Nồi nấu chậm là một thiết bị được sản xuất với mục đích hỗ trợ việc nấu nướng trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên khi mua và lựa chọn nên lưu ý để có được sản phẩm đảm bảo chất lượng, bền lâu.

Nồi nấu chậm hay còn gọi Slow cooker hoặc Crock-Pot là loại nồi có công dụng đun nấu hay hầm chín thức ăn trong một thời gian dài với nhiệt độ thấp bằng cách sử dụng điện năng. Với nhiều tiện ích phù hợp với cuộc sống hiện đại, nồi nấu chậm được sử dụng phổ biến với nhiều gia đình hiện nay. Là trợ thủ đắt lực giúp các chị em nội trợ chế biến các món ngon bổ dưỡng, nấu cháo cho bé và an toàn sức khỏe.

Tính năng nổi bật nhất của nồi nấu chậm đó là giữ được hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao, gần như là nguyên vẹn. Bởi vì dựa trên nguyên lý hoạt động chỉ nấu với nhiệt độ thấp khoảng 75 độ C – 135 độ C nên sẽ phải đun nấu trong thời gian dài, từ đó các loại vitamin không bị phân hủy hay phản ứng hóa học với các chất khác. Nồi được trang bị những chất liệu cao cấp và an toàn đối sức khỏe với lòng nồi bằng sứ ceramic cao cấp vừa bền bỉ lại dễ vệ sinh. Tuy nhiên khi mua và sử dụng nên lưu ý để mua được sản phẩm chất lượng, phù hợp và bền lâu.


Nồi nấu chậm tiện lợi nhưng nên lưu ý khi mua để đảm bảo phù hợp, chất lượng. Ảnh minh họa

Dựa theo dung tích

Khi mua nồi nấu chậm nên dựa vào dung tích nồi từ 0,7 – 1,5 lít phù hợp cho các bà mẹ bỉm sữa dùng để nấu cháo, đồ ăn dặm cho bé. Dung tích nồi 2,5 lít sẽ phù hợp cho các món chưng, kho, hầm thịt,… hoặc các gia đình có nhiều người.

Dựa theo công suất

Công suất nồi lớn sẽ giúp thời gian nấu được rút ngắn hơn. Tuy nhiên, nếu sử dụng nồi nấu chậm với mục đích làm thức ăn cho bé ăn dặm thì nên chọn loại có công suất từ 90 – 150W.

Dựa theo nhu cầu sử dụng

Để thuận tiện cho quá trình sử dụng lâu dài không nên quá “chăm chăm” vào mỗi chức năng nấu cháo chuyên biệt của nồi. Nên chọn những loại nồi có khả năng nấu nhanh, nấu chậm, giữ ấm, chưng, hầm,… để phục vụ cho nhu cầu sử dụng cũng như cả gia đình.

Dựa vào chất liệu

Chất liệu là một yếu tố cần được quan tâm hàng đầu khi lựa chọn nồi nấu chậm. Không chỉ có độ bền cao mà còn phải an toàn cho sức khỏe người dùng. Một số chất liệu khuyên dùng dành cho bạn chính là: inox 304, hợp kim nhôm đã được xử lý oxy hóa, sứ Ceramic,..

Dựa vào kiểu dáng thiết kế

Thiết kế của nồi nấu chậm là sự lai tạo hoàn hảo giữa kiểu dáng của nồi cơm và nồi áp suất điện. Hiện nay, các nhà sản xuất đã tung ra thị trường rất nhiều mẫu mã bắt mắt. Người tiêu dùng có thể lựa chọn hoa văn bên ngoài tùy vào sở thích của mình. Chúng sẽ góp phần tăng thêm tính thẩm mĩ cho gian bếp.

Dựa vào thời gian và chế độ bảo hành

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các cơ sở kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên khi chọn lựa, ngoài việc chú ý tới chất lượng sản phẩm cũng cần quan tâm đến chế độ bảo hành tại nơi cung cấp. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong giai đoạn sử dụng sản phẩm sau này.

Giá thành phù hợp

Nồi nấu chậm hiện nay nhiều phân khúc giá cả khá cạnh tranh, bên cạnh việc lựa chọn dung tích và mẫu mã cũng nên xem xét mức giá thành phù hợp cho kinh phí của bản thân.

Luôn giữ vệ sinh và làm sạch nồi đúng cách

Chất liệu nồi bên trong dễ bị bong lớp tráng men hoặc dễ bị trầy xước, nếu vô tình dùng miếng cọ nhôm rửa chén để làm sạch. Thay vào đó, hãy dùng loại miếng vải mềm để rửa chúng trước và sau khi dùng.

Rã đông thịt, thực phẩm đông lạnh trước khi nấu

Nên rã đông thịt cũng như các thực phẩm đông lạnh khác, trước khi cho vào nồi nấu chậm để nấu chín. Vì điều này sẽ giúp tránh được tình trạng nước chảy ra nhiều từ các thực phẩm này khi nấu, làm ảnh hưởng đến hương vị món ăn. Ngoài ra, cũng có trường hợp dẫn đến việc tràn nước nấu ra bên ngoài nồi (với những món hầm nhiều nước), gây ảnh hưởng đến năng suất hoạt động của nồi. Việc rã đông thực phẩm đúng cách sẽ giúp giữ lại được hầu hết các chất dinh dưỡng khi nấu.

Không nên nấu những thức ăn từ sữa, bơ, chất béo

Những món ăn từ sữa, chẳng hạn như phô mai, sẽ bị mất chất dinh dưỡng nếu nấu trong nồi nấu chậm quá lâu. Do đó nên cho những loại thực phẩm này vào công đoạn nấu sau cùng. Đồng thời, việc cho sữa, kem, phô mai vài phút trước khi món ăn hoàn thành sẽ giúp cho chúng không bị vón cục, thức ăn sau khi nấu sẽ trông đẹp mắt hơn mà vẫn đảm bảo được dinh dưỡng. Những chế phẩm từ sữa nên cho vào giai đoạn nấu sau cùng tránh bị mất chất dinh dưỡng

Mặt khác, chất béo sẽ làm cho nhiệt độ trong nồi tăng cao, cùng với việc nấu trong thời gian dài sẽ gây mềm nhừ thức ăn. Nên loại bỏ bớt mỡ trong thịt để hạn chế vấn đề này. Tuy nhiên cũng không nên loại bỏ hoàn toàn, bởi vì việc thịt quá nạc sẽ khiến món ăn bị khô, làm giảm sự ngon miệng.

Dung tích nồi phù hợp với khối lượng thực phẩm cần nấu

Tùy theo dùng nồi nấu chậm có dung tích ra sao, mà cân nhắc khối lượng các nguyên liệu thực phẩm cần nấu cho phù hợp. Vì cho quá nhiều thực phẩm, hay quá ít đều ảnh hưởng đến thời gian nấu và chất lượng món ăn, kể cả sự an toàn.

Cài đặt chế độ nấu linh hoạt

Mỗi người đều có cách nấu ăn bằng nồi nấu chậm khác nhau, nhưng cần nên cài đặt chế độ cao khi nấu trong giờ đầu tiên, xem thực phẩm có độ chín thế nào, rồi mới điều chỉnh lại nhiệt độ ở mức cài đặt thấp hơn để tiếp tục nấu món.

Theo QCVN 04:2009 sửa đổi 1:2016 thì thiết bị điện dùng để đun chất lỏng dùng trong gia dụng và các mục đích tương tự, có điện áp danh định không lớn hơn 250 V. Bao gồm:

Nồi cơm điện, nồi nấu chậm; Nồi nấu (luộc) trứng; Nồi hấp; Ấm sắc thuốc; Bếp đun dạng tấm đun (Chảo điện); Nồi áp suất có áp suất nấu danh định không quá 140 kPa và dung tích danh định không vượt quá 101 (lít); Thiết bị pha cà phê; Các thiết bị khác dùng để đun sôi nước, có dung tích danh định không quá 101 (lít) (bao gồm cả phích đun nước, bình đun nước, ca đun nước); Thiết bị đun nóng chai chứa thức ăn; Thiết bị đun sữa; Thiết bị đun làm sữa chua; Nồi giặt; Bình thủy điện…đều phải chứng nhận hợp quy an toàn theo quy định.

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/luu-y-khi-mua-va-su-dung-noi-nau-cham-dam-bao-chat-luong-an-toan-d216407.html