Một nhóm các bác sĩ nhi khoa hàng đầu khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên sử dụng hộp nhựa đựng thức ăn cho trẻ bởi chúng có chứa nhiều loại hóa chất độc hại gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.

Theo các chuyên gia, các loại lon, hộp nhựa và thịt chế biến có chứa các hóa chất độc hại có thể xâm nhập vào máu của trẻ, tác động đến các kích thích tố, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Mặc dù các hóa chất như BPA (có tác dụng làm cứng nhựa) và nitrat (thành phần giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn) là một phần của cuộc sống hàng ngày trong nhiều thập kỷ nhưng các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng những chất này không an toàn.

Theo các nhà nghiên cứu, những người có thu nhập thấp, dân tộc thiểu số có xu hướng tiếp xúc với các hóa chất này ở nồng độ cao hơn.


Hộp nhựa đựng thức ăn có chứa nhiều loại hóa chất độc hại gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.

Mặc dù theo các quy định của cơ quan chức năng có khoảng 1.000 loại hóa chất chứa trong thực phẩm và các dụng cụ chứa thực phẩm được dán mác an toàn, tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, ngưỡng an toàn đặt ra vẫn còn cao và có thể gây ảnh hưởng cho trẻ. Một loạt các nghiên cứu gần đây cũng cảnh báo về mức độ tiếp xúc với các hóa chất này, nhưng hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào ảnh hưởng của chúng tới phụ nữ mang thai và thai nhi.

Tiến sĩ Janice Juraska thuộc Đại học Illinois cho biết, cô đã bị “sốc” khi kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ ăn thức ăn đựng trong các hộp nhựa phản ứng chậm hơn.

Một nghiên cứu của Đại học California, San Francisco cũng cho thấy hầu hết phụ nữ có thai có ít nhất 50 hóa chất như BPA, triclosan và parabens trong máu của họ.

Với mỗi báo cáo, các nhà hóa học và nội tiết học cảnh báo rằng việc tiếp xúc với những hóa chất này trong tử cung có thể thay đổi cuộc sống của thai nhi sau này.

Các hóa chất bao gồm: Phthalates: hóa chất được sử dụng nhằm làm cho nhựa dẻo và nước hoa giữ mùi lâu hơn; BPA: hóa chất được sử dụng để làm cho các đồ dùng bằng nhựa cứng hơn; PFCs: được sử dụng sản xuất các dụng cụ chống dính; Perchlorate: được sử dụng trong bao bì thực phẩm bằng nhựa; Nitrat: được sử dụng để bảo quản thực phẩm và duy trì màu sắc của thực phẩm, đặc biệt là trong thịt chế biến.

Các chuyên gia thừa nhận, việc tránh sử dụng các hóa chất này có thể khó khăn nhất là với các hộ gia đình có thu nhập thấp. Các đồ dùng không chứa độc tố như hộp đựng thực phẩm bằng thép hoặc chai thủy tinh tái sử dụng thường có giá cả cao hơn. Thực phẩm tươi sống, hữu cơ không chứa chất bảo quản cũng đắt tiền.

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia đưa ra một số khuyến cáo sau: Ưu tiên tiêu thụ rau quả tươi hoặc đông lạnh; Tránh các loại thịt chế biến, đặc biệt là phụ nữ mang thai; Tránh làm nóng thức ăn hoặc đồ uống bằng lò vi sóng (bao gồm sữa bột cho trẻ sơ sinh và sữa mẹ);Sử dụng các đồ dùng bằng thủy tinh, thép không gỉ thay cho nhựa.

Theo Huy Hoàng/vietq.vn (6/6/2019)