Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Công nghệ và khoa học môi trường đã chỉ ra, mỗi năm trung bình một người ăn phải ít nhất 50.000 mảnh vi nhựa (microplastic) đồng thời hít thở một số lượng tương tự.

Tuy nhiên, con số trong thực tế gần như chắc chắn lớn hơn rất nhiều, do chỉ một số các đồ ăn và thức uống được phân tích nhựa trong nghiên cứu trên.

Hiện những ảnh hưởng từ việc tiêu hóa vi nhựa chưa được khẳng định rõ, nhưng vi nhựa có thể làm nảy sinh những chất độc. Một số mảnh có kích thước đủ lớn để xuyên qua các mô trong cơ thể con người và gây ra những phản ứng miễn dịch.

Ô nhiễm vi nhựa được hình thành từ các rác thải nhựa chưa bị tiêu hủy và nó đang diễn ra trên khắp toàn cầu. Hồi tháng 10/2018, lần đầu tiên vi nhựa đã được tìm thấy trong chất thải của con người . Đây là một bằng chứng cho thấy chúng ta đã tiêu hóa cả vi nhựa trong cuộc sống hàng ngày.

Nghiên cứu mới công bố đã tổng hợp dữ liệu từ 26 nghiên cứu đã có trong đó đo lường số lượng mảnh vi nhựa trong cá, tôm cua, đường, muối, bia và nước cũng như không khí tại các thành phố lớn. Các nhà khoa học sau đó sử dụng các chỉ số hướng dẫn về chế độ ăn của chính phủ Mỹ để tính toán lượng mảnh vi nhựa mà con người ăn phải trong một năm. Trong khi một năm trung bình người lớn ăn 50.000 mảnh vi nhựa, thì trẻ em cũng ăn khoảng 40.000 mảnh.

Nước đóng chai được cho là chứa lượng vi nhựa lớn hơn 22 lần so với nước trực tiếp từ vòi. Một người chỉ uống nước đóng chai có thể ăn tới 130.000 mảnh vi nhựa mỗi năm.

Alastair Grant, Giáo sư Đại học East Anglia cho biết, chưa có bằng chứng về việc các mảnh vi nhựa được đề cập tới trong nghiên cứu, đem tới “bất kỳ nguy hiểm đáng kể nào tới sức khỏe con người”. Ngoài ra, theo ông, gần như chắc chắn chỉ một phần trăm nhỏ trong số mảnh vi nhựa con người hít phải, thực sự tới được phổi.

Còn giáo sư Kieran Cox từ Đại học Victoria in Canada chia sẻ, nghiên cứu đã thay đổi thói quen hàng ngày của ông: “Tôi chắc chắn tránh xa túi nhựa và cố gắng uống nước đóng chai càng ít càng tốt”.

Độc hại là thế, tại sao các nhà sản xuất vẫn sử dụng hạt vi nhựa?

Câu trả lời vô cùng đơn giản với những hạt siêu nhỏ có thể thấm sâu loại bỏ bụi bẩn và chất nhờn này. Thứ nhất là vì chi phí sản xuất hạt vi nhựa rẻ, cộng thêm nguyên liệu luôn có sẵn và dễ tìm thấy.

Hơn nữa chúng lại mềm mại cho da hơn các sản phẩm từ thiên nhiên như tinh thể muối, tinh thể đường, hoặc vỏ nghiền của các loại hạt cứng. Đó cũng là lí do hiện nay hầu hết người tiêu dùng đều chỉ chọn các sản phẩm này thay cho các sản phẩm thiên nhiên.

Các quốc gia cùng hành động để loại bỏ hạt vi nhựa

Đứng trước mối hiểm họa này, Mỹ và một số nước châu Âu đã yêu cầu các công ty hóa mỹ phẩm ngừng ngay việc sử dụng các loại hạt vi nhựa trong sản xuất mỹ phẩm.

Năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành dự luật ngăn cấm việc sử dụng các hạt nhựa trong ngành công nghiệp mỹ phẩm.

Illinois đã trở thành bang đầu tiên ban hành luật cấm sản xuất và bán các sản phẩm có chứa vi hạt nhựa. Tập đoàn Unilever đã không còn sử dụng hạt vi nhựa trong các sản phẩm từ cuối năm 2015.

Còn Hãng mỹ phẩm L’Oreal (Pháp) cũng cam kết loại bỏ các hạt nhựa li ti này ở các sản phẩm thương hiệu của mình vào năm 2017.

Kết quả một cuộc thăm dò ở Anh được tiến hành vào tháng 4 vừa qua cũng cho thấy có đến 2/3 người dân Anh bày tỏ mong muốn ban hành một đạo luật tương tự để ngăn cấm việc sử dụng các hạt nhựa.

Tất nhiên, UNEP vẫn đang tiếp tục kêu gọi các quốc gia cấm sử dụng vi hạt nhựa trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân và mỹ phẩm.

Theo Toquoc/Trithuctre (7/6/2019)