Theo NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ), mức độ carbon dioxide trong bầu khí quyển của Trái Đất được ghi nhận tại Đài quan sát Đường cơ sở Khí quyển Mauna Loa của NOAA đã đạt mức cao nhất theo mùa vào tháng 5 vừa qua và giữ kỷ lục trong 61 năm gần đây.

Ông Pieter Tans, nhà khoa học cao cấp thuộc Phòng giám sát toàn cầu của NOAA cho biết: “Cần phải theo dõi lượng khí CO2 dài hạn để nắm bắt được ô nhiễm không khí thay đổi khí hậu của chúng ta nhanh như thế nào”.

Trong những năm đầu thập kỷ này tại Mauna Loa, trên đỉnh núi lửa ở Hawaii, đã chứng kiến lượng khí CO2 tăng hàng năm khoảng 0,7 phần triệu. Trong suốt thập kỷ qua, tỷ lệ này đã tăng lên khoảng 2,2 phần triệu mỗi năm.

Tháng 5 do nhiệt độ luôn cao hơn so với các tháng trong năm nhưng lượng phát thải khí CO2 vào khí quyển ngày càng lớn, thảm thực vật khó có thể lọc được khiến gia tăng phát thải khí nhà kính gây ra hiệu ứng nhà kính ngày càng cao.

Lượng phát thải khí CO2 vào khí quyển ngày càng gia tăng. Ảnh: Dailymail

Một nghiên cứu gần đây của Liên Hợp Quốc cho thấy, ngay cả khi việc giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris (một hiệp định khí hậu toàn cầu quy tụ 174 quốc gia trên khắp thế giới) nhiệt độ thế giới vẫn sẽ tiếp tục tăng khoảng 3-5 độ C trong 30 năm. Sự gia tăng nhiệt độ sẽ khiến băng ở Bắc Cực tan nhanh hơn, mực nước biển dâng cao hơn đe dọa cuộc sống của con người.

Theo một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc là mực nước biển dâng cao, lũ lụt, bão, sóng nhiệt và cháy rừng xảy ra nhiều hơn. Mối đe dọa sinh tồn đang dần lớn hơn. Một báo cáo gây chấn động gần đây của Liên Hợp Quốc cho biết 1 triệu loài có nguy cơ tuyệt chủng do hoạt động của con người.

​4 biện pháp ai cũng có thể thực hiện để giúp giảm khí thải CO2

Bằng việc áp dụng chế độ ăn nhiều rau quả, tránh đi lại bằng máy bay, hạn chế sử dụng ôtô cá nhân và thực hiện “kế hoạch hóa” gia đình, mọi người dân trên thế giới sẽ góp phần làm giảm khí thải dioxide carbon (CO2).

Theo một nghiên cứu được công bố ngày 11-7-2017 trên tạp chí Environmental Research Letters của Thụy Điển, có 4 biện pháp rất hiệu quả mà mọi người dân trên thế giới có thể áp dụng để giảm lượng khí thải CO2 và chống lại tình trạng trái đất nóng lên.

Đó là áp dụng chế độ ăn nhiều rau quả, tránh đi lại bằng máy bay, hạn chế sử dụng ôtô cá nhân và thực hiện “kế hoạch hóa” gia đình.

Nghiên cứu cho thấy việc hạn chế sử dụng ôtô cá nhân có thể giúp giảm khoảng 2,4 tấn CO2 mỗi năm, trong khi chế độ ăn uống nhiều rau quả có thể giúp giảm 0,8 tấn khí thải này.

Cũng như vậy, không đi lại bằng máy bay có thể làm giảm khoảng 1,6 tấn CO2 trong mỗi chuyến đi và sinh đẻ ít con, một biện pháp được coi là hiệu quả nhất để đối phó với tình trạng trái đất nóng lên, có thể giúp giảm trung bình 58,6 tấn CO2/năm.

Những biện pháp trên được các nhà khoa học nêu ra sau khi phân tích 39 nghiên cứu trong các tạp chí khoa học và báo cáo của chính phủ các nước trên thế giới.

Những nhà khoa học này cũng nghiên cứu các biện pháp đối phó với tình trạng trái đất nóng lên được thực hiện tại Canada, Mỹ, Australia, châu Âu và nhận thấy rằng những biện pháp này nhìn chung đã giúp giảm một cách rõ rệt lượng khí thải CO2.

Theo VietQ/Tuoitre (6/6/2019)