Xe điện trong quá trình sạc pin có thể phát sinh ra một số lỗi, khiến xe không vào pin, nóng sạc,… ảnh hưởng đến tuổi thọ, hiệu suất xe, thậm chí có thể gây mất an toàn, cháy nổ.
Xe điện là biểu tượng của sự tiện ích và bảo vệ môi trường, ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai cũng chú ý đến những vấn đề quan trọng liên quan đến quá trình sạc pin, nếu không được giải quyết đúng cách, có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến hiệu suất và an toàn của chiếc xe. Bài viết dưới đây sẽ đi vào chi tiết về những lỗi thường gặp khi sạc xe điện và đưa ra những lời khuyên cần thiết cho người sử dụng.
Những lỗi thường gặp khi sạc xe điện
Dây kết nối giữa pin và xe bị đứt, lỏng đầu kết nối
Đây là nguyên nhân sạc xe điện không vào mà nhiều người dùng không để ý. Người dùng cắm sạc nhưng đèn báo hiệu trên bộ sạc không phát sáng hoặc hệ thống pin không vào điện. Khi gặp trường hợp này, cần tháo pin ra để kiểm tra đầu kết nối, dây điện của xe có bị lỏng hoặc đứt không. Trường hợp dây kết nối lỏng cần gắn chặt lại. Nếu dây kết nối bị đứt, cần mang xe đến trung tâm để được sửa chữa.
Bộ sạc điện bị hỏng
Bộ sạc điện bị hỏng là nguyên nhân phổ biến hay gặp khiến sạc xe điện không vào. Nguyên nhân bị hỏng có thể do chập cháy dây điện bên trong hoặc dây sạc bị đứt dẫn đến sạc không vào điện. Khi gặp trường hợp này, chủ xe cần mang xe đến đại lý ủy quyền hoặc showroom chính hãng để bộ phận kỹ thuật kiểm tra bộ sạc. Nếu bộ sạc hỏng, cần thay thế bằng một bộ sạc chính hãng theo xe để pin không bị chai, phồng.
Pin hỏng, bị kiệt điện
Lỗi này có biểu hiện như sạc điện trong nhiều giờ nhưng pin nóng và chỉ tích được ít điện. Khi nhấn nút nguồn của pin thì dải đèn LED của pin nhấp nháy hoặc không lên đèn. Trường hợp này, chủ xe cần làm theo hướng dẫn kiểm tra pin mà nhà sản xuất đã hướng dẫn để chắc chắn hơn về sự cố về pin, kiểm tra pin có bị phồng, nứt không. Sau đó, hãy mang xe đi sửa chữa, thay thế ở các trung tâm bảo hành uy tín.
Do nhảy aptomat, đứt cầu chì
Aptomat trong xe chuyển trạng thái tắt để bảo vệ cho xe, do điện áp đầu vào không ổn định, bộ sạc hỏng hay trước đó xe chạy quá tải. Với trường hợp này, hãy thử kiểm tra và gạt lại Aptomat xe. Xe lên điện sau khi gạt aptomat, có thể tiếp tục sạc bình thường. Trường hợp aptomat bị nhảy nhiều lần, hãy đưa ra trung tâm bảo hành để được kiểm tra nguyên nhân và sớm khắc phục lỗi. Nếu aptomat không có vấn đề, nhưng sạc vẫn không vào điện, nên kiểm tra cầu chì. Cầu chì thường được lắp trong ắc quy xe, có thể tháo vị trí có cầu chì để kiểm tra xem chúng có bị đứt hay không. Nếu cầu chì bị đứt, cần mang xe đến hãng để bảo hành và nhờ kỹ thuật viên xử lý sự cố.
Một số lưu ý khi sạc xe điện tại nhà
Đừng để pin xe điện về mức 0
Hãy nhớ quy tắc này đối với bất kỳ thiết bị điện tử nào, bao gồm điện thoại, đồng hồ, laptop… và cả xe điện. Việc để pin về mức 0% có thể khiến các tế bào pin bị chết vĩnh viễn, khiến công suất tổng thể của xe giảm đi. Khi nói đến xe điện, pin là bộ phận quan trọng nhất và có giá trị nhất, vì vậy nên cắm sạc khi cảm thấy xe điện có dấu hiệu yếu, hụt hơi chứ không nên để hết kiệt pin.
Sử dụng tính năng sạc nhanh quá thường xuyên
Sự điều độ chính là chìa khóa cho mọi thứ trong cuộc sống và câu nói đó cũng áp dụng cho chiếc xe điện của bạn. Nếu bạn thường xuyên sử dụng các trạm sạc siêu nhanh, pin xe điện sẽ xuống cấp nhanh hơn. Bên cạnh đó, việc sạc nhanh cũng sẽ khiến pin nóng hơn.
Sạc xe điện qua đêm
Mặc dù việc cắm sạc xe điện qua đêm hoàn toàn ổn, nhưng bạn nên tránh để pin ở mức 100% trong nhiều giờ liên tục. Nếu bạn biết xe sẽ đầy pin vào một thời điểm cụ thể, hãy cẩn thận và rút phích cắm khi đến thời điểm đó. Xe điện hiện nay rất thông minh và đủ biết ngừng sạc khi nào, nhưng nó vẫn sẽ truyền điện tới bộ sạc, tạo ra nhiệt và khiến toàn bộ hệ thống cũng như bộ sạc hoạt động nhiều hơn mức cần thiết. Để kéo dài tuổi thọ của pin, hãy tránh sạc xe quá mức hoặc để pin ở mức 100% quá lâu.
Kiểm tra định kỳ và bảo quản phụ kiện sạc
Ngoài ra kiểm tra, đảm bảo súng sạc, phích cắm, cáp và hộp điều khiển không có dấu hiệu bất thường như xước, gỉ sét, nứt, vỡ… Tuyệt đối không sử dụng nếu ổ cắm bị hỏng, gỉ sét, nứt vỡ hoặc kết nối lỏng lẻo nhằm tránh hiện tượng chập, cháy, ảnh hưởng đến tuổi thọ của ổ cắm, ắc quy xe. Lưu ý lau thiết bị bằng vải khô, mềm. Không nhúng thiết bị sạc vào nước, tránh để đầu súng sạc tiếp xúc với hơi ẩm, nước đá và các chất lỏng khác. Tránh làm sạch bằng các chất tẩy rửa, dung môi như rượu, xăng, axeton, các chất dễ gây ăn mòn, cháy nổ. Cần bố trí dây sạc, ổ cắm cách xa nơi đông người qua lại, tích hợp với lưới điện có nối đất thích hợp. Đồng thời, lựa chọn vị trí đặt dây cáp phù hợp, nên lựa chọn bề mặt nhẵn, không có vật sắc nhọn như mảnh kính, kim loại…
Mỗi chiếc xe điện là một đầu tư đáng kể, và việc duy trì và sử dụng chúng đúng cách là quan trọng để bảo vệ tài sản và đảm bảo an toàn. Những thông tin trên không chỉ giúp bạn tránh những vấn đề khi sạc xe điện mà còn giúp tối ưu hóa hiệu suất và tuổi thọ của chiếc xe, mang lại trải nghiệm lái xe tốt nhất cho người lái.
Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/dung-bo-qua-nhung-loi-nay-khi-sac-xe-dien-tai-nha-d216785.html