Bên cạnh rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang là phương pháp hiệu quả để giảm nguy cơ lây nhiễm virus, tuy nhiên đeo khẩu trang ướt sẽ khiến tác dụng này mất đi.

Khẩu trang đã trở thành “vũ khí” đơn giản và hiệu quả để giúp mọi người bảo vệ sức khoẻ trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người sử dụng khẩu trang sai cách, khiến chúng mất đi hiệu quả. Trong đó có trường hợp đeo khẩu trang bị ướt, chẳng hạn như lúc đi mưa, hắt hơi và sổ mũi, sẽ kém hiệu quả hơn vì nước hạn chế luồng không khí và làm giảm khả năng lọc virus.

Khẩu trang phẫu thuật màu xanh 3 lớp là loại phổ biến, dễ nhận biết nhất hiện nay, có thể bảo vệ mọi người khỏi bị lây nhiễm virus. Tuy nhiên, một cựu quan chức cấp cao của WHO đã khuyến cáo, người dùng nên thay khẩu trang nếu nó bị ướt vì độ ẩm làm cho chúng trở nên giảm tác dụng.

Giáo sư Tim Spector, người điều hành ứng dụng Nghiên cứu triệu chứng Covid-19, cảnh báo rằng, người dân không nhận thức được những rủi ro liên quan đến việc đeo khẩu trang ướt và cơ quan y tế cần làm rõ điều này cùng những lời khuyên rõ ràng. Cảnh báo được đưa ra khi Vương quốc Anh bước vào mùa thu, với những trận mưa rào và bão xuất hiện dày đặc hơn.


Nước Anh bước vào mùa thu với số lượng cơn mưa rào dày đặc cùng độ ẩm tăng cao khiến các chuyên gia y tế thêm lo lắng việc người dân đeo khẩu trang ướt sẽ không còn tác dụng ngăn lây nhiễm Covid-19.

Karol Sikora, một cựu quan chức của WHO, nói: “Độ ẩm làm cho khẩu trang trở nên xốp và vì thế mà tất cả các loại khẩu trang về cơ bản đều dễ bị mất tác dụng trong thời tiết ẩm ướt. Tôi nghĩ rằng người dân thường thiếu kiến ​​thức hoặc hướng dẫn nào về vấn đề này. Họ nên được các nhà chức trách đưa ra lời khuyên rõ ràng, đặc biệt là với thời tiết mưa lớn như hiện nay. Điều quan trọng là chúng ta phải biết thay khẩu trang nếu chúng bị ẩm và ngay cả loại khẩu trang đắt tiền hơn cũng gặp tình trạng tương tự”.

Tiến sĩ Simon Clarke, Phó giáo sư về vi sinh vật tế bào tại Đại học Reading, nói rằng: “Đeo một chiếc khẩu trang ẩm ướt không khác gì một chiếc khăn tay bẩn buộc trên mặt. Nếu nó bị ẩm do hơi nước trong hơi thở hoặc do ho và hắt hơi, thì đây có thể là một dấu hiệu cho thấy mọi người cần đeo thay cái mới hoặc loại tái sử dụng đã được giặt sạch sẽ.

Đối với khăn che mặt, chúng nên được làm bằng chất liệu được dệt dày đặc nhất có thể để ngăn các giọt nhỏ thoát ra ngoài trong khi vẫn cho phép người dùng thở thoải mái. Tùy thuộc vào độ ướt của vật liệu, mỗi loại có thể có tác động đến kích thước của các lỗ trên vải khác nhau, làm cho chúng quá lớn để ngăn các giọt nước vào hoặc ra, hay quá hẹp để cho phép thở đúng cách.

Tôi luôn đảm bảo rằng mình có ít nhất một chiếc khẩu trang sạch sẽ để dự phòng mỗi khi ra ngoài để có thể thay cái đang đeo nếu nó bị ướt hoặc đã đeo nó một thời gian”.

WHO cũng tuyên bố rằng tất cả khẩu trang nên được thay đổi nếu bị ướt hoặc bị bẩn: “Không nên đeo khẩu trang ướt trong thời gian dài, mọi người cần thay ngay khi chúng bị ẩm bằng một chiếc mới sạch sẽ và khô ráo”.

Hướng dẫn do Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội xuất bản cũng yêu cầu mọi người thay khăn che mặt nếu bị ẩm hoặc đã chạm vào nó. Tuy nhiên, bằng chứng cho thấy nhận thức của người dân về điều này chỉ còn hạn chế và không thay khẩu trang khi thời tiết ẩm ướt.

Để chống lại vấn đề này, ở Pháp mọi người được khuyến khích mang theo khẩu trang dự phòng để có thể thay thế nhanh chóng khi trời mưa. Tuy nhiên, các nhà chức trách Vương quốc Anh vẫn chưa thúc giục người dân làm điều tương tự để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Hương Giang (theo: dailymail)
http://vietq.vn/deo-khau-trang-bi-am-uot-lam-giam-tac-dung-ngan-chan-lay-nhiem-covid-19-d179439.html