Singapore là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực chế biến nước thải thành nước uống. Hệ thống nhà máy nước quốc doanh của Singapore PUB đã đề ra câu khẩu hiệu “mỗi giọt nước cần phải được sử dụng nhiều hơn một lần”.

Khi nước tái chế mới xuất hiện, ông Goh Chok Tong, khi đó là Thủ tướng, đã dùng trước để nêu gương. Ảnh: IT

Thực tế, 50 năm trước, Singapore đã phải hạn chế dùng nước sạch. Nước từ các con sông thì có mùi và bị tắc nghẽn bởi chất thải từ xưởng đóng tàu, các trang trại lợn và nhà vệ sinh đổ trực tiếp vào dòng chảy.

Từ đó, Singapore đã có chính sách sử dụng nước hoàn toàn mới. Họ thu thập nước mưa từ 2/3 diện tích đất đai, tái chế nước thải thông qua một mạng lưới cống dài 8.000 km, dẫn về 17 hồ chứa, đồng thời thu lại nước đã qua sử dụng từ hệ thống đường hầm thoát nước nằm sâu 60 mét dưới mặt đất.

 
Dự án NEWater thực sự là cứu cánh trong vấn đề nước sạch ở Singapore. Ảnh IT

Năm 2003, dự án NEWater được giới thiệu. Đây là tên của nguồn nước sạch được xử lý và thanh lọc bằng bộ vi lọc, bằng bộ thẩm thấu và được khử trùng bằng tia cực tím.

Hiện, một phần ba lượng nước thải của 5,7 triệu dân Singapore hiện đã được tái chế. Nước thải từ các khu dân cư chảy qua một hệ thống đường ngầm dài 48km đến nhà máy chế biến nước thải. Tại đây, nước được đi qua một màng lọc cực nhỏ (microfilter) và các màng mỏng (membrane) sau đó chiếu tia cực tím.

Hướng dẫn viên ở Trung tâm khách hàng NEWater giới thiệu quá trình này qua sự so sánh như sau: “Ví thử phân tử nước chui qua màng mỏng to bằng quả bóng quần vợt, thì một hormon estrogen to như quả bóng đá, một virus to kềnh như cái xe ô tô tải và một con vi trùng to đùng như toà nhà. Tất cả những thứ đó không thể chui qua những tấm màng mỏng membrane.”

Singapore định hướng dự án NEWater sẽ đáp ứng 55% nhu cầu nước sạch của quốc gia vào năm 2060. Singapore hiện đang xây dựng một nhà máy với chương trình thử nghiệm phương pháp khử muối điện hóa, trong đó sử dụng điện trường để tách muối ra khỏi nước biển.

Theo moitruong.com.vn