Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mặc dù hạt dẻ rất tốt cho sức khỏe. Đây cũng là môt loại hạt được nhiều gia đình lựa chọn trong những ngày tết. Tuy nhiên cần lưu ý khi sử dụng để tránh những tác hại không mong muốn.

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong Đông y, hạt dẻ là một vị thuốc quý. Nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy, đây là loại hạt cực kỳ bổ dưỡng. Thành phần của hạt dẻ bao gồm 5,7-10,7% protein, 2- 7,4% protid, 62-70% chất đường và tinh bột. Loại hạt này còn có nhiều loại axit amin thiết yếu cơ thể cần như arotene, vitamin B1, B2, C, nicotinic acid, kali, canxi, magie, phốt pho, sắt…

Hàm lượng dinh dưỡng, khoáng chất dồi dào trong hạt dẻ giúp trì hoãn lão hóa, làm ấm lá lách và dạ dày, bổ sung khí. Mùa Đông là thời điểm cần rất nhiều chất dinh dưỡng. Ăn một ít hạt dẻ có thể giúp bổ sung năng lượng, giảm mệt mỏi, tăng cường sức đề kháng. Mặc dù vậy, khi ăn hạt dẻ để có sức khỏe tốt nhất vào mùa lạnh nên chú ý:

Không ăn hạt dẻ sống

Hạt dẻ tươi sau khi bóc vỏ có màu be, kết cấu tương đối giòn, mùi tươi ngậy, có người sẽ rất thích ăn. Trên thực tế, hạt dẻ không thích hợp để ăn sống trực tiếp. Chúng chứa nhiều tinh bột và cellulose, khiến cơ thể khó tiêu hóa hơn khi ăn sống.

Ngoài ra, hạt dẻ sống có thể chứa một số vi khuẩn, vi trùng và các chất gây hại khác, ăn sống trực tiếp có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể cao hơn. Vì vậy, tốt nhất nên nấu chín hạt dẻ.


Hạt dẻ rất tốt cho sức khỏe nhưng cần lưu ý khi sử dụng. Ảnh minh họa

Không ăn hạt dẻ có côn trùng tấn công

Do mọc trên cành, hạt dẻ càng khó tránh khỏi việc bị một số côn trùng nhỏ chui vào. Do đó, khi mua hạt dẻ phải lựa chọn kỹ càng. Nên chọn hạt dẻ còn nguyên vẹn, tránh mua hạt có lỗ. Nói chung, hạt dẻ đã bị côn trùng cắn chắc chắn sẽ bị nhiễm một số vi khuẩn, vi trùng… nên tuyệt đối không nên ăn.

Không ăn hạt dẻ trước khi đi ngủ

Ngủ là cách cơ thể chúng ta nghỉ ngơi. Để cơ thể được nghỉ ngơi tốt nhất không nên ăn trước khi đi ngủ tầm 3 tiếng. Đặc biệt, không nên ăn hạt dẻ vì chứa nhiều carbohydrate, cellulose và các thành phần khác. Nó không chỉ làm tăng gánh nặng cho lá lách và dạ dày mà còn dễ chuyển hóa thành mỡ, khiến cơ thể tăng cân nhanh chóng. Do đó, hội chị em muốn giữ gìn vóc dáng, sức khỏe tốt nhất không nên ăn vặt bằng hạt dẻ vào thời điểm gần giờ đi ngủ.

Ăn ít hoặc không ăn hạt dẻ tẩm đường

Hạt dẻ rang là món ăn đặc trưng vào mùa Đông, khiến nhiều người không thể vượt qua được cám dỗ, phải dừng lại xếp hàng mua. Tuy nhiên, những món hạt dẻ rang bán sẵn thường được tẩm đường, đem lại hương vị hấp dẫn hơn, thu hút người ăn hơn. Mọi người không nên ăn hoặc ăn ít nhất có thể đối với loại hạt dẻ này vì chúng không tốt cho sức khỏe.

Trước hết, bản thân hạt dẻ chứa rất nhiều đường, sau khi chiên với đường có thể tưởng tượng rằng mỗi hạt dẻ đều tẩm đẫm đường, ăn vào dễ khiến lượng đường trong máu tăng cao. Ngoài ra, hàm lượng chất béo trong hạt dẻ rang kiểu này không hề thấp, ăn thường xuyên thì chuyện tăng cân rất khó tránh.

Quan trọng hơn, trong quá trình sản xuất, đường và hạt dẻ được chiên đi chiên lại nhiều lần ở nhiệt độ cao sẽ sản sinh ra một số thành phần có hại cho cơ thể nên dù thích ăn đến mấy cũng nên hạn chế. Nếu muốn ăn hạt dẻ, tốt nhất nên hấp, luộc hoặc hầm sẽ tốt cho sức khỏe hơn.

Không ăn chung hạt dẻ với sữa

Sữa chứa nhiều nước. Nếu ăn hạt dẻ sau khi uống sữa, tinh bột trong hạt dẻ sẽ dễ dàng hút nước và trương nở khiến có cảm giác chướng bụng, đầy hơi. Ngoài ra, sữa còn chứa lượng lớn canxi, trong khi hạt dẻ lại chứa nhiều xenlulo. Nếu ăn 2 loại thực phẩm này cùng nhau dễ ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi, làm giảm giá trị dinh dưỡng của nhau.

Khí hậu mùa Đông lạnh giá khiến cơ thể có nhu cầu dinh dưỡng nhiều hơn, đặc biệt là ăn những thực phẩm giàu protein, năng lượng. Ngoài ăn thịt nên ăn nhiều các loại hạt để bổ sung dinh dưỡng. Ăn hạt dẻ đúng mùa đúng thời điểm chính là một trong những cách bổ sung dinh dưỡng khôn ngoan cho cơ thể. Thực hiện ăn đúng cách sẽ góp phần nâng cao sức khỏe.

Cách chọn hạt dẻ bùi, dẻo, ngon

Phân biệt hạt đực, hạt cái qua hình dạng: Người thu hoạch hạt dẻ lâu năm cho biết, thực ra, hạt dẻ được chia làm 2 loại là hạt đực và hạt cái. Để phân biệt đâu là hạt đực, hạt cái, chúng ta cần quan sát hình dạng của nó.

Khi mua hạt dẻ thấy thường có 2 hình dạng, một là hình bán nguyệt phình to, hai là hạt dẹt. Nguyên nhân có sự khác biệt hình dạng này chủ yếu là do vị trí nằm bên trong quả của hạt dẻ. Hạt dẻ được bao bọc một lớp vỏ gai màu xanh lá cây, hạt bên trái và bên phải sẽ có hình bán nguyệt, còn hạt ở giữa bị kẹp lại nên nó có hình dẹt. Cũng chính vì thế, hương vị của chúng cũng khác nhau.

Hạt dẻ nằm ở bên trái và bên phải quả quả dẻ là hạt cái, nó được tiếp nhận ánh sáng đầy đủ hơn, lượng đường cao hơn, thịt của hạt cũng nhiều và đầy đặn hơn. Khi ăn hạt dẻ này sẽ có mùi thơm và ngọt hơn. Còn hạt dẹt là hạt đực, bị kẹp ở giữa do đó nó nhận được ít ánh sáng mặt trời hơn, hàm lượng đường cũng ít vì thế kém ngọt hơn.

Nhìn vào màu sắc: Khi mua hạt dẻ, trước tiên cần quan sát màu sắc của hạt dẻ. Hạt dẻ tươi thường có màu nâu hoặc đỏ nâu, rất bóng, không bị đổi màu và có đốm đen, bên trên có một đầu màu đỏ. Đây là loại hạt nên mua.

Nhìn vào lông tơ: Trên bề mặt hạt dẻ tươi có nhiều lông mịn, qua đó có thể nhận biết được hạt dẻ còn tươi hay không. Nói chung, hạt dẻ càng nhiều lông tơ thì càng tươi và khả năng hư hỏng càng thấp.

Nếu lớp lông tơ phía trên mất hết, màu sắc tương đối xỉn và không bóng thì có nghĩa là hạt dẻ đã để lâu và không phải là hạt dẻ tươi. Do đó, khi chọn hạt dẻ, chúng ta nên chọn những hạt dẻ có nhiều lông tơ hơn.

Nhìn vào “mắt” hạt: Trong khâu lựa chọn cuối cùng, bạn cũng nên kiên nhẫn kiểm tra xem vỏ hạt dẻ có bị hư hoặc bị sâu mọt ăn hay không. Chọn loại hạt dẻ không có “mắt” (các lỗ) được tạo ra do con trùng đục. Những hạt dẻ có lỗ chứng tỏ nó bị sâu hoặc côn trùng ăn tránh mua về lãng phí.

Cách bảo quản hạt dẻ

Hạt dẻ sống: Mua hạt dẻ về mà chưa sử dụng hết thì bỏ vào hộp hoặc khay, cho vào ngăn đá nếu muốn để trên 10 ngày. Nhưng cho vào ngăn đá đương nhiên không thể thơm ngon như tươi được. Còn dưới 10 ngày thì đổ xuống nền nhà hoặc bỏ khỏi túi bóng cho vào khay trong ngăn mát tủ lạnh là được.

Hạt dẻ chín: Nếu để dưới 3 ngày, để ở ngoài không cần cho vào tủ, bỏ ra khỏi túi bóng. Nếu trên 3 ngày thì cho ra khỏi túi bóng, cho vào khay bỏ vào ngăn mát của tủ, khi nào ăn cho ra rang lại hoặc cho vào lò nướng nướng lại là bạn lại có món hạt dẻ ngon rồi.

Những nhóm người không được ăn hạt dẻ

Người cao tuổi: Chức năng tiêu hóa của người cao tuổi bị suy giảm, vì vậy nếu ăn quá nhiều hạt dẻ cùng lúc có thể gây ra những triệu chứng như: Đau bụng, khó tiêu, hóc nghẹn, tổn thương tỳ vị… Những người này chỉ nên dùng 50-70gr hạt dẻ mỗi tuần để đảm bảo sức khỏe.

Người có các vấn đề về dạ dày: Người bị bệnh dạ dày ăn nhiều hạt dẻ sẽ kích thích dạ dày sản sinh nhiều axit, khiến cho dạ dày làm việc quá sức và có thể gây ra xuất huyết dạ dày.

Người bị tiểu đường: Hạt dẻ chứa hàm lượng tinh bột cao nên cần tránh ăn hạt dẻ để không làm lượng đường huyết tăng nhanh, đặc biệt là không nên ăn hạt dẻ rang đường.

Người bị cảm chưa khỏi, bệnh nhân sốt rét, kiết lị, phụ nữ sau sinh: Những đối tượng này cũng không nên ăn nhiều hạt dẻ, không nên ăn quá 10 hạt dẻ mỗi ngày để tránh bị táo bón.

Trẻ nhỏ: Đây là đối tượng có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện do đó không nên ăn quá nhiều hạt dẻ để tránh gây đau bụng.

Cách luộc hạt dẻ

Đầu tiên dùng mũi dao thật sắc, cắt 1 tí đầu hạt dẻ rồi khía làm 4. Sau đó đổ sâm sấp nước vào và luộc cho đến khi cạn nước thì thôi.

Nếu để rang hạt dẻ Trùng Khánh, bạn luộc qua bằng nước lạnh sao cho từ lúc sôi đến lúc nhắc xuống khoảng 10-15 phút (lửa vừa phải, hạt dẻ nứt ra có màu trắng là được).

Bắt đầu rang hạt dẻ, đảo đều tay (lửa ko cần quá to), thời gian cũng khoảng hơn 15-20 phút (hạt dẻ nứt hẳn, hơi cháy vỏ, mùi thơm ngậy…). Thời gian này tuỳ thuộc vào độ nóng của chảo rang và độ chín nóng của hạt dẻ.

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/luu-y-khi-an-hat-de-ngay-tet-de-tranh-nhung-tac-hai-khong-mong-muon-cho-suc-khoe-d218432.html