Theo các chuyên gia cảnh báo, trước đây người tiêu dùng thường sử dụng lạt tre, dây chuối để buộc bánh chưng, giò… tuy nhiên hiện nay để tiện lợi họ quay sang sử dụng dây nilon điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Từ xa xưa trong đời sống người dân Việt Nam, thói quen dùng lá và các loại dây buộc từ lá, từ rơm rạ hay tre, nứa đã rất phố biến. Các loại dây buộc có nguồn gốc từ thiên nhiên này chẳng những không gây hại mà còn giúp tăng tính thẩm mĩ và hương vị tự nhiên của món ăn.

Đặc biệt người Việt Nam thường sử dụng lá chuối để gói các loại bánh tét, bánh ít, bánh giò… và buộc chặt bằng dây chuối. Dây chuối được làm từ bẹ chuối hoặc phần cọng của lá chuối, xé ra thành sợi, sau đó phơi khô. Khi sử dụng thì ngâm nước cho mềm rồi mới buộc. Dây chuối còn dùng để buộc các loại giò lụa, nem chua… Vài địa phương còn sử dụng lá dừa nước còn non để làm dây buộc cho các loại bánh khác.

Tuy nhiên, để giảm giá thành sản phẩm và tiện lợi trong khâu gói thực phẩm, nhiều người bán đã thay loại dây buộc tự nhiên như dây chuối, lạt tre bằng dây nilon được nhuộm phẩm màu xanh, đỏ thậm chí là màu đen do dùng nhựa tái sinh, nấu đi nấu lại nhiều lần.


Việc sử dụng dây nilon buộc các loại bánh chưng, bánh ít, giò…tiềm ẩn nguy cơ độc hại

Có đôi khi người ta còn sử dụng dây nilon để cột, bó thịt trong món thịt kho trứng truyền thống ngày tết, bó giò heo rút xương, hoặc dùng dây nilon cột các món thịt cuộn, rồi thả vào chảo dầu nóng để chiên gây ảnh hưởng vô cùng nguy hại. Nhiệt độ cao của dầu và của nước kho làm sợi dây nilon biến chất và trở thành chất độc hại thấm vào thức ăn. Các nhà y học đã cảnh cáo rằng chất BPA dùng làm mềm nhựa là thủ phạm gây ảnh hưởng đến hóc môn sinh dục của con người.

Sợi dây nilon tuy tiện dụng và giúp giảm giá thành cho món ăn, nhưng cũng góp phần làm cho các món ăn dân dân dã, truyền thống mất đi nét mộc mạc và sự thi vị vốn có. Không chỉ thế, các loại dây nilon không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rất hại đến sức khỏe người sử dụng.

Nói tới việc sử dụng dây nilon buộc các loai bánh chưng, giò chả, ông Lâm Bá Nhĩ, Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ Súc Sản (VISSAN) cho biết, hiện nay phần lớn các loại bánh tét đều gói bằng lá chuối nhưng cột bằng dây nilon (tái chế) màu đen hoặc màu đỏ, vàng…

Ngoài ra để tiện dụng, các sản phẩm giò chả, xúc xích… đang lưu hành trên thị trường thường được các nhà sản xuất bao gói bằng các loại bao bì plastic khác nhau. Tuy nhiên, đối với những công ty chế biến thực phẩm có uy tín thương hiệu trong công nghệ chế biến bao giờ cũng sử dụng những loại bao bì chuyên dùng cho ngành chế biến thực phẩm, được kiểm định và cho phép bởi những cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể là các loại bao bì làm từ PA, PE, PVDC là những loại bao bì có khả năng chịu nhiệt tốt và an toàn cho người sử dụng.

Riêng với vật liệu dây nilon dùng cột các loại bánh thì người tiêu dùng cần cẩn thận khi chọn sử dụng các loại bánh này. Bởi trong trường hợp những loại dây này có chất liệu nằm trong danh mục những chất liệu được sử dụng trong thực phẩm và được kiểm định bởi những cơ quan có thẩm quyền thì vẫn an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên nếu sử dụng những sợi dây nilon tái chế có nhuộm các phẩm màu công nghiệp sẽ dễ thôi nhiễm vào sản phẩm trong quá trình nấu hấp và gây ảnh hưởng sức khoẻ đến người tiêu dùng.

Sợi nilon nói riêng hay đồ gia dụng bằng nhựa dẻo tổng hợp nói chung là sản phẩm từ vật liệu polymer. Bản chất nhựa polymer không có độc tính, nhưng do quá trình sản xuất, người ta cho các chất phụ gia, chất độn vào, góp phần làm cho sản phẩm này có nhiều cảnh báo về độ nguy hiểm.

Ví dụ chất hóa dẻo polycarbonate, phthalate từ nhựa PET; hexamethylene diamine, polychlorinate tiết ra từ nguyên liệu PVC; chất benzene, vinyl acetate từ nhựa PE… Thực tế liều phơi nhiễm (độ tiếp xúc đủ gây hại) của các sản phẩm này đối với con người qua đường ăn uống là tương đối thấp. Thường người ta chú trọng hơn đến biện pháp phòng chống tác hại đến sức khỏe công nhân qua đường tiếp xúc là da, niêm mạc và hô hấp trong lĩnh vực an toàn lao động từ cơ sở sản xuất vật liệu polymer.

Tuy nhiên, đối với sản phẩm dạng nhựa tổng hợp tái chế, ngoài các hóa chất có từ quá trình sản xuất, còn hiện diện các kim loại nặng như chì, cadmium, antimon, phẩm màu công nghiệp, khí furan, dioxin… chắc chắn tính chất độc hại phát tán ra môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người sẽ cao hơn dạng “polymer chính phẩm”.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Môi trường quốc tế Environment International (Mỹ), trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích mẫu máu của 22 người trưởng thành khỏe mạnh và phát hiện 17 người có hạt vi nhựa trong cơ thể. Một nửa số mẫu chứa nhựa PET, loại thường được dùng cho chai đựng đồ uống; 1/3 số mẫu chứa polystyrene, loại nhựa được sử dụng trong đóng gói thực phẩm và các sản phẩm khác. Trong khi đó, 1/4 số mẫu máu chứa polyetylen, thành phần chính của các loại túi nhựa.

Dù tác động của chúng đối với sức khỏe vẫn chưa rõ ràng, song các nhà nghiên cứu bày tỏ lo ngại bởi kiểm tra trong phòng thí nghiệm cho thấy vi nhựa gây tổn thương tế bào của người. Trong khi thói quen dùng đồ nhựa đang thịnh hành, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trong quá trình được cho ăn bằng bình nhựa, trẻ có thể nuốt hàng triệu hạt vi nhựa mỗi ngày.

Trong khi các nhà nghiên cứu đang kêu gọi tài trợ cho những nghiên cứu sâu hơn thì trên thực tế, mỗi ngày, vô số rác thải nhựa từ sinh hoạt của con người tiếp tục thải ra môi trường, làm ô nhiễm nguồn đất, không khí, nguồn nước…, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe của con người.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/buoc-banh-chung-gio-xuc-xich-bang-day-nilon-doc-hai-kho-luong-d218450.html