Chảo chống dính là vật dụng phổ biến trong gian bếp của nhiều gia đình tuy nhiên sau thời gian sử dụng sản phẩm này cũng có thể gây độc hại khôn lường, nhất là sản phẩm kém chất lượng.
Theo các chuyên gia công nghệ của Điện Máy Xanh, bản thân lớp phủ chống dính Teflon không nguy hiểm, nhưng nếu dùng một chiếc chảo chống dính trong thời gian dài hoặc chảo bị cháy, làm chảy lớp phủ này thì rất nguy hiểm. Đặc biệt là các loại xoong, chảo chống dính giả đang được bày bán rất nhiều trên thị trường hện nay.
Hầu hết các loại chảo chống dính chính hãng sử dụng chất chống dính Teflon mà chất này bị phân hủy ở nhiệt độ cao từ 300 đến 400 độ C, trong khi nhiệt độ nấu ăn không bao giờ vượt quá 250 độ C.
Dùng chảo chống dính quá lâu, quá cũ sẽ rất nguy hiểm. Ảnh minh họa
Teflon là chất khó hấp thụ, dù có đi vào cơ thể người cũng bị đào thải ra, do vậy dù có lỡ ăn phải một chút lớp chống dính của chảo chống dính thì chúng cũng sẽ đào thải theo đường tiêu hóa, hoàn toàn không tích tụ trong cơ thể.
Tuy nhiên, phần độc hại chính là phần keo dính chất Teflon với lòng chảo. Phần keo này là chất dễ phân hủy bởi nhiệt, tạo ra các chất nguy hại cho con người khi ở nhiệt độ cao. Nếu dùng lâu dài, lớp chống dính lẫn keo bám dính sẽ bong tróc ra theo đường ăn uống vào cơ thể con người, do vậy không nên tiếp tục sử dụng chảo quá cũ, lớp chống dính bị bong tróc nặng.
Một trong những khí độc hại nguy hiểm nhất được phát ra nếu phân tử Teflon bị phá vỡ là axit perfluorooctanoic (PFOA). Một người tiếp xúc lâu dài với PFOA sẽ có nguy cơ cao mắc một loạt bệnh ung thư và bệnh tuyến giáp.
Theo các nhà khoa học Mỹ, chảo chống dính sẽ không bị nung chảy ở nhiệt độ nấu bình thường. Thời gian để làm chín một loại thực phẩm cũng rất nhanh, không đủ để phản ứng hóa học nguy hiểm này xảy ra.
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào phân tích cụ thể về tác động lâu dài của chảo phủ Teflon đối với con người. Các nghiên cứu chủ yếu tập trung vào ảnh hưởng sức khỏe của các chất như PFOA phát ra khi Teflon bị phân hủy.
Phần lớn dữ liệu về các ca nhiễm chất độc này cũng đều đến từ các trường hợp tiếp xúc với môi trường, chẳng hạn như nước uống hoặc làm việc tại nhà máy, nơi mức độ phơi nhiễm cao.
Tuy thế, các nhà khoa học cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng một chiếc nồi, chảo chống dính trong thời gian quá lâu, chỉ nên dùng tối đa trong 2-3 năm. Lau rửa chảo bằng dụng cụ mềm, tránh làm xước, bong tróc bề mặt vì sẽ khiến phản ứng hóa học dễ xảy ra hơn.
Suzanne Fenton, nhà nghiên cứu nội tiết sinh sản tại Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường (Hoa Kỳ), cho biết trong một số trường hợp như phụ nữ đang mang thai, cho con bú hoặc có con nhỏ thì nên hạn chế hoặc tốt nhất tránh dùng chảo chống dính. Đó là vì chất PFOA có liên quan trực tiếp với các vấn đề phát triển của trẻ em. Hóa chất này được coi là một chất gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng hệ thống hormone của cơ thể, gây béo phì, tiểu đường, chất lượng tinh trùng thấp và chu kỳ kinh nguyệt không đều.
An Dương (T/h)
http://vietq.vn/ly-do-tuyet-doi-khong-nen-su-dung-xoong-chao-chong-dinh-da-qua-cu-d179536.html