Nếu bạn đang nghĩ bể bơi có chế độ lọc và diệt hết các loại vi khuẩn thì bạn đã nhầm. Bể bơi là nơi ẩn chứa rất nhiều mầm bệnh và khiến chúng có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Trong dịp hè, nhiều bể bơi công cộng, công viên nước, bồn tắm khách sạn có tần suất hoạt động cao, mở cửa tất cả các ngày dấy lên lo ngại lây nhiễm dịch bệnh.

Khi bơi, da của người bơi có thể bị kích ứng do thuốc sát trùng clo trong nước. Khi clo kết hợp với mồ hôi và các chất tiết của người bơi trong nước sẽ sinh ra chất phức hợp có mùi khó chịu, gây kích ứng da, gây ngứa mắt, đỏ mắt. Khi chất này bay hơi lên khỏi mặt nước sẽ gây kích ứng hô hấp như ho, hắt hơi, thở khò khè, có thể kích thích cơn hen phế quản.


Bể bơi công cộng ẩn chứa nhiều nguy cơ lây bệnh. Ảnh minh họa

Cứ thử tưởng tượng, mỗi ngày hàng trăm, đôi khi là hàng nghìn lượt người bơi lội, tắm rửa, kỳ cọ thậm chí có vài người thiếu ý thức còn tiểu tiện ra hồ bơi thì lượng vi khuẩn lây bệnh, ký sinh trùng trong nước sẽ nhiều đến mức nào. Nếu việc quản lý chất lượng nước hồ bơi không nghiêm ngặt, tần suất đo nồng độ clo và pH của nước không tuân thủ quy định có thể khiến mức độ sát trùng của clo kém hiệu quả, khiến cho các loại vi khuẩn, ký sinh trùng sinh sôi trong nước gây bệnh cho người bơi là điều khó tránh.

Và nếu bạn nghĩ ở các bể bơi luôn có cách phòng ngừa những kẻ tiểu tiện lén lút, chẳng hạn như thuốc nhuộm được cho là sẽ khiến nước bể bơi đổi màu nếu ai “tè” vào đó, thì bạn đã nhầm. “Thuốc nhuộm có khả năng đó hoàn toàn là chuyện hoang đường. Nó chỉ nhằm dọa mọi người không nên tiểu tiện trong bể bơi”, một chuyên gia của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết.

Theo CDC, bể bơi khách sạn và bồn tắm nóng liên quan tới 1/3 số đợt bùng phát dịch bệnh do bơi lội trong khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây. Trong thời gian đó, tổng cộng 493 đợt bùng phát do nước khử trùng clo hoặc nước đã qua xử lý. Các đợt bùng phát dẫn tới hơn 27.000 trường hợp mắc bệnh và 8 ca tử vong.

Một loạt các bệnh lây nhiễm có thể xâm nhập và cơ thể qua nước ở bể bơi công cộng như vi khuẩn đường ruột E.coli (gây tiêu chảy), tác nhân thường gặp nhất trong các hồ bơi, nguy cơ viêm ống tai ngoài và tai giữa, các bệnh về da liễu.v.v… Ngoài ra, khi sử dụng nước bể bơi hàng ngày còn khiến da bị khô và tăng tình trạng lão hóa, tăng hắc tố da, đen da ở chị em.

Để phòng bệnh lây nhiễm ở hồ bơi, mỗi người cần áp dụng đồng bộ các biện pháp sau:

– Phải tắm xà phòng kỹ trước và sau khi bơi để tránh lây mầm bệnh xuống hồ bơi và nhiễm bệnh từ hồ bơi
– Bịt tai bằng nút cao su khi bơi để tránh viêm tai ngoài và tai giữa
– Không uống nước hồ bơi khi đang bơi để tránh nuốt mầm bệnh vào miệng
– Tuyệt đối không tiểu tiện, đại tiện, kỳ cọ cơ thể trong hồ bơi, không đi bơi khi đang bị ốm, bị tiêu chảy hay các bệnh khác
– Nên chọn hồ bơi vắng người để đảm bảo vệ sinh

Theo Vietq