22 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng mười một 3, 2024
More
    HomeCông nghệ sạchNăng lượng tái tạo có mức tăng lớn nhất trong lịch sử

    Năng lượng tái tạo có mức tăng lớn nhất trong lịch sử

    Date:

    Related stories

    Năng lượng tái tạo chiếm 70% tổng công suất phát điện mới trên toàn cầu vào năm 2017. Đây là mức tăng lớn nhất về năng lượng tái tạo trong lịch sử hiện đại, theo Báo cáo Hiện trạng Năng lượng tái tạo toàn cầu 2018 (GSR) của REN21.

    Nhưng trong lĩnh vực sưởi ấm, làm mát và giao thông vận tải – chiếm khoảng 4/5 nhu cầu năng lượng toàn cầu – tiếp tục tụt hậu so với ngành điện. Báo cáo GRS được công bố ngày 04/06/2018, là báo cáo tổng quan hàng năm toàn diện nhất về hiện trạng phát triển năng lượng tái tạo trên toàn thế giới.

    Công suất lắp đặt mới của điện mặt trời (PV) đạt mức kỷ lục: điện mặt trời tăng 29% so với năm 2016, đạt 98 GW. Tổng công suất phát điện bổ sung từ điện mặt trời vào hệ thống điện nhiều hơn so với tổng công suất cộng dồn từ cả ba nguồn than, khí tự nhiên và điện hạt nhân. Điện gió cũng góp phần làm tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo toàn cầu với 52 GW.

    Năng lượng tái tạo chiếm 70% tổng công suất phát điện mới trên toàn cầu vào năm 2017.

    Đầu tư vào công suất lắp đặt điện tái tạo mới gấp đôi so với tổng đầu tư mới cho điện từ cả hai nguồn nhiên liệu hóa thạch và hạt nhân, mặc dù vẫn còn khoản tiền trợ giá lớn cho đầu tư điện nhiên liệu hóa thạch. Hơn 2/3 nguồn đầu tư vào sản xuất điện năm 2017 dồn vàonăng lượng tái tạo nhờ giá thành ngày càng cạnh tranh hơn – và tỷ trọng năng lượng tái tạo trong ngành điện dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

    Đầu tư vào năng lượng tái tạo được tập trung vào một số khu vực: Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ chiếm gần 75% nguồn đầu tư vào năng lượng tái tạo thế giới trong năm 2017. Tuy nhiên, khi tính theo đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP), quần đảo Marshall, Rwanda, quần đảo Solomon, Guinea-Bissau, và nhiều quốc gia đang phát triển khác đang đầu tư ngày càng nhiều vào năng lượng tái tạo hơn cả các nước phát triển và nước có nền kinh tế mới nổi.

    Nhu cầu năng lượng và lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng đều tăng đáng kể lần đầu tiên trong bốn năm. Lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng tăng 1.4%. Nhu cầu năng lượng thế giới tăng khoảng 2.1% trong năm 2017 do sự tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi cũng như việc tăng dân số. Chiều hướng gia tăng năng lượng tái tạo không theo kịp với sự gia tăng nhu cầu năng lượng và việc tiếp tục đầu tư vào năng lượng hóa thạch và hạt nhân.

    Trong ngành điện, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đang được tiến hành nhưng diễn tiến chậm hơn so với khả năng và mong đợi. Cam kết theo thỏa thuận khí hậu Paris 2015 nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức “thấp hơn” 2 độ C so với mức tiền công nghiệp làm rõ hơn thách thức này.

    Nếu thế giới đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris, lĩnh vực sưởi ấm, làm mát hay ngành giao thông vận tải sẽ cần nhanh chóng nối bước ngành điện. Các lĩnh vực này đã ghi nhận:

    Có sự thay đổi nhỏ về ứng dụng năng lượng tái tạo trong sưởi ấm và làm mát: năng lượng tái tạo hiện đại cung cấp khoảng 9% của tổng sản xuất nhiệt toàn cầu năm 2015. Chỉ có 48 quốc gia trên thế giới có các mục tiêu quốc gia về năng lượng tái tạo trong lĩnh vực sưởi ấm và làm mát, trong khi 146 nước có mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo cho ngành điện.

    Sự thay đổi nhỏ đang diễn ra. Tại Ấn Độ, ví dụ như việc lắp đặt các nhà thu nhiệt mặt trời tăng khoảng 25% trong năm 2017 so với năm 2016. Trung Quốc đặt mục tiêu có 2% nhu cầu làm mát của những tòa nhà đến từ năng lượng nhiệt mặt trời vào năm 2020.

    Trong giao thông, tăng cường điện khí hóa đang mang lại nhiều khả năng ứng dụng năng lượng tái tạo cho dù nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm tỷ lệ lớn: Hơn 30 triệu xe điện hai bánh và ba bánh được bổ sung trên thế giới mỗi năm, và 1.2 triệu ô tô điện được bán vào năm 2017, tăng khoảng 58% so với 2016.

    Điện cung cấp 1.3% nhu cầu năng lượng cho giao thông vận tải, trong đó khoảng 1/4 từ nguồn năng lượng tái tạo, và nhiên liệu sinh học cung cấp 2.9%. Tuy nhiên, nhìn chung, 92% nhu cầu năng lượng cho giao thông vận tải được cung cấp bởi dầu mỏ, và chỉ có 42 quốc gia có mục tiêu về sử dụng năng lượng tái tạo trong giao thông.

    Để thay đổi trong những ngành này, cần đưa ra các khung chính sách đúng đắn, thúc đẩy sự đổi mới và phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo ứng dụng cho ba lĩnh vực này.

    Theo Rana Adib, Thư ký điều hành REN21: “Việc đánh đồng “điện” với “năng lượng” dẫn đến tâm lý tự mãn. Chúng ta có thể đang tiến nhanh đến tương lai 100% điện tái tạo, nhưng khi nói đến việc sưởi ấm, làm mát và giao thông vận tải, đáng tiếc, chúng ta chưa có nhiều nỗ lực và lơ là như thể chúng ta còn rất nhiều thời gian”.

    Arthouros Zervos, Giám đốc REN21, bổ sung thêm: “Để chuyển dịch năng lượng diễn ra, cần có quyết tâm chính trị từ các chính phủ – ví dụ như chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và hạt nhân, đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết, và thiết lập mục tiêu và chính sách rõ ràng cho các lĩnh vực sưởi ấm, làm mát và giao thông vận tải. Nếu không có quyết tâm chính trị này, thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn để đạt được những cam kết về khí hậu và phát triển bền vững.”

    Theo moitruong.com.vn

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img