20 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 19, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngMua kim cương cẩn trọng để tránh mua phải hàng "fake"

    Mua kim cương cẩn trọng để tránh mua phải hàng “fake”

    Date:

    Related stories

    Kim cương từ lâu đã là biểu tượng vượt thời gian về vẻ đẹp, đẳng cấp và sự sang trọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia mua kim cương nên cẩn trọng kẻo nhận phải hàng “fake”.

    Dùng giấy kiểm định giả bán kim cương giả

    Thị trường kim cương sử dụng làm đồ trang sức hiện rất phong phú, đáp ứng nhu cầu của người dùng. Các loại kim cương với đủ loại màu sắc, giá thành khác nhau, nhưng nếu không thận trọng, người dùng có thể bị lừa mà không biết.

    GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện Đá Quý, vàng và trang sức Việt cho biết, một trong những chiêu người dùng hay mắc phải khi mua kim cương là giấy kiểm định thật nhưng kim cương giả. Kim cương giả ở đây có thể được hiểu là không đúng với các chỉ tiêu trong giấy kiểm định, có thể là loại thấp cấp hơn, hoặc là kim cương nhân tạo.

    Khác với những viên kim cương tự nhiên phải mất từ 10-20 triệu năm mới hình thành thì chỉ trong vòng 6 tiếng bằng công nghệ hiện đại, các nhà khoa học đã tạo ra được những viên kim cương nhân tạo giống y hệt kim cương tự nhiên cả về màu sắc, độ sáng…Tuy nhiên, so với kim cương tự nhiên, kim cương nhân tạo rẻ gấp nhiều lần. Ví dụ kim cương tự nhiên 5,3 ly có giá khoảng 50 triệu đồng, trong khi đó, kim cương nhân tạo 5,4 ly, giá khoảng 450 nghìn đồng/viên.


    Mua kim cương nên cẩn trọng để không mua phải hàng giả. Ảnh minh họa

    Chiêu trò hay được áp dụng là những viên kim cương tự nhiên, chất lượng tốt, giá cao được đưa đi để giám định và có “giấy khai sinh”. Kẻ gian lấy giấy khai sinh này sử dụng cho một viên kim cương khác có chất lượng kém hơn hoặc kim cương tổng hợp với những thông tin về giác cắt, màu… gần giống như viên kim cương chất lượng cao.

    Để trùng khớp, những viên kim cương “nhái” hay chất lượng kém sẽ được khắc mã số trùng mã số trên giấy kiểm định và được bán ra thị trường với giấy khai sinh của viên kim cương chất lượng cao. Sau đó, viên kim cương tự nhiên ban đầu sẽ được mài cạnh mất đi mã số đã khắc trên đó rồi lại được đưa đi kiểm định để có giấy khai sinh khác.

    Rồi một viên đá khác sẽ được sử dụng giấy khai sinh này ra thị trường như cách ở trên. Nhiều người mua kim cương thường dùng kính hiển vi soi mã số xem có trùng với giấy chứng nhận để ra quyết định mua, nhưng vẫn mua phải hàng giả. Vì theo tâm lý của người mua hàng, chúng ta luôn soi mã số cạnh để xác thực về chất lượng và ra quyết định mua hàng nhanh chóng khi thấy cả mã số cạnh trên kim cương và giấy kiểm định được trùng khớp.

    Kim cương giả được bán kèm với giấy kiểm định giả cũng là một trong những mánh khóe lừa đảo tinh vi mà người mua kim cương dễ gặp phải. Với sự phát triển của công nghê, những tờ giấy kiểm định hiện nay rất dễ bị làm giả một cách chi tiết và tỉ mỉ.

    Thận trọng và nắm rõ kiến thức- yếu tố quan trọng để tránh rơi vào bẫy lừa đảo bán kim cương giả

    GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết, những viên kim cương nhân tạo rất giống kim cương thật, bằng mắt thường không phân biệt được. Để không bị nhầm lẫn, người sử dụng, nhất là người sử dụng kim cương tự nhiên cần phải cẩn thận, khi mua cần phải mang tới các phòng kiểm định có chất lượng để kiểm định để tránh bỏ tiền mua kim cương thật nhưng lại mang về kim cương nhân tạo.

    Tuy nhiên, khi dùng điện thoại chụp mã vạch trên giấy kiểm định, đăng nhập hệ thống quản lý thông tin về giấy kiểm định và so sánh, nếu phát hiện có điểm khác nhau giữa giấy kiểm định trên hệ thống và giấy kiểm định bên ngoài dù là chi tiết nhỏ thì lập tức khẳng định đó là giấy kiểm định giả.

    Khi mua sắm kim cương, sự thận trọng và nắm rõ kiến thức là yếu tố quan trọng để tránh rơi vào bẫy của những hoạt động lừa đảo phức tạp. Các chuyên gia khuyến cáo khách hàng cần lưu ý một số điều quan trọng để bảo vệ tài sản khi thực hiện giao dịch mua kim cương.

    Đầu tiên là xác minh rõ nguồn gốc và chất lượng của kim cương bằng cách luôn yêu cầu nhà cung cấp cung cấp chứng chỉ xác thực về nguồn gốc và chất lượng của kim cương. Các chứng chỉ từ các tổ chức uy tín như GIA (Gemological Institute of America) hay AGS (American Gem Society) là bằng chứng quan trọng về tính thật và giá trị của đá quý.

    Bên cạnh đó, trước khi quyết định mua kim cương, hãy nghiên cứu kỹ về công ty và sản phẩm mà bạn đang quan tâm. Tìm hiểu về danh tiếng và sự uy tín của công ty. Đồng thời, đánh giá từ người tiêu dùng khác và tham khảo ý kiến từ những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

    Tờ khai hải quan giúp xác định rõ nguồn gốc của kim cương, đảm bảo kim cương được lưu hành hợp pháp; hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) giúp xác định quyền sở hữu và sử dụng đối với sản phẩm.

    Hãy chọn nơi cung cấp kim cương cung cấp đầy đủ giấy tờ, chẳng hạn giấy chứng nhận chất lượng, giấy nhập khẩu hải quan chính ngạch và hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) để đảm bảo quyền lợi tốt nhất về phía người mua sản phẩm. Chọn nơi cung cấp có đầy đủ trang thiết bị, máy móc tiên tiến trong việc kiểm tra kim cương (GIA ID100) để có thể trực tiếp kiểm tra và xác thực chất lượng sản phẩm trước khi mua.

    Ngoài ra, việc nắm vững kiến thức cơ bản và cập nhật thông tin là bước quan trọng để tự bảo vệ khỏi các hoạt động lừa đảo phức tạp. Hiểu rõ về yếu tố quyết định giá trị và tính thật của kim cương là vô cùng quan trọng để đánh giá chính xác các giao dịch mua sắm. Đừng quên luôn cập nhật xu hướng giá trị kim cương và thị trường. Điều này giúp bạn nhận biết cơ hội thật sự và tránh các chương trình lừa đảo.

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12177:2017- ISO 18323:2015 về đồ trang sức

    Tiêu chuẩn này quy định một tập hợp các thuật ngữ nhận diện được phép sử dụng trong ngành công nghiệp kim cương và được thiết kế riêng sao cho người tiêu dùng có thể hiểu được. Đồng thời, tiêu chuẩn này cũng bao gồm các định nghĩa nhằm mục đích tạo ra sự rõ ràng minh bạch hơn cho các thương nhân và duy trì lòng tin của người tiêu dùng đối với ngành công nghiệp kim cương nói chung.

    Tiêu chuẩn này bao gồm các thuật ngữ được sử dụng trong quá trình mua và bán kim cương tự nhiên, kim cương xử lý, kim cương tổng hợp, kim cương ghép và các đá thay thế kim cương.

    Theo đó kim cương tự nhiên (natural) phải được tạo thành hoàn toàn bởi tự nhiên, không có sự can thiệp của con người trong quá trình hình thành. Khoáng vật được hình thành trong tự nhiên, có thành phần chủ yếu là carbon kết tinh trong hệ tinh thể đẳng thước (lập phương), với độ cứng 10 trên thang Mohs, khối lượng riêng gần 3,52 và chỉ số khúc xạ (chiết suất) xấp xỉ 2,42.

    Kim cương xử lý (treated diamond): Kim cương (2.2) đã có sự can thiệp bất kỳ nào khác của con người trừ việc mài cắt, đánh bóng, tẩy sạch và gắn trên đồ trang sức, nhằm mục đích thay đổi dáng vẻ bên ngoài của nó một cách ổn định hoặc tạm thời.

    Việc đưa ra nhận xét, mô tả hoặc minh họa mang tính sai lệch hoặc lừa dối liên quan đến nguồn gốc, sự hình thành, khai thác hoặc trạng thái của bất kỳ một viên kim cương tự nhiên, kim cương xử lý, kim cương tổng hợp, đá thay thế kim cương hoặc kim cương ghép, không phù hợp về mọi phương diện với bất kỳ một và tất cả các điều khoản có ở đây trong quá trình bán, tiếp thị hoặc phân phối chúng như đã được xác định trong Tiêu chuẩn này là đi ngược lại các mục đích của tài liệu này.

    Viên kim cương đã qua xử lý phải được công khai như là một viên “kim cương được xử lý” và/hoặc chỉ ra rõ ràng quá trình xử lý đặc thù và việc mô tả phải rõ ràng ngay và không mập mờ.

    Thuật ngữ “kim cương được xử lý tự nhiên” hoặc “kim cương tự nhiên được xử lý” sẽ không được sử dụng bởi vì chúng có thể bị hiểu nhầm. Bất cứ yêu cầu bảo quản đặc biệt nào mà quá trình xử lý yêu cầu cũng phải được tiết lộ công khai. Không được sử dụng từ viết tắt.

    Kim cương tổng hợp: Kim cương tổng hợp phải được công khai thông tin và việc mô tả phải rõ ràng ngay và không mập mờ. Không được sử dụng từ viết tắt khi công khai thông tin về kim cương tổng hợp. Các thuật ngữ như “tự nhiên”, “thực”, “thật”, “quý”, “nuôi cấy” và “ngọc” không được sử dụng để mô tả bất kỳ một viên kim cương tổng hợp nào.

    Đối với kim cương tổng hợp, nếu chỉ ghi tên thương hiệu và tên nhà sản xuất cùng với từ kim cương là chưa đầy đủ. Kim cương tổng hợp có thể đã qua xử lý.

    Đá ghép: Những đá ghép trong đó tất cả các phần đều là kim cương thì phải được gọi là kim cương ghép hoặc kim cương ghép đôi.

    Một viên đá ghép trong đó một số phần mà không phải tất cả là kim cương thì phải được mô tả bằng các từ “ghép đôi” (doublet – hai phần) hoặc “ghép ba” (triplet – ba phần) hoặc “đá ghép” (hai phần hoặc nhiều hơn), và những từ này phải kèm theo ngay với tên gọi chính xác của các hợp phần của sản phẩm ghép, trong đó tên các hợp phần phải được kể ra từ trên xuống và được cách nhau bằng dấu gạch chéo (/).

    Đá thay thế kim cương: Khi bất cứ một sản phẩm nhân tạo nào được sử dụng để thay thế kim cương thì phải được mô tả bằng tên chính xác (ví dụ như “thủy tinh”, “chất dẻo”, “corindon tổng hợp”, “oxit zirconi lập phương”), hoặc bằng tên gọi “đá thay thế kim cương” hoặc “giống kim cương”, và việc mô tả phải rõ ràng và không mập mờ (xem 4.3.3 đến 4.3.6).

    Đá quý có thể bị mô tả sai là kim cương: Viên đá quý khác không phải là kim cương có màu, chế tác và hình dáng bên ngoài có thể bị mô tả nhầm là kim cương thì bao giờ cũng phải chỉ ra rõ ràng theo tên gọi khoáng vật, chứ không chỉ mô tả là “đá thay thế kim cương”.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/mua-kim-cuong-can-trong-keo-de-nhan-phai-hang-fake-d213522.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img