21 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 26, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngLựa chọn, vệ sinh đũa ăn an toàn cho sức khỏe người...

    Lựa chọn, vệ sinh đũa ăn an toàn cho sức khỏe người sử dụng

    Date:

    Related stories

    Trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam và nhiều nước châu Á, đũa ăn gần như là công cụ không thể thiếu. Tuy nhiên nếu không chọn đúng loại đũa và cách sử dụng không đúng có thể gây nhiều nguy hại đối với sức khỏe.

    Việc chọn mua đũa ăn không chỉ là việc đơn thuần lựa chọn một vật dụng nhỏ gọn trong bữa ăn hàng ngày mà còn đề cao vấn đề về sức khỏe và an toàn thực phẩm. Dưới đây là những gợi ý quan trọng khi lựa chọn đũa, nhằm hạn chế nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn và chất độc hại.


    Lựa chọn đũa ăn phù hợp an toàn cho sức khỏe. Ảnh minh họa

    Lưu ý khi lựa chọn đũa ăn

    Người dùng nên hạn chế chọn những đôi đũa có màu sắc sặc sỡ, nổi bật bất thường, có thể chúng đã được sơn, phủ các loại sơn, hóa chất độc hại lên đó. Loại đũa nào có mùi hôi, nồng, mùi hăng hoặc cay khó chịu… tuyệt đối không nên mua vì có thể đó là hóa chất độc hại để ngâm, bảo quản đũa không bị mốc.

    Chú ý không nên chọn đũa cầm lên thấy nhẹ tay, cảm giác sần sùi, dễ uốn cong, không cứng cáp, có thể đũa này sử dụng chất liệu kém chất lượng, gỗ, tre non, chất liệu dư thừa.

    Người dùng nên chọn những đôi đũa gỗ cầm lên thấy chắc tay, không bị cong vênh, không có mùi khó chịu, ít hoa văn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

    Cần vệ sinh đũa định kỳ tránh nấm mốc

    Một nghiên cứu từ các nhà khoa học đến từ Đài Loan đã phân tích về 4 loại đũa gồm: đũa tre, đũa nhựa, đũa gỗ và đũa inox. Kết quả phát hiện đũa inox là loại đũa sạch và chứa ít vi khuẩn nhất.

    Trong khi đó, đũa tre và đũa nhựa có lượng vi khuẩn tương đương, lần lượt là 350 và 310 (vượt quá giá trị tiêu chuẩn là 200). Đũa gỗ có lượng vi khuẩn cao nhất, lên tới 600, cao gấp 3,3 lần so với giá trị tiêu chuẩn.

    Trước đó, Hội đồng Người tiêu dùng Thượng Hải (Trung Quốc) cũng đã thu thập 200 đôi đũa đã sử dụng từ các gia đình và 660 đôi đũa mới để kiểm tra. Các vật liệu của đũa bao gồm: tre, gỗ, inox, melamine và hợp kim.

    Kết quả cho thấy, đũa tre và đũa gỗ có cấu trúc lỏng lẻo, bề mặt có rãnh và vân nứt, dễ ẩn vi khuẩn, nấm mốc. Đặc biệt là các đũa đã sử dụng hơn 6 tháng, tình trạng nấm mốc tăng lên 30% so với đũa mới và sử dụng dưới 3 tháng.

    Nhiều người chủ quan cho rằng, nấm mốc ở đũa chỉ cần rửa sạch là có thể sử dụng. Tuy nhiên, việc này chỉ làm trôi đi lớp nấm mốc bên ngoài. Trong khi đó, hệ thống sợi nấm rất lớn vẫn còn lại đã ăn sâu vào thân đũa, đồng thời chất độc cũng đã được sản sinh và tích tụ.

    Ngoài ra, một cuộc khảo sát từ Phòng thí nghiệm Vi sinh, Bệnh viện Nhân dân tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) cũng chỉ ra rằng, nếu không vệ sinh đũa kỹ càng, có thể sinh ra nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như Helicobacter pylori, Salmonella gây viêm loét dạ dày, áp xe gan.

    Bên cạnh đó, việc này cũng dẫn đến sự sinh sôi của E. coli và Listeria thường gây đau bụng, nôn mửa và buồn nôn. Trong môi trường phù hợp, lượng vi khuẩn có thể tăng gấp đôi chỉ trong vòng 20 phút. Nếu vi khuẩn còn tồn tại trên đũa, việc dùng chung đũa hoặc đưa đũa vào món ăn cũng có thể gây lây lan vi khuẩn.

    Các chuyên gia khuyên rằng, nên tiến hành khử trùng đũa mỗi tuần một lần và thay đổi đũa mỗi 6 tháng một lần.

    Đũa inox và đũa nhựa cũng gây độc nếu không vệ sinh đúng

    Tiến sĩ hóa học tại Đại học Quốc gia Đài Loan, Xie Jieyang cảnh báo, việc sử dụng miếng rửa kim loại để vệ sinh đũa inox có thể làm trầy xước bề mặt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và làm giảm khả năng chống gỉ.

    Sử dụng một miếng bọt biển mềm mại là phương pháp vệ sinh an toàn nhất. Ngoài ra, chuyên gia cũng khuyên nên thay đổi đũa thép không gỉ nếu bị trầy xước hoặc rỉ sét để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn khi ăn.

    Còn đối với loại đũa nhựa melamine, mặc dù đẹp và giá thành rẻ nhưng khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, loại đũa này có thể tiết ra chất độc hại cho gan và thận.

    Đồng thời, nếu sử dụng không đúng cách, đũa nhựa cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và tiết ra chất độc hại. Nếu vệ sinh không đúng cách, các chất độc hại có thể bong tróc và ngấm vào thực phẩm, gây hại cho sức khỏe như khó thở, tổn thương hệ thần kinh trung ương, tổn thương chức năng gan thận và thậm chí là ung thư.

    Việc lựa chọn đũa ăn không chỉ là việc chọn một công cụ ăn uống mà còn là việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Bằng cách lựa chọn đúng đũa và tuân thủ các nguyên tắc về vệ sinh và bảo quản, người dùng có thể giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn và chất độc hại từ đũa ăn, góp phần tạo ra một môi trường ăn uống an toàn và lành mạnh.

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12272:2018 về Đũa ăn

    TCVN 12272:2018 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 166 Dụng cụ bằng đồ gốm sứ và gốm thủy tinh tiếp xúc với thực phẩm biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

    Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu cho đũa ăn thành phẩm làm bằng tre, gỗ, nhựa tổng hợp và kim loại.

    Theo đó, tiêu chuẩn quy định trên bao gói của đũa ăn phải được ghi nhãn bền, đầy đủ và rõ ràng với ít nhất các thông tin như tên, thương hiệu, địa chỉ nhà sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối; tên và nhãn hiệu sản phẩm; kích thước, số lượng đôi đũa ăn trong mỗi bao gói; vật liệu chế tạo sản phẩm; viện dẫn tiêu chuẩn này.

    Về vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm phải không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Bao gói phải kín và chắc chắn để không bị rách vỡ khi vận chuyển và nhiễm bẩn trong điều kiện bảo quản thông thường.

    Lưu ý, đũa ăn phải được bảo quản tại nơi thoáng mát, khô ráo sạch sẽ, tránh côn trùng gặm nhấm, không gần nguồn nhiệt, và tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.

    Duy Trinh
    https://vietq.vn/lua-chon-ve-sinh-dua-an-an-toan-cho-suc-khoe-nguoi-su-dung-d221103.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img