hàng mới đạt mốc hơn 300 hộ.


Nhân viên bảo trì kiểm tra pin mặt trời cho một hộ dân tại quận Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: LÊ PHAN

Ông Nguyễn Hoàng Gia, tổng giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng TP.HCM, cũng cho hay số lượng khách hàng hiện nay của công ty đã tăng lên khá nhanh.

Không chỉ tại TP.HCM mà còn nhiều khách hàng tại các tỉnh lân cận cũng tìm đến để tư vấn lắp đặt về hệ thống điện mặt trời.

Từ đầu năm đến nay tại TP.HCM có khoảng 30 hộ gia đình, 3 cơ quan nhà nước gồm UBND quận 4, UBND quận 10, UBND quận 8, 1 doanh nghiệp và 3 quán karaoke chọn lắp đặt sử dụng hệ thống điện mặt trời của công ty.

“Sau khi Bộ Công thương có hướng dẫn tạm thời về cách thức tính toán bù trừ điện năng tiêu thụ, thuế và phát hành hóa đơn cho khách hàng đã thu hút nhiều người lắp hệ thống điện mặt trời.

Hiện trong vòng 7 ngày sau khi người dân lắp đặt, phía điện lực sẽ đến hỗ trợ thay thế đồng hồ điện hai chiều, nối điện lên lưới… Ngoài ra đối với khách hàng lắp đặt trước tháng 6-2019 sẽ được mua lại điện với giá 2.086 đồng/kWh” – ông Gia nói.

Theo báo cáo của EVN, tính đến ngày 31-7-2018, các tổng công ty điện lực và công ty điện lực đã ký thực hiện đấu nối, lắp đặt côngtơ hai chiều, xác nhận chỉ số côngtơ và sản lượng điện năng giao nhận với 748 khách hàng đăng ký bán điện mặt trời trên mái nhà với tổng công suất 11,55 MWp.

Tuy nhiên, EVN vẫn chưa thể ký hợp đồng mua bán điện với các khách hàng do quy định hiện hành về chính sách thuế chưa có quy định riêng với mô hình bù trừ điện năng cho điện mặt trời trên mái nhà.

Về việc phát triển điện mặt trời nối lưới tại các hộ dân, một chuyên gia năng lượng tái tạo tại TP.HCM cho rằng nếu nhiều nhà cùng đầu tư hệ thống điện mặt trời kiểu này, không chỉ góp phần làm giảm được phụ tải cho ngành điện mà còn sẽ giảm đáng kể tiền điện sử dụng tại hộ gia đình, có trường hợp có dư điện để bán lại.

Nhiều giải pháp thúc đẩy năng lượng tái tạo

Theo Bộ Công thương, đầu tư điện mặt trời trên mái nhà là một trong những biện pháp đảm bảo cấp điện trong thời gian tới, đặc biệt cho khu vực có nguy cơ thiếu điện tại miền Nam.

Điện sản xuất ra được tiêu thụ tại chỗ, vì vậy việc đầu tư hệ thống điện trên mái nhà sẽ giúp giảm gánh nặng đầu tư lưới điện truyền tải.

Do đó sẽ khuyến khích các khách hàng sử dụng điện (điện sinh hoạt, điện khu công nghiệp, thương mại dịch vụ…) tham gia vào đầu tư cung ứng điện.

Để tháo gỡ khó khăn trong lắp điện mặt trời trên mái nhà, Bộ Công thương cho hay đã phối hợp với Bộ Tài chính, EVN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng đồng ý cho Bộ Công thương áp dụng trình tự thủ tục rút gọn để xây dựng, ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về phát triển điện mặt trời trên mái nhà.

Hiện Bộ Công thương đã gửi dự thảo sửa đổi đến các bộ, ngành xin ý kiến để tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Theo Tuoitre.vn (3/12/2018)