Các thiết bị sử dụng hệ điều hành iOS, Android hay Windows đều là mục tiêu tấn công của những phần mềm gián điệp do 8 công ty này phát tán.

Theo thông tin từ Tập đoàn Meta (công ty mẹ của FaceBook), 8 công ty phần mềm gián điệp có trụ sở tại Ý, Tây Ban Nha và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), bao gồm Cy4Gate/ELT Group, RCS Labs, IPS Intelligence, Variston IT, TrueL IT, Protect Electronic Systems, Negg Group và Mollitiam Industries có khả năng thu thập thông tin thiết bị, vị trí, ảnh và phương tiện, danh bạ, lịch, email, SMS… cũng như kích hoạt chức năng micro, camera và ảnh chụp màn hình.

Ảnh minh họa.

Nghiêm trọng hơn, theo Meta các công ty này còn tham gia vào hoạt động thu thập thông tin bằng các kỹ thuật xã hội, lừa đảo nhắm mục tiêu vào nhiều nền tảng như Facebook, Instagram, X (trước đây là Twitter), YouTube, Skype, GitHub, Reddit, Google, LinkedIn, Quora, Tumblr, VK, Flickr, TikTok, SnapChat, Gettr, Viber, Twitch và Telegram.

Cụ thể, một mạng lưới gồm các nhân vật hư cấu được liên kết với RCS Labs, thuộc sở hữu của Cy4Gate, được cho là đã lừa người dùng cung cấp số điện thoại và địa chỉ email.

Một nhóm tài khoản Facebook và Instagram khác hiện đã bị xóa có liên quan đến nhà cung cấp phần mềm gián điệp Tây Ban Nha Variston IT đã được sử dụng để phát triển và thử nghiệm, bao gồm cả việc chia sẻ các liên kết độc hại.

Meta cho biết họ đã xác định được các tài khoản mà Negg Group và Mollitiam Industries (một công ty Tây Ban Nha) sử dụng để kiểm tra việc phân phối, quảng cáo dịch vụ thu thập dữ liệu và phần mềm gián điệp nhắm mục tiêu vào Windows, macOS và Android.

Gã khổng lồ mạng xã hội còn xóa hơn 2.000 tài khoản, trang và nhóm trên Facebook và Instagram tại Trung Quốc, Myanmar và Ukraine. Trước đó, liên minh giữa chính phủ và các công ty công nghệ, bao gồm cả Meta, đã ký một thỏa thuận nhằm hạn chế việc lạm dụng phần mềm gián điệp thương mại để vi phạm nhân quyền.

Tuy nhiên, không chỉ có những công ty phần mềm gián điệp này đang đe dọa quyền riêng tư của người dùng. Nghiên cứu của Surfshark trên 100 ứng dụng phổ biến đã phát hiện ra rằng các ứng dụng mua sắm và giao đồ ăn như Amazon Shopping và Wish cũng đang thu thập dữ liệu người dùng rộng lớn, với hơn một phần ba dữ liệu chia sẻ với các mạng quảng cáo và nhà môi giới dữ liệu bên thứ ba.

Bà Agneska Sablovskaja – Trưởng nhóm nghiên cứu tại Surfshark, cảnh báo về xu hướng lo ngại khi gần 20% dữ liệu được thu thập để theo dõi người dùng có thể bị chia sẻ với các nhà quảng cáo hoặc nhà môi giới dữ liệu bên thứ ba, đe dọa quyền riêng tư của người dùng. Bà Sablovskaja nhấn mạnh sự quan trọng của việc hiểu chính sách quyền riêng tư của ứng dụng để bảo vệ quyền tự chủ kỹ thuật số.

Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/meta-diem-mat-8-cong-ty-phat-tan-phan-mem-gian-diep-thu-thap-du-lieu-nguoi-dung-d218943.html