Nghiên cứu gần đây của Mỹ cho thấy, phần lớn mực xăm được bán tại đây bị nhiễm bẩn bởi các thành phần không được liệt kê có thể gây tổn thương nội tạng.

Xăm là một nghệ thuật có từ hàng nghìn năm nay. 32% người lớn ở Mỹ có ít nhất 1 hình xăm. Mặc dù vậy, nhiều loại mực xăm ở nước này có chứa những thành phần không được người sử dụng biết.

Nghiên cứu được công bố trên Tập san Analytical Chemistry (Hóa học Phân tích) đã điều tra 9 nhãn hiệu mực xăm phổ biến khác nhau ở Mỹ, từ nhãn hiệu nhỏ đến nhãn hiệu lớn. Nghiên cứu cho biết trong số 54 loại mực của 9 nhãn hiệu này, 45 loại (83%) được phát hiện có chứa “các chất phụ gia và/hoặc chất tạo màu chưa được liệt kê”. Các chất pha trộn chính chưa được liệt kê bao gồm polyethylene glycol, propylene glycol và các ankan cao hơn. Nhiều tạp chất có thể gây ra dị ứng hoặc các nguy cơ sức khỏe khác.

Hơn một nửa số mực xăm có chứa polyethylene glycol không được liệt kê, gây tổn thương các cơ quan nội tạng sau khi tiếp xúc nhiều lần. Mười lăm loại mực có chứa propylene glycol, một chất có khả năng gây dị ứng. Một số loại mực chứa hợp chất gọi là 2-phenoxyethanol gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em đang bú mẹ trong khi các loại mực khác bị nhiễm một loại kháng sinh dùng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nghiên cứu cho biết: “Tổng hợp lại, kết quả từ nghiên cứu này nêu bật khả năng xảy ra vấn đề quan trọng xung quanh việc ghi nhãn mực xăm không chính xác ở Mỹ.”


Xăm hình tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ hóa chất độc hại. (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu không thể xác định liệu các thành phần không được liệt kê có được thêm vào một cách vô ý hay liệu nhà sản xuất đã cung cấp nguyên liệu bị nhiễm bẩn hay không. Người ta cũng không biết liệu nhà sản xuất có dán nhãn mực sai hay không.

Nguy cơ liên quan đến việc xăm thường tập trung vào ung thư da và phản ứng với các sắc tố. Tuy nhiên, chất phụ gia trong mực cũng có thể nguy hiểm, bao gồm ảnh hưởng xấu lên da. Nếu một người có hình xăm bắt đầu gặp phản ứng, các thành phần không được liệt kê có thể gây khó khăn cho việc xác định phản ứng nào đang xảy ra và tại sao nó lại xảy ra.

John Swierk – Giáo sư hóa học tại Binghamton University, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi hy vọng các nhà sản xuất coi đây là cơ hội để đánh giá lại quy trình của họ và các nghệ sĩ cũng như khách hàng coi đây là cơ hội để thúc đẩy việc dán nhãn và sản xuất tốt hơn”.

Tại Việt Nam, xăm hình là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện và mỗi chủ thể khi thực hiện hoạt động này cần được cấp chứng chỉ phun xăm.

Theo quy định tại Điều 37 của Nghị định 109/2016/NĐ-CP, cơ sở dịch vụ xăm hình chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không được sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

Cơ sở vật chất để kinh doanh phun, xăm thẩm mỹ: Có địa điểm kinh doanh cố định và bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn; Thiết bị phun xăm thẩm mỹ phải có đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở kinh doanh và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; Nhân sự để kinh doanh phun xăm thẩm mỹ thì người thực hiện việc xăm, phun không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ xăm hình phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp 4.

Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đủ điều kiện quy định gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở để quản lý trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Văn bản thông báo theo mẫu quy định.

Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/hon-80-muc-xam-chua-cac-chat-co-the-gay-ton-thuong-noi-tang-di-ung-d219869.html